Tượng Phật “lạ“: Thoáng trông một nỗi hãi hùng

Google News

Như vậy là không còn chỗ nào thấp hơn, dơ hơn và sỉ nhục hơn để người ta không ngần ngại đưa hình ảnh đức Phật vào đó?

Hãi hùng ở đây đối với tôi không phải chỉ là sự kiện một tấm hình “cô gái ôm đức Phật” mấy hôm nay do báo Thái Lan Bangkok Post đưa tin góp phần tạo nên làn sóng lên án mạnh mẽ từ các cư dân mạng. Bên cạnh đó là nhiều sự việc tương tự đã và đang diễn ra đó đây, không riêng gì ở đất nước Việt Nam chúng ta, với rất nhiều hình thức khác nhau, từ quai đôi dép mang dưới chân, thậm chí đến đôi nịt ngực nơi vùng nhạy cảm của phụ nữ; rồi công khai trương bảng hiệu trong các quán nhậu, quán bar và cả massage… là hình ảnh đức Phật tôn kính!

Như vậy là không còn chỗ nào thấp hơn, dơ hơn và sỉ nhục hơn để người ta không ngần ngại đưa hình ảnh đức Phật vào đó?

Và như thế đã đủ chưa một lời cảnh báo, trước nhất là đối với Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam chúng ta nói riêng khi mà tư tưởng phó mặc cho lập luận nghiệp báo, quả báo?

Họ làm sai quấy, họ sẽ phải chịu quả báo, đương nhiên là vậy, nhưng đứng về một danh giá đang chen lẫn trong cuộc sống đời thường - nhất là mặt trận hoằng pháp - ngoài chân lý đó, một tiếng nói, một hành động cụ thể về mặt pháp lý thế gian cũng cần phải tích cực được vận hành. Có quá nhiều vụ việc tương tự xảy ra lâu nay và chưa có dấu hiệu dừng lại, chứng tỏ kẻ có mưu đồ xấu đã nhìn thấy những lỗ hổng đó của các tổ chức Phật giáo chúng ta chăng?

Nếu thật sự là như vậy thì chúng ta có quyền đòi hỏi những nhà hoạt động hoằng pháp, những giảng sư trẻ, tài giỏi phải thể hiện hết khả năng, tư duy đã  được phổ cập song hành với thời đại, thiết thực bảo vệ chính pháp (chớ hiểu lầm là chỉ để bảo vệ tông môn, Tổ đường và xu hướng lập dị riêng, điều mà hiện nay đang diễn ra nhan nhản trước mắt chúng ta). Thứ nữa là  khả năng linh hoạt, tài ba của các nhà hoạt động văn hóa Phật giáo, mạnh dạn thoát ra khỏi vỏ ốc trù dập, định kiến cá nhân đã làm suy kiệt tiềm năng văn hóa văn nghệ nhiều năm qua, vào cuộc bằng chính thực lực và điều kiện nội lực sẵn có, từng bước khẳng định lại vị thế và hình ảnh đức Phật trong lòng thế gian.

Bức hình tạo nên làn sóng lên án mạnh mẽ từ các cư dân mạng.

Thử nghĩ đi, với những sự kiện đáng lo ngại vừa nêu xảy ra lâu nay, người đói thông tin và nghèo Phật pháp đã nhận được những bổ ích gì, ít nhất về mặt thông tin từ hai khía cạnh hoằng pháp và văn hóa Phật giáo ấy của chúng ta?

Chỉ riêng tấm hình này thôi, người đói thông tin Phật pháp đang rất muốn được nghe rằng:

- Tại sao dư luận Thái Lan bức xúc đến vậy? Có phải chăng họ là Phật giáo tiểu thừa nên chưa hiểu nhiều lắm về hình tượng chư Bồ tát hóa thân trong các tông phái khác, nhất là Mật tông Tây Tạng?

- Tại sao họ tức giận vì hình này được cho là đang hiện diện ở Việt Nam, có phải chăng họ thất vọng về một đất nước mà tín ngưỡng và văn hóa dân tộc với hai ngàn năm uy dũng của Phật giáo Việt Nam mà để có loại hình tượng này?

- Tại sao các hình tượng tương tự cũng thấy có trong các tranh thờ của Ấn giáo, của nghệ thuật hội họa Ấn Độ? Phải chăng nó phản ảnh tư duy xã hội đương thời hay họ có những vị thần như vậy?

- Tại sao hình tượng đang nói tới, từ xưa nay không thấy có ở Phật giáo Việt Nam chúng ta mà nếu có chỉ là ở các phòng trưng bày và sưu tầm cổ vật lẫn nghệ thuật. Như vậy có phải chăng đó không phải là tượng thờ và trên phương diện hoằng hóa chư Tổ sư xưa, dựa vào hạn chế sở kiến của quần chúng và nhất là xu thế Tịnh độ được chọn làm ưu tiên, nên thấy không cần thiết phải đưa ra?

Tại sao một tấm hình như vậy (dù có chắc là tìm thấy ở Việt Nam hay không) mà dư luận, nhất là Thái Lan ầm ĩ lên như vậy, phải chăng với họ dù nơi đâu hình ảnh đức Phật vẫn luôn là nơi để tôn kính?

Nếu thực sự đúng như vậy thì thật đáng buồn cho Phật giáo Việt Nam chúng ta bởi tại sao với những tấm hình xúc phạm tượng Phật, ngồi  lên bàn tay thiền định tượng Phật làm dáng, nhái dáng Phật ngồi… của giới trẻ Việt Nam lác đác được đưa lên mạng lâu nay mà chưa thấy tiếng nói chính thức nào từ hai bộ phận hoằng pháp và văn hóa Phật giáo lên tiếng!

Người viết thực sự hãi hùng và lo lắng cho sự lung lay "đạo đức" của một bộ phận giới trẻ ngày nay khi bất chấp nghiệp báo, quả báo hay dư luận, ngang nhiên thể hiện cá tính không giống ai hòng tạo hình mẫu khác người!

Đã có phản hồi từ dư luận rằng, những hiện tượng này chính là mặt trái của xã hội, và các bạn trẻ này từ trong hệ giáo dục của bản thân đã đè bẹp kiến thức tối thiểu vốn sẽ là công cụ trang điểm vẻ đẹp bề ngoài cho các bạn trên bước đường sống và lớn lên với tương lai.

Thật đáng lo ngại biết bao.
Tôi hãi hùng là như vậy!

Dương Như Tâm

TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Nguồn: Phatgiao.org.vn

Bình luận(0)