“Tiểu công viên” được lòng nhân dân

Google News

(Kiến Thức) - Một khu vui chơi không lớn, mới được hình thành, nhưng đã trở nên hoàn chỉnh, nhờ “xã hội hóa” một cách thành công nên được lòng nhân dân.

“Tieu cong vien” duoc long nhan dan
Các cháu có chỗ vui chơi. 
Một khu vui chơi không lớn, mới được hình thành, nhưng đã trở nên hoàn chỉnh, nhờ “xã hội hóa” một cách thành công nên được lòng nhân dân.
Phố Đặng Thùy Trâm (Hà Nội) là một khu dân cư mới xuất hiện chưa đầy chục năm trở lại đây. Nhà ba bốn tầng đã mọc lên san sát, dân cư trở nên đông đúc, nhưng thiếu vắng một khu vui chơi giải trí. Tại nơi giáp ranh hai quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm có một khu đất trống, rộng hơn 2.000m2. Mấy năm nay tại đây người ta đổ rác, đổ đồ phế thải và bị chiếm dụng làm nơi bán cát, gạch và vật liệu xây dựng. Biết đó là một khoảnh đất vàng đất bạc, một số doanh nghiệp đã nhăm nhe trả giá cao để làm dự án kinh doanh. Nhưng tổ dân phố và nhân dân trong phường cương quyết giữ lại.
Chính quyền quận Cầu Giấy cũng đã quy hoạch làm một “tiểu công viên” mang tên CX3. Nhưng mãi đến cuối tháng 4 vừa qua, công việc san đất giải phóng mặt bằng và lát mặt sân mới được tiến hành. Chỉ cần có thế, bà con đã rất phấn khởi, hào hứng ủng hộ hàng trăm triệu đồng mua cây xanh trồng quanh công viên, mua ghế đá làm chỗ ngồi nghỉ. Có những cây hoàng mỹ nhân giá tới 30 triệu đồng. Mặc dù gặp thời tiết nắng nôi, bà con thường xuyên tưới nước, nên đến nay cây đã trổ lá xanh, báo hiệu năm sau sẽ là những hàng cây cho bóng mát sum suê và nở hoa khắp bốn mùa.
Chẳng mấy chốc, “tiểu công viên” đã trở thành nơi hoạt động vui chơi đầy sinh khí. Câu lạc bộ Bóng đá hơi của các cụ được thành lập, sáng nào cũng tập luyện đông vui. Trong khi đó, các cụ bà xếp thành đội ngũ tập thể dục dưỡng sinh theo tiếng nhạc xập xình. Buổi chiều, các cháu nhỏ chiếm lĩnh sân chơi đạp xe, chơi bóng. Vậy là phát sinh thêm nhiều nhu cầu mới. Một số nhà hảo tâm tự nguyện ủng hộ 80 triệu đồng để lắp ráp tổ hợp máy tập thể dục cho người lớn.
Các cụ có chỗ tập, chẳng lẽ trẻ em bị thiệt thòi? Thấy thế, ông Phạm Văn Trọng, một cán bộ về hưu đã bàn với vợ, chủ động đề xuất xây dựng thêm một khu vui chơi cho các cháu. Hai ông bà đã rút từ số tiết kiệm sau khi về hưu 250 triệu đồng để ủng hộ. Chỉ một tuần sau, khu vui chơi thiếu nhi đã khánh thành. Sáng, chiều các cháu nô nức đến leo trèo vui vẻ. Lại nảy sinh nhu cầu mới, sàn lát gạch không an toàn, một số gia đình  tự đề xuất  góp tiền mua thảm cỏ nhân tạo để trải sân cho các cháu.
Khu vui chơi, giải trí thuộc Tổ dân phố số 2, phường Dịch Vọng Hậu, nhưng đã trở thành nơi sinh hoạt công cộng của người dân các khu nhà ở xung quanh thuộc địa bàn hành chính khác.
Có thể nói, đây là một khu vui chơi giải trí được “xã hội hóa” một cách thành công ngoài mong đợi. Được như thế cũng phải kể đến nhiệt tình và sự năng động của các cán bộ tổ dân phố, dám làm, dám chịu, hoàn toàn không vụ lợi, mọi việc đóng góp, chi tiêu đều minh bạch. Chính vì vậy, họ được dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ.
Cũng xin có chút “đối sánh”. Ngay cuối dãy phố Đặng Thùy Trâm là địa bàn thuộc phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm cũng có một khu đất gọi là “công viên”. Mặc dù ngay từ khi xây dựng đã được khoanh lại làm “vườn hoa”, nhưng qua bao nhiêu năm rồi, vẫn bị tư nhân chiếm dụng làm nơi để cát sỏi và vật liệu xây dựng. Vài cây hoa mọc leo lét còi cọc. Xe chở cát, chở gạch hằng ngày tung bụi mù ngay trước nhà trẻ. Nhiều lần dân phản ánh, nhưng vẫn cứ như thế.
Thế mới biết,  nếu được lòng dân thì mọi việc dù khó cũng xong!
Nhữ Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)