NSƯT Bạch Vân: “Tôi cuồng điên với ca trù”

Google News

(Kiến Thức) - "Nhiều đêm đi hát về, tôi leo cầu thang tối om lên gác, thấm thía cảnh không chồng, không con. Nếu vì thế mà khóc thầm thì có lẽ, tôi cạn nước mắt mất rồi!", nghệ sĩ Bạch Vân chia sẻ về nỗi cô đơn của một người đã chung thân với ca trù.


Bích Câu đạo quán, đình Kim Ngân là hai địa danh gắn với ca trù Bạch Vân. Mỗi đêm, chị chong đèn lên hát, rồi suy tư
 
Đúng là tôi suy tư nhiều cho ca trù, không thể khác được. Nghiệp đã vận vào đời mình, như nợ của kiếp trước thì đến kiếp này phải trả thôi!

Thoáng trong câu hát, nhịp phách là bóng dáng của những danh cầm thế hệ trước. Họ đã phải đổi nghề để tồn tại cuộc sống: cụ Chu Văn Du là thợ giặt, thợ sơn vôi; bà Quách Thị Hồ đi gánh nước thuê; bà Kim Đức chuyển sang học hát chèo; cụ Nguyễn Thị Chúc đi bán hàng xén và nuôi gà …Nếu tôi không một lòng một dạ, tôn sư trọng đạo để họ “nhả” cho một “miếng” ca trù chính xác thì thú thật, tôi cũng chẳng hiểu về ca trù từ góc độ người hát.

 "Nhiều ân tình của các danh cầm, danh ca  khác nữa đã gắn chặt tôi với ca trù." 

Tôi theo bà Hồ mấy năm, chỉ được học 4 câu Mưỡu. Tiếc cho giọng hát trời phú của bà không được truyền dạy thành nghề cho một học trò nào!

Còn cụ Chu Văn Du coi tôi như con gái. Nghệ nhân đàn đáy- phó quản ca Giáo phường Khâm Thiên nổi tiếng này lọt qua 3 kỳ thi nghiêm ngặt để chọn vào đàn hát chúc hỗ (chúc vua) trước năm 1945 đã dạy tôi học phách, trống và hát.  Rồi cụ phó lý làng Láng Thượng nổi tiếng phong lưu, đài các, sành nghe cũng kèm cặp tôi học trống chầu và  nhận làm cố vấn, động viên  tôi rất nhiều những khi chán nản, nhụt chí. 

Nhiều ân tình của các danh cầm, danh ca  khác nữa đã gắn chặt tôi với ca trù. Hoàn toàn tự nguyện nhưng cũng trọn vẹn đơn côi.
 
Tôi muốn hiểu thêm về nỗi cô đơn của chị ở tuổi này, chị đồng ý bày tỏ chứ?
 
Cũng không hiểu sao mà tôi sống được chừng ấy năm trong một không gian chật, bừa bộn, thiếu ánh sáng và xa lạ với đồ dùng tiện nghi. Toàn bộ tiền bạc dành dụm được, tôi đều chi trả cho ca trù. Ngoảnh lại cũng đã gần 30 năm, tôi phiêu trong ca trù và hưởng trọn niềm cô quạnh của một ca nương.

Con chó, con mèo làm bạn. Cây đàn cổ là vật bảo chứng cho niềm đam mê. Nhiều đêm đi hát về, tôi leo cầu thang tối om lên gác, thấm thía cảnh không chồng, không con. Nếu vì thế mà khóc thầm thì có lẽ, tôi cạn nước mắt mất rồi!

              "Đừng ăn xổi ở thì với ca trù, khi ca trù đã trở thành di sản."

Đàn bà cô đơn thường hay tìm đến với rượu, chị có uống rượu không?
 
Có! Nhấp chén đắng để biết mình còn nhiều thổn thức với ca trù. Mấy năm nay, tôi chạy đôn chạy đáo lo tiền để chi trả cho người tham gia tổ chức biểu diễn ở đình Kim Ngân. Đỏ đèn là phải nghĩ đến tiền.

Mà rượu là năng lượng để tôi hát. Uống vào khỏe giọng để mà phiêu với ca trù. Cám ơn chén rượu lúc đầy lúc vơi đã sống cùng với tôi và ca trù.
 
Chỉ thế thôi ư, khi mà rượu cũng có thể đo lường được nồng độ tình yêu của người uống?
 
À, ý của chị là tôi uống rượu còn vì buồn tình? Cũng thi thoảng xuất hiện trạng thái đó. Tôi đã từng kết hôn năm 44 tuổi. Anh ấy kém tôi tới 13 tuổi, gặp tôi khi đang chấp tác ở chùa Một Cột. Tôi rủ người ta về nhà học đàn đáy, rồi lửa gần rơm lâu ngày phải bén. Nhưng cuộc hôn nhân quá ngắn, tôi có tội khi phá con, bỏ chồng đi để toàn tâm dành cho ca trù (Bạch Vân nghẹn lời). Tôi cuồng điên vì ca trù, thế đó.
 
Khi nhìn Bạch Vân hát trên sân khấu ca trù, phẩm cách của một ca nương được bộc lộ rõ ràng. Chị có lấy đó làm điều an ủi trọn đời?
 
Phải nói thật một điều là, tôi thấy tự hào về quá trình học hỏi để trở thành một ca nương. Tôi biết có nhiều nơi đào tạo bát nháo cách hát ca trù. Đừng ăn xổi ở thì với ca trù, khi ca trù đã trở thành di sản. Tôi không tin chỉ học dăm bữa nửa tháng là đã nắm được các thể hát ca trù.

Tôi đang nghiên cứu về ca trù ở mức độ chuyên sâu học thuật. Có thể, tôi làm tiến sĩ xong rồi nghỉ hưu hoặc nghỉ hưu rồi mới bảo vệ cũng không sao! Tôi muốn mình hiểu về ca trù trước khi hơi tàn sức kiệt.

Có chăng, người ta đã gọi tôi là một “đào nương có  nhiều bằng cấp”. Thực ra, ca trù là nghề tay trái rồi gắn với nghiệp và là nghề tôi yêu thích nhất. Thôi thì, danh cũng ở ca trù, mà tủi cực cũng là ở ca trù!

                        "Ai hiểu về ca trù để khóc cùng tôi?"

Đã ai rơi nước mắt khi nghe Bạch Vân hát ca trù chưa?
 
Hát trên phố cổ, chủ yếu là khách Tây. Họ nghe mình hát cũng có nghĩa là mình đã giới thiệu được một môn nghệ thuật đậm bản sắc của dân tộc rồi. Tôi hát và giao lưu không biết mệt mỏi với khán giả. Hằng đêm, đến hát, tôi là người về sau cùng khi đã nhặt hết rác, sắp gọn ghế.

Ai hiểu về ca trù để khóc cùng tôi? Nhắc, lại nhớ đến một Việt kiều Canada về Hà Nội, nghe Bạch Vân hát xong thì chạy lên ôm chầm lấy mà khóc. Khóc vì tiếng hát của tôi gợi cho người đó nhớ về mẹ- người mẹ đó biết hát ca trù.
 
Chị có nghĩ đã đến lúc mình cần cân bằng giữa ca trù và tình riêng?
 
Sam Nương

Bình luận(0)