Danh hiệu cho nghệ sĩ: Lúc sống không trao, mất rồi mới xét!

Google News

(Kiến Thức) – Khi nghệ sĩ Văn Hiệp về với trời thì khán giả, đồng nghiệp mới sực nhớ ra ông chưa có “danh hiệu”. Lúc đó họ mới vội vàng kí tên đề xuất “xin” danh cho ông. Nghĩ mà… ngậm ngùi.

Sáng 11/4, trong lễ viếng và truy điệu cố nghệ sĩ Văn Hiệp, các nghệ sĩ Hà Nội đã truyền tay nhau ký vào tờ đơn do đạo diễn – NSND Khải Hưng soạn thảo, đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu NSƯT cho diễn viên hài Văn Hiệp – cây đại thụ của làng hài Việt Nam.

 Các nghệ sĩ đang kêu gọi kí tên "xin" danh hiệu cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp ngay sau khi ông từ giã cõi đời

Trong sự nghiệp diễn viên, nghệ sĩ hài Văn Hiệp đã tham gia tới 1000 tác phẩm, phim truyện. Các vai diễn của ông trong Người vác tù và hàng tổng, cậu bé Sacca trong kịch Nila, Y tá Háp trong vở Đôi Mắt, Phi Vân trong vở Hoa Pháo, vai Ốc trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến …đều để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Đặc biệt, qua seri hài “Gặp nhau cuối tuần” của đài truyền hình Việt Nam cái tên “Trưởng thôn Văn Hiệp” đã trở thành thương hiệu của một đời nghệ sĩ.

Trọn một đời cống hiến cho nghiệp diễn, mang đến nhiều niềm vui cho cuộc đời và được gián giả cả nước yêu quý, thế nhưng cho tới phút lâm chung, nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn không được nhận bất cứ một danh hiệu nào.

Văn Hiệp từng nhiều lần tâm sự về sự thiệt thòi của mình, bởi ông chỉ là diễn viên hài kịch đã về hưu, chuyên đóng các vai phụ, không đủ tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu. “Dù là những vai diễn ngắn, nhưng hiệu quả xã hội mà Văn Hiệp mang đến rất cao. Ông là người lao động rất nghiêm túc trong nghề diễn. Việc không được danh hiệu gì là rất thiệt thòi. Tôi cho rằng nên truy tặng người đã khuất một vị trí xứng đáng để có sự công bằng, an ủi vong linh họ”, NSND Khải Hưng.

Theo quy trình xét tặng danh hiệu NSƯT, người nghệ sĩ phải có đủ số năm công tác trong biên chế và hai Huy chương vàng. Nghệ sĩ Văn Hiệp chỉ đóng những vai phụ, không tham gia liên hoan phim hay hội diễn thì quy định trên chẳng khác nào đánh đố. 

Riêng việc làm thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ cũng không ít nhiêu khê, bất cập. Mục đích của việc phong tặng danh hiệu là để tôn vinh các nghệ sĩ trước những đóng góp của họ trong lĩnh vực nghệ thuật. Những cống hiến ấy được cả xã hội ghi nhận. Thế nhưng trớ trêu thay, để có được tấm danh hiệu, họ phải tự mình làm đơn, kê khai thành tích và phải có xác nhận của tổ dân phố, UBND phường, chẳng khác gì kiểu xin, cho. Không ít những nghệ sĩ không muốn làm hồ sơ chỉ vì cảm thấy …bị tổn thương!

Phải chăng đã đến lúc cần thay đổi cơ chế xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ để có sự công bằng cho những người đã lao động miệt mài, cống hiến cả cuộc đời cho nghiệp diễn? Và nên chăng, hãy trao tặng những danh hiệu cao quý này cho những người đang còn sống, đang ở đỉnh cao của sự nghiệp để họ có thêm nguồn động lực tiếp tục thăng hoa, cống hiến. 

Chia sẻ về việc đề nghị truy tặng danh hiệu NSƯT cho nghệ sĩ Văn Hiệp, nghệ sĩ Trần Nhượng bày tỏ: “Đây là việc làm rất có ý nghĩa, chỉ tiếc rằng đã quá muộn, nhưng dù sao thì muộn cũng còn hơn không”.

 Diễn viên Phương Thanh cũng phải mất 3 năm mới được truy tặng danh hiệu NSND

Trước đó, diễn viên Phương Thanh sau khi qua đời 3 năm mới được truy tặng danh hiệu NSND, mặc dù trước khi mất cô đã làm hồ sơ nhưng không hiểu vì lý do gì đã không có tên trong đợt phong danh hiệu. 

Gần đây nhất, diễn viên Hồ Kiểng cũng từ giã cuộc đời mà không được nhận danh hiệu NSND, trong khi bạn diễn cùng thời với cố nghệ sĩ gần như đều trở thành NSND hết (Hồ Kiểng được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1997). 

Thiết nghĩ, với các nghệ sĩ như Phương Thanh, Văn Hiệp, Hồ Kiểng dẫu có được Nhà nước xét tặng danh hiệu hay không thì với công chúng, họ mãi là những nghệ sĩ của nhân dân đích thực. Bởi với những người nghệ sĩ, không có phần thưởng nào lớn bằng chỗ đứng trong lòng công chúng.

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU


Nguyệt Cát

Bình luận(0)