Chuyện tượng đài và sự vĩ đại của Bác Hồ trong lòng dân

Google News

(Kiến Thức) - "Bác Hồ ở nơi chín suối, nếu biết được việc xây tượng đài mình tốn kém như vậy hẳn sẽ không hài lòng, bởi điều đó trái với tư tưởng, tình cảm của Người dành cho nhân dân".

Đề án “Xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc cùng quảng trường trung tâm thành phố” của tỉnh Sơn La đang thu hút sự chú ý và nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Báo điện tử Kiến Thức nhận được và đăng tải bài viết của độc giả Phạm Mạnh Hà liên quan tới đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ nói trên. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân và văn phong của tác giả.
---//---
Sự kiện tỉnh Sơn La đề xuất đề án xây dựng khu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số hạng mục khác với tổng kinh phí lên đến 1.400 tỉ đồng đã gây xôn xao dư luận cả nước. Sau đó theo yêu cầu giải trình của Thủ tướng Chính phủ, các hạng mục công trình đã được kê khai với 7 hạng mục chính gồm: Xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ước tính 250 tỷ đồng; Đền thờ Bác Hồ ước tính 48 tỷ đồng; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ 30 tỷ; Hệ thống đường giao thông 4,1km và 3 cầu qua suối tổng mức đầu tư 130 tỷ; Công viên vườn hoa, cây xanh và tôn tạo di tích nhà ngục Sơn La 21 tỷ; xây dựng nhà bảo tàng 40 tỷ… 
Dù rằng lý do là để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng cần biết rằng, trước khi muốn tôn vinh ai thì người ta cần phải nhớ đến tư tưởng, tình cảm của người được tôn vinh là thế nào đã. 
 Tượng đài Bác Hồ. Ảnh minh họa.
Người Việt Nam không ai là không biết đến cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ muôn vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam. Người đã dành trọn cả cuộc đời của mình cống hiến cho độc lập tự do của dân tộc mà không màng một chút riêng tư.
Sự vĩ đại của Bác được tất thảy mọi người kính phục, tôn thờ.
Hẳn ai cũng biết đến câu nói nổi tiếng của Người: "Tôi có một ham muốn tột bậc, là làm sao cho đất nước tôi được độc lập, tự do, đồng bào tôi ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Câu nói ấy đã thể hiện tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Vì lý tưởng ấy, Bác đã đi khắp năm châu bốn bể để tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, chấp nhận đương đầu với mọi khó khăn, thử thách. 
Đến khi trở thành Chủ tịch nước, Bác vẫn chỉ đi dép cao su, mặc áo kaki cũ bạc màu, ở ngôi nhà lá. Bác luôn quan tâm đến cuộc sống của mọi người dân Việt Nam.
Như vậy, hình tượng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức vô cùng cao cả mà cũng vô cùng giản dị, gần gũi với từng người dân Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và tình cảm thắm thiết của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chính vì tình cảm của mọi người dân Việt Nam đối với Bác đều xuất phát từ tấm lòng nên có nhất thiết phải xây dựng tượng đài nhiều tỷ đồng?
Người ta phải lưu ý rằng, số tiền nhiều tỉ đồng đó có thể đem giúp đỡ nhiều đồng bào còn đang khó khăn, nghèo khổ.
Bác Hồ ở nơi chín suối, nếu biết được việc xây tượng đài mình tốn kém như vậy hẳn sẽ không hài lòng, bởi điều đó trái với tư tưởng, tình cảm của Người dành cho nhân dân.
Phạm Mạnh Hà

Bình luận(2)

Minh Hiền

tran tu

Không riêng gì Sơn La, tôi được biết Chính phủ đã phế duyệt "Quy hoạch" tượng đài Bác Hồ đến năm 2030. Theo đó sẽ có khoảng 50 tượng đài Bác trên các tỉnh thành. Bản thân tượng Bác ở SL cũng đã được PTT Vũ Đức Đam "quyết định" bổ sung vào "Quy hoạch". Như vậy thì "hiện tượng Sơn La sẽ không phải cá biệt và cái sai của SL sẽ là cái sai của cả hệ thống????

Minh Hiền

Justice

Lãnh đạo tỉnh dùng hình ảnh thân thương giản dị của Bác để xây dựng tượng đài hoành tráng bề thế trong khi tỉnh miền núi thì lại rất nghèo, dân còn đói khổ! Bác Hồ luôn là tấm gương với lối sống tiết kiệm, luôn vì dân trước sau mới bản thân mình. Trong dân gian thường đồn rằng các vị đó muốn làm hoành tráng với tiền nghìn tỷ để kiếm chút cháo khoảng vài chục, trăm tỷ, nghe thật buồn lòng!