“Trưởng thôn” Văn Hiệp sắp được phong NSƯT?

Google News

Ông Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho biết: Hội Nghệ sỹ Sân khấu đã soạn xong lá đơn đề nghị Bộ VHTT& DL đặc cách phong NSƯT cho cố nghệ sỹ Văn Hiệp.

Cùng với đó là đơn đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu NSƯT cho diễn viên hài Văn Hiệp do đạo diễn - NSND Khải Hưng soạn thảo được các nghệ sỹ Hà Nội truyền tay nhau ký trong lễ viếng và truy liệu sáng qua (11/4).

Người ký đầu đơn là Giáo sư, Tiến sĩ, NSND Đình Quang rồi đến các NSND, NSƯT, diễn viên. Tổng cộng có khoảng 150 người đã ký vào tờ đơn.

 Đạo diễn Khải Hưng vận động các nghệ sĩ ký tên trình lên các cấp hội đồng xét đặc cách truy phong danh hiệu NSƯT cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp .

Đạo diễn Khải Hưng cho biết: Cố nghệ sỹ Văn Hiệp dù chỉ là diễn viên hài kịch đã về hưu, chuyên đóng các vai phụ, dù là những vai diễn ngắn, nhưng hiệu quả xã hội mà Văn Hiệp mang đến rất cao. Văn Hiệp là người lao động rất nghiêm túc trong nghề diễn, không chỉ là diễn viên giỏi mà còn có khả năng viết kịch bản, đạo diễn… Vì thế, việc anh không được gì là rất thiệt thòi.

Như chúng ta đã biết qua 3 lần làm hồ sơ, cố nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn không được phong NSƯT vì thiếu huy chương.

Bản thân đạo diễn Khải Hưng vốn là thành viên trong Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Ông cho biết, theo luật, Văn Hiệp không thể được truy tặng danh hiệu nhưng với những trường hợp đặc biệt cần có sự động viên. “Chúng ta làm ra luật thì phải có những điều chỉnh về luật. Việc áp dụng luật vào một vài trường hợp hiện nay không chính xác lắm” - Khải Hưng đánh giá.

Tuy nhiên theo ông, việc Văn Hiệp có được truy tặng hay không còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố chứ không đơn giản là trình lên hội đồng cấp cao tờ đơn nguyện vọng của anh em nghệ sĩ. Theo đó, phải có gia đình làm đơn, chứng nhận của đoàn thể và phải có đợt.

Trong sự nghiệp diễn viên hơn 40 năm của mình, Văn Hiệp đã tham gia tới 1000 tác phẩm kịch, phim truyện. Dù tuổi đã cao, bệnh tật nhiều nhưng Văn Hiệp vẫn tất bật trên phim trường, bền bỉ làm việc không ngừng nhằm mang đến tiếng cười cho khán giả. Tuy không được phong tặng danh hiệu NSƯT, những lớp nghệ sĩ đi sau như Vượng "râu", Quang "tèo", Giang "còi"... đều luôn bày tỏ lòng kính trọng trước những cống hiến của ông.

Sinh thời, Văn Hiệp từng nói rằng: "Những cái áo dù người thợ may có khéo đến đâu cũng không thể vừa khít mình. Tôi không khoác cái áo NSND hay NSƯT. Tôi chỉ là nghệ sĩ Văn Hiệp, suốt đời chăm chỉ cần cù và phấn đấu trung thực như một nghệ sĩ giun...".

 Các nghệ sĩ cùng nhau ký tên đề nghị truy tăng danh hiệu NSƯT cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp.

Liệu có khả thi?

Đối với danh hiệu NSƯT, có 4 tiêu chuẩn chính, trong đó tiêu chuẩn "ngặt nghèo" nhất chính là: "Được tặng ít nhất 4 giải thưởng chính thức (loại vàng hoặc bạc) trở lên, trong đó có một giải thưởng của 2 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ tại các Liên hoan nghệ thuật, hội diễn nghệ thuật, Liên hoan Phát thanh và Truyền hình cấp quốc gia, giải thưởng cấp khu vực quốc tế và các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương".

Còn đối với danh hiệu NSND, cũng có 4 tiêu chuẩn chính ở mức độ cao hơn, trong đó cá nhân nghệ sỹ phải được tặng ít nhất 3 giải thưởng chính thức (loại vàng) trở lên, trong đó có một giải thưởng của 2 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ tại các Liên hoan nghệ thuật, hội diễn nghệ thuật, Liên hoan Phát thanh và Truyền hình cấp quốc gia, giải thưởng cấp khu vực quốc tế và các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, tính từ sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Vậy, nếu cứ xét đúng theo tiêu chuẩn cứng, liệu cố nghệ sỹ Văn Hiệp có trở thành NSƯT, chúng ta chỉ có thể chờ.

Trong lịch sử trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ở Việt Nam từng có những trường hợp đặc cách. Diễn viên Phương Thanh được truy tặng danh hiệu NSƯT năm 2012, ba năm sau khi bà qua đời. Ca sĩ Y Moan được được đặc cách trao danh hiệu NSND năm 2010 trong liveshow "Ngọn lửa cao nguyên", diễn ra một tháng trước khi ông mất.

 Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà nước

1. Tiêu chuẩn Nghệ sĩ Nhân dân:

- Đối với nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, liên tục 5 năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến liền kề với năm xét tặng danh hiệu nghệ sĩ.

- Đối với các nghệ sĩ, nghệ nhân không thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp phải thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú).

- Được tặng ít nhất 3 giải thưởng chính thức (loại vàng) trở lên, trong đó có một giải thưởng của 2 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ tại các Liên hoan nghệ thuật, hội diễn nghệ thuật, Liên hoan Phát thanh và Truyền hình cấp quốc gia, giải thưởng cấp khu vực quốc tế và các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, tính từ sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

- Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên (đối với nghệ thuật xiếc từ 15 năm trở lên), đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ 5 năm trở lên.

2. Tiêu chuẩn Nghệ sĩ Ưu tú:

- Đối với nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến 5 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ.

- Đối với nghệ sĩ, nghệ nhân không thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp phải thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú).

- Được tặng ít nhất 4 giải thưởng chính thức (loại vàng hoặc bạc) trở lên, trong đó có một giải thưởng của 2 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ tại các Liên hoan nghệ thuật, hội diễn nghệ thuật, Liên hoan Phát thanh và Truyền hình cấp quốc gia, giải thưởng cấp khu vực quốc tế và các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

- Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên (đối với nghệ thuật xiếc từ 10 năm trở lên).

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Tiền Phong

Bình luận(0)