Thượng tọa Thích Tiến Đạt: “Còn thiếu chú trọng giáo luật“

Google News

Phật giáo hiện nay đang thiếu chú trọng việc giáo luật vì thế sau những chuyện đã xảy ra, lãnh đạo Giáo hội cần xem lại tư cách tăng ni

- Hàng loạt thông tin không tốt về vấn đề người xuất gia vi phạm giới luật, oai nghi… khiến cộng đồng dư luận đặt dấu hỏi có phải Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang thiếu chú trọng giáo dục giới luật cho Tăng ni?

Để tìm hiểu vấn đề này, Kienthuc.net.vn đã có buổi trò chuyện với Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Ủy viên Pháp chế HĐTS GHPGVN, Phó trưởng ban kiêm chánh thư ký BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
 
"Phật giáo hiện nay đang thiếu chú trọng đối với việc giáo luật",Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Ủy viên Pháp chế HĐTS GHPGVN chia sẻ
"Phật giáo hiện nay đang thiếu chú trọng đối với việc giáo luật",Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Ủy viên Pháp chế HĐTS GHPGVN chia sẻ

Mới có tư vấn vì chưa thành lập Ban pháp chế

Thưa thượng tọa hành lang pháp chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam lâu nay được thực hiện như thế nào ạ?

Thật ra lâu nay, Giáo hội mới chỉ có chức danh ủy viên pháp chế, chưa có một Ban pháp chế cụ thể. Vì thế việc xử lý hay tư vấn giải quyết pháp chế cho Giáo hội còn hạn chế.

Tuy nhiên, sau Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ chính thức thành lập Ban Pháp chế. Ban này sẽ có các hoạt động kiểm tra, quản lý, tư vấn xử lý các vi phạm cũng như hành lang pháp lý trong và ngoài Giáo hội trong thời gian tới.

Như thế việc sám hối và cử tội của Phật giáo từ trước đến giờ được thực hiện như thế nào?

Lâu nay, vấn đề xử lý phạm lỗi của Tăng Ni trong Giáo hội dựa trên vấn đề vi phạm giới luật hay hành chính. Nếu Tăng Ni vi phạm giới luật thì lãnh đạo Giáo hội hay các Ban trị sự tỉnh, thành sẽ y cứ quy định của đức Phật mà đưa ra hình thức định tội.

Còn nếu người xuất gia hay tại gia vi phạm những vấn đề thuộc phạm vi hành chính mà Giáo hội ban ra thì, lãnh đạo Giáo hội các cấp có trách nhiệm căn cứ hiến chương hay nội quy tăng sự để có biện pháp xử lý.

Riêng đối với tăng ni nào vi phạm có liên quan đến quy định pháp luật của nhà nước thì các cơ quan chức năng nhà nước sẽ làm việc.
 
Vấn đề tăng ni phạm giới đang đặt ra nhiều câu hỏi cho Giáo hội trong việc quản lý tăng ni (ảnh chụp cảnh Mr Đàm hôn nhà sư)
Vấn đề tăng ni phạm giới đang đặt ra nhiều câu hỏi cho Giáo hội trong việc quản lý tăng ni (ảnh chụp cảnh Mr Đàm hôn nhà sư)

Như vậy việc xử lý vi phạm của Phật giáo có khác gì với các cơ quan lập pháp bên ngoài hay không?

Thật ra việc xử lý và định tội trong nhà Phật luôn đề cao tinh thần tự giác. Tất cả mọi xử lý vi phạm đều được hướng đến vấn đề giáo dục nhiều hơn. Nếu người nào mắc lỗi thì sẽ được chư tôn đức chỉ ra sao cho người phạm lỗi nhận thấy và tự đến chư Tăng xin sám hối.

Chỉ có như thế người phạm tội mới có thể lấy lại giới thể trong sạch của mình. Còn việc xử lý vi phạm thì cũng giống như bên ngoài, tuy nhiên cách làm thì tuân theo nguyên tắc của nhà Phật. Đó là Phật giáo muốn cử tội, phải y kinh để giáo huấn, y luật để đưa ra biện pháp xử lý.

Có giới luật Phật pháp mới trường tồn

Thưa thượng tọa tại sao thời gian qua, ngày càng có nhiều thông tin người xuất gia phạm lỗi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông?

Thật ra việc người xuất gia phạm lỗi không phải đến bây giờ mới có. Điều này đã có ngay từ khi Phật còn tại thế, mỗi khi có ai làm điều không đúng, Ngài căn cứ vào đó mà chế ra giới luật để phòng ngừa.

Ngoài ra ngày nay công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông hiện đại phổ biến nên việc đưa thông tin đến dư luận dễ dàng. Chính vì thế, mỗi khi có thông tin xấu thì dư luận rất dễ biết đến.
Tăng ni hiện nay không thể chỉ có học mà cần cố gắng tinh tấn hành giới luật
Tăng ni hiện nay không thể chỉ có học mà cần phải tinh tấn hành giới luật (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân của những lỗi mà tăng ni phạm đến là do đâu ạ?

Có thể nguyên nhân gây ra lỗi là do bản thân họ không chịu học luật và vị bổn sư của người tu phạm lỗi này không chịu dạy đệ tử những gì nên làm, nơi nên đến….

Chứ trong giới luật, khi mới vào tu, Đức Phật đã chế quy định bắt 5 năm đầu chuyên tâm học luật, thông luật mới học giáo nghĩa. Trong 5 năm đó nếu không thông suốt thì suốt đời ở với thầy, không được ra riêng, không được đi trụ trì.

Qua đó cho thấy Phật giáo hiện nay đang thiếu chú trọng đối với việc giáo luật. Sau những chuyện đã xảy ra, chắc chắn chư tôn đức lãnh đạo của Giáo hội cần xem lại tư cách tăng ni để làm cho ngôi nhà Phật giáo ngày càng vững mạnh hơn.
 
Khi phát hiện một vị Tăng hay Ni phạm lỗi thì ai là người có thể xử phạt và định tội thưa thượng tọa?
 
Phật giáo có một khóa lễ là Tác pháp Yết Ma để cử tội những vị xuất gia phạm lỗi. Trong đó việc xử tội sẽ do các trưởng lão hay các vị tăng già họp lại. Quyết định xử tội sẽ do chính hội đồng tăng già này đưa ra.

Có người cho rằng, lãnh đạo Phật giáo không cầu thị mà luôn tìm cách né tránh những vấn đề không tốt, thượng tọa nghĩ sao?

Thật ra từ thời đức Phật còn tại thế đã để lại quy định người tại gia không được nêu tội và cử tội người xuất gia. Người xuất gia vi phạm thì có hệ thống tăng đoàn xử lý.
 
Phật giáo có cái hay là luôn giữ giới luật trước các bậc trưởng bối, đây là điều nên gìn giữ
Phật giáo có cái hay là luôn giữ giới luật trước các bậc trưởng bối, đây là điều nên gìn giữ (ảnh minh họa)
Nói như thế có phải đức Phật bao che cho đệ tử của mình, có nên hay không?

Việc tiếp xúc với những thông tin xấu thì với người chưa có niềm tin Phật pháp chắc chắn sẽ không muốn tiếp cận, người có thì suy giảm niềm tin, làm vậy chỉ có gây ra pháp thân Phật bị ảnh hưởng.

Chính vì thế việc công khai đến chỗ nào, đưa ra thông tin đến đâu thì chỉ có tăng đoàn mới quyết định và công bố. Nên mới có chuyện tại sao nhiều vị tôn túc khi được hỏi những vấn đề này đều không nói điều gì. Muốn nói gì hay làm gì phải có tiếng nói chung của hội đồng tăng đoàn quyết định.
 
Xin cảm ơn thượng tọa!

Hoài Lương - Bùi Hiền (thực hiện)

Bình luận(0)