Tự chủ đại học: Sinh viên lo ngại học phí tăng cao?

Google News

(Kiến Thức) - Tự chủ đại học đang từng bước được triển khai và được đánh giá là một chủ trương tốt. Tuy nhiên, nhiều sinh viên lo lắng mức học phí tăng cao sẽ không thể theo học tại các trường mà họ ưa thích…

Thời gian qua dư luận đặc biệt quan tâm đến việc dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày trước Quốc hội đề cập việc đổi cụm từ "học phí" thành "giá dịch vụ đào tạo". Tên gọi "giá dịch vụ đào tạo" được đề xuất trong Luật giáo dục đại học sửa đổi được hiểu là bao gồm phí dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác...
Trên thực tế, việc chuyển học phí đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo để các trường công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển học phí đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo cũng để phù hợp với chủ trương của Chính phủ đến năm 2020 các trường đại học công lập phải tự chủ hoàn toàn.
Tự chủ đại học đang từng bước được triển khai và được đánh giá là một chủ trương tốt. Hiện một số trường đại học đầu tiên gồm ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản Bộ GD&ĐT. Đây được cho là một bước tiến để đẩy mạnh hơn nữa tự chủ đại học.
 Tự chủ đại học đang từng bước được triển khai và được đánh giá là một chủ trương tốt. Tuy nhiên, nhiều sinh viên lo lắng mức học phí tăng cao sẽ không thể theo học. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, việc tự chủ đại học đang khiến các sinh viên không chỉ lo chất lượng đào tạo mà còn đang đứng trước nỗi lo ngại học phí tăng cao, nhất là với các sinh viên nghèo.
Bài học từ nhiều trường đại học công lập đang triển khai đề án thí điểm tự chủ của trường như trường Đại học Kinh tế TP HCM đã có mức học phí cao hơn so với những trường công lập khác chưa tự chủ tài chính. Dù mức thu này vẫn chưa tính đủ suất đào tạo. Lý do khác là cơ sở vật chất của trường là tài sản nhà nước nên chưa tỉnh khấu hao. Nếu tính đủ thì chắc chắn mức học phí sẽ cao hơn nhiều.
Hơn nữa, khi được tự chủ, các trường sẽ có những định hướng phát triển chất lượng, đầu tư các trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất…Tất cả sẽ đổ dồn vào học phí đẩy học phí tăng cao.
Dù tinh thần của tự chủ tài chính không phải để tăng học phí nhưng nhiều trường thừa nhận bắt buộc phải tăng học phí và cam kết về chất lượng đầu ra tương ứng với mức học phí tăng. Tuy nhiên, việc các trường tự chủ tăng học phí trong khi các trường chưa tự chủ về tài chính hoặc tự chủ một phần vẫn giữ mức học phí thấp hơn dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt.
Ngay Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận thẳng thắn việc thực hiện tự chủ còn nhiều tồn tại, vướng mắc như một số trường chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường theo quy định, chưa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường. Hình thức hoạt động của hội đồng trường chủ yếu bằng các cuộc họp, vai trò giám mờ nhạt, nguồn kinh phí cho hoạt động của hội phụ thuộc vào kinh phí của nhà trường do Hiệu trưởng quyết định.
Bên cạnh đó, việc thu từ học phí, lệ phí vẫn là nguồn thu chính cuả trường tự chủ khi chiếm trên 70% tổng thu là rất rủi ro, nguồn thu phụ thuộc nhiều vào tình hình tuyển sinh. Trong khi đó, cơ chế "cơ quan chủ quản" thể hiện sự can thiệp của cơ quan quản lý vĩ mô vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy tổ chức, nhân sự và đầu tư của nhà trường.
Xét cho cùng, việc giao quyền tăng giảm học phí, cùng với đó cho phép các trường xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước làm dấy lên nghi ngại sẽ xảy ra việc tăng phí, thu phí, thu giá vô tội vạ ở các trường điểm. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường cũng sẽ sản sinh là việc một số trường đại học sẽ thu giá phí rẻ để cạnh tranh sinh viên dẫn đến tình trạng giảm chất lượng đào tạo.
Thu học phí mức cao hơn nhưng sinh viên vẫn quan ngại liệu chất lượng đào tạo có được nâng cao. Tuy nhiên hệ quả có thể thấy, tăng học phí nhiều sinh viên sẽ không thể theo học ở những trường mà họ mong muốn được học do không kham nổi kinh phí trong quá trình đào tạo, dẫn đến thâm hụt đi không ít sinh viên thực sự có thực lực.
Tại phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực chiều 29/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tự chủ đại học là một chủ trương tốt. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, bước đi, cách làm cần hết sức chặt chẽ. Giáo dục là lo cho toàn dân nên phải có bước đi tốt để không gây ra sự rối loạn, nhảy từ thái cực này sang thái cực kia.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tổng hợp nghiên cứu để có cách chỉ đạo thống nhất trên tinh thần hướng đến cách tiếp cận mới về tự chủ đại học với cách làm phù hợp với Việt Nam, trong đó bao gồm tự chủ về học thuật, tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính. Thủ tướng nêu rõ, tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước không đầu tư nữa mà đơn cử là trường có quyền quyết định mức lương trả cho giảng viên khi mời họ về giảng dạy.
Một số ý kiến các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, các trường cần cân nhắc xem ngoài việc tăng học phí, các trường sẽ phải điểu chỉnh như thế nào đối với các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hoặc chính các trường nâng cao học phí nhưng cơ sở vật chất, hay chất lượng giáo viên, chất lượng đào tạo liệu có đổi thay?
Thiên Nga

Bình luận(0)