Phật tử nên ứng xử trên Facebook thế nào?

Google News

Tốt nhất là con em Phật tử nên đến chùa, lạy Phật, nghe pháp thường xuyên, huân tập chủng tử thiện lành, gặp gỡ đồng đạo như gần đèn sáng...

Vừa qua, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) vừa đưa ra quy định cấm học sinh văng tục khi lên Facebook đã khiến nhiều người lớn lẫn học sinh bất bình, phản ứng. Nhưng cũng có nhiều người lại ủng hộ.

Trồng cây cho tương lai

Dĩ nhiên ai cũng biết Facebook là nơi để mọi người được tự do thể hiện bản thân, có vẻ thoải mái hơn là thế giới thực với gia đình, cha mẹ, nhà trường, thầy cô, bạn bè… Tôi nói “có vẻ” thôi, vì thực tế có khi ngược lại. Khi bị phản ứng, “ném đá” thì bạn trẻ càng bị ức chế, stress nhiều hơn.

Facebook không có tội, vì bạn sử dụng nó thế nào thì nó sẽ ra thế ấy mà thôi. Ảnh minh họa

Vào Facebook định xả stress nhưng đôi lúc càng bị nặng nề vì dư luận trên đó cũng không thương tiếc với bạn. Bạn nói năng văng mạng, chửi rủa ai cũng được, thì những người khác cũng có quyền đó, họ xúm vào văng tục, chửi rủa bạn cũng thoải mái y như vậy. Tỷ lệ thuận đó mà, hoặc chính là luật nhân quả trong đời. Vì thế, đừng coi thế giới mạng là “ảo”, mà nó rất “thực”vì có sự tương tác giữa người và người, có gây ra cảm xúc, tâm lý. Vậy, có những quy định cho nó âu cũng là việc nên làm, chứ không hẳn là hạn chế tự do của bạn trẻ.

Tự do là quyền của mọi người, nhưng nếu bạn làm ảnh hưởng người khác thì bạn đã phạm lỗi. Nạn văng tục trên mạng, chửi rủa nhau bằng những lời lẽ dơ bẩn, xúc phạm, không thể được xem là biểu hiện của văn minh. Thậm chí, có những kẻ chửi cả cha mẹ, kêu bằng “con này”, “thằng kia” mới đáng sợ! Không lẽ chúng ta ủng hộ tự do kiểu đó? Thế giới ngày càng tiến tới văn minh, văn hóa, mà cư dân mạng lại cư xử thô lỗ, trơ tráo như thế, liệu họ có bị lạc lõng với cộng đồng nhân loại? Phải có biện pháp dìu họ đi song hành với nền văn minh văn hóa thế giới chứ.

Và các bạn trẻ cũng nên nhớ rằng, dù bạn chỉ nói trên thế giới mạng nhưng bạn đã “khắc” vào lòng người khác một “hình ảnh” không mấy tốt, thì khi có việc họ sẽ “nhớ” tới bạn như thế, chưa chắc họ đã dám cộng tác với bạn. Đặc biệt các nhà tuyển dụng sau này, sẽ rất lưu tâm tới những giá trị ấy chứ không chỉ tay nghề của bạn. Cơ hội tương lai e rằng sẽ bị thu hẹp ngay từ những gì bạn làm bây giờ.

Phật có nói đại ý là nhìn hiện tại biết quá khứ của một chúng sanh, và nhìn hiện tại cũng biết tương lai của chúng sanh đó. Hiện tại bạn trồng cây có quả đắng thì sau này bạn đừng trách tại sao mình phải ăn quả đắng.

Ô nhiễm môi trường văn hóa

Thực tế ngoài đời nhiều người vẫn có thói quen văng tục, kể cả những người được xem là trí thức, chẳng hạn nghệ sĩ, kỹ sư, nhà văn… nhưng mở miệng ra là nói tiếng “Đan Mạch”, hoặc kể chuyện tiếu lâm tục tĩu rồi cười thú vị. Trong những tầng lớp bình dân thì càng kinh khủng hơn. Thử sống trong khu xóm lao động sẽ thấy người ta nói tục khủng khiếp, chửi nhau tục tĩu không biết tả làm sao cho hết.

Môi trường văn hóa của chúng ta đang bị ô nhiễm như thế, làm sao lớp trẻ không bị ảnh hưởng, các em học theo từ trong vô thức kia mà. Nhưng bọn trẻ có một nơi để “nói”sướng miệng hơn đời thực, mà không bị ai phát hiện, rầy la, đó là internet, là Facebook, có thể giấu mặt, giấu tên. Như vậy, biện pháp hạn chế, cấm đoán của nhà trường chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi nào môi trường chung quanh cũng được “làm sạch”cùng lúc. Các em bị một thứ cộng nghiệp trói buộc, nghĩ mà thấy tội!

Nhưng không có nghĩa không thể xây dựng cho mình một biệt nghiệp tốt hơn. Đâu phải cả ngàn em học sinh của trường đều văng tục như thế. Số còn lại hẳn đã có một biệt nghiệp tử tế, một đời sống lành mạnh. Có thể đó là nhờ “văn hóa nền”của các em được rèn luyện từ gia đình, cha mẹ. Đặc biệt những gia đình Phật tử càng chú ý dạy dỗ con mình từ thuở bé thơ, nên các em tránh được khẩu nghiệp này.

Trong 10 nghiệp của Thân-Khẩu-Ý thì khẩu nghiệp đã chiếm đến 4. Và khẩu cũng là nơi khó giữ nghiệp, vì người ta vẫn cho rằng “lời nói gió bay”, hoặc nói chứ không có ác tâm, hoặc nói đùa cho vui, nói thêu dệt cho hấp dẫn… Thực sự tôi cũng có những người quen tánh tình rất tốt nhưng cứ luôn miệng chửi thề vì thói quen. Cái nghiệp đó khó bỏ vô cùng. Cho nên các vị Phật tử phải dạy con rất kỹ trong vấn đề “khẩu nghiệp”, đừng để các em mắc vào, đến khi muốn bỏ không hề đơn giản. Mình đừng đổ thừa cộng nghiệp, mà phải ráng xây dựng biệt nghiệp cho mình, thoát ra cái vòng luẩn quẩn của tội lỗi.

Xả giận bằng cách khác

Cư dân mạng cho rằng họ cần xả mỗi khi giận dữ. Nếu có người bảo “Tôi cần giết người để làm nguôi cơn giận” liệu có được chấp nhận? Giận là quyền của bạn, nhưng xả giận cách nào để không ảnh hưởng đến người khác thì mới được làm. Tự do của bạn không có nghĩa là xâm phạm tự do người khác. Và ta chỉ thực sự tự do khi không bị trói buộc vào cơn giận. Như vậy cần phải tu, phải rèn luyện tâm cho thuần thục. Khi ý không khởi niệm giận, thì khẩu cũng không phát ra lời bậy. Cũng có thể ý khởi niệm giận, nhưng nhờ tu nên kiềm chế giỏi hơn, khẩu không buông lời thóa mạ.

Nếu sức tu chúng ta còn hạn chế, thì chúng ta có thể giận, nhưng hãy xả nó bằng cách “hiền lành”, “thế tục” hơn một chút, chẳng hạn đi ăn uống, đi giải trí bằng phim, nhạc, kịch gì đó, hoặc đi đánh cờ, đi mua sắm, hoặc tìm bạn bè, người thân mà kể lể, chia sẻ… một lúc là bình tĩnh lại ngay. Khi bớt giận rồi sẽ nhận ra ai lỗi ai phải, sẽ có biện pháp ứng xử đỡ hơn, ít gây thiệt hại hơn. Chắc ai cũng từng có kinh nghiệm này.

Nhưng khổ nỗi, từ khi có Facebook thì các bạn trẻ không thèm xả giận bằng những cách kể trên, mà lập tức mở máy tính, 5 phút đã có ngay những dòng chữ đánh gục “đối thủ”, 5 phút đã hả hê trong lòng, quá mau lẹ, quá tiện lợi. Rõ ràng là con dao hai lưỡi. Bạn hết giận nhưng bạn gây thêm nghiệp. Như vậy, nếu nhà trường có quy định hạn chế trên Facebook thì cũng giúp bạn khống chế bản thân, không phải là vô ích. Khi bạn không tự kiểm soát được mình thì cái đèn đỏ ít ra cũng chặn bạn được ngay vạch cấm.

Tốt nhất là con em Phật tử nên đến chùa, lạy Phật, nghe pháp thường xuyên, huân tập chủng tử thiện lành, gặp gỡ đồng đạo như gần đèn sáng, nhìn cây cảnh hoa lá như tưới mát tâm hồn... Khi đã trang bị bằng những thứ trong sạch này thì chắc chắn tâm không thể bị cái xấu làm ô nhiễm. Lúc đó Facebook sẽ là nơi trao đổi, học tập, kết bạn tử tế. Facebook không có tội, vì bạn sử dụng nó thế nào thì nó sẽ ra thế ấy mà thôi.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Giác Ngộ Online

Bình luận(0)