Họa sỹ Phạm Lực: “Ái tình tinh khôi” chẳng gây tai họa

Google News

(Kiến Thức) - “Đời từ muôn thuở, ở đâu có hoa là ở đó có phụ nữ. Đẹp thế mà không vẽ thì phí! Ngày nào, tôi thiếu phụ nữ thì phải có lọ hoa trong phòng”


Sông Hồng xưa “mơn mởn” lưng ong

Chào họa sĩ, dòng họa F. Lực đang tồn tại trong một không gian như thế nào?

 Họa sĩ Phạm Lực- chủ nhân của dòng họa F.Lực

Trong cái ngôi nhà này, tôi vẽ như giời đày, không vẽ là ốm. Hầu như tôi vẽ vào ban đêm vì rong chơi suốt cả ngày rồi. Hãy ngắm những bức tranh của tôi! Đường cong của phụ nữ, thần thái nhân hậu, hiền lành của họ là thứ ma túy kích thích tôi. 

Tranh của tôi không dừng lại ở hàng vạn bức đâu mà còn có một kho tranh đếm không xuể. Tiền bán tranh đủ để tôi làm một bảo tàng. Sắp tới, các con tôi sẽ xây một bảo tàng trên 160 mét vuông cho tranh F.Lực tại phố Nghi Tàm này. 

Tranh của ông được triển lãm ở Mỹ, Singapore, Nhật, Úc…Những cuộc triển lãm tranh ở nước ngoài đã mang lại lợi ích gì cho họa sĩ?

Cái này, nếu cụ thể về tiền bạc thì hỏi mấy đứa con của tôi. Có bao giờ tôi đếm tiền đâu. Mệt đầu lắm!

Cứ để yên tôi trong một căn phòng có cái radio cũ rả rích hát những ca khúc tiền chiến. Pha màu, cầm cọ, bẩn thỉu áo quần cùng sơn mài, sơn dầu là ok. Có tranh quý mà triển lãm, thì cũng có những tình bạn quý từ tranh. 

Biệt thự của Phạm lực đang ở, mai mốt được mở rộng thành một bảo tàng tư nhân, họa sỹ có nghĩ đây là một địa thế đẹp cho mỹ thuật?

Nghi Tàm là không gian giăng mắc hoa. Đời từ muôn thuở, ở đâu có hoa là ở đó có phụ nữ. Đẹp thế mà không vẽ thì phí! Ngày nào, tôi thiếu phụ nữ thì phải có lọ hoa trong phòng. 

Chưa kể đến, cái biệt thự này là do Phạm Lực biết yêu một phụ nữ. Người ta cả đời không lấy ai, sang Việt Nam làm việc, từ yêu tranh tôi, đến yêu như điếu đổ con người tôi. Lúc ấy, tôi đang là một thiếu tá trong quân đội. Xin ra quân để yêu một bà Pháp.

Cái nhà này là bà ấy trả tiền tranh của tôi sau 3 năm mua chịu! Trả như trả tiền một cút rượu khi đã say túy lúy. Bà ấy nói: “Giờ mày có nhà rồi, cho tao ở với chứ!”. Thế là ở chung, mà lửa gần rơm không những bén mà cháy bùng lên. Rồi dắt nhau lên thành phố đăng kí kết hôn. 

Chồng Việt, vợ Pháp. Tôi có biết tiếng Pháp đâu mà cãi nhau ầm ĩ. Tức nhau cũng chỉ biết trợn mắt méo mồm. Buồn cười lắm!

Nhà và người có một thân phận. Nếu thân phận ấy mai kia là một bảo tàng mỹ thuật thì càng tốt chứ sao! Tranh đẹp hay không là ở đôi mắt của người chơi tranh, địa thế có đáng giá hay không lại ở kết cấu địa tầng của cư dân, văn hóa, lịch sử và bất động sản nữa!

Tôi thích ngồi đây mà nhớ về sông Hồng xưa. Mơn mởn lưng ong đi tỉa ngô, hái cà, vun rau, gánh nước…Sông khi ấy là sông chứ có phải đầy rác, kim tiêm như bây giờ đâu.  

Già rồi vẫn…ngây thơ
 
Lảng vảng trong tâm trí của một họa sĩ đã 71 tuổi vẫn là: phụ nữ phải nhìn đẹp một tý để lên tranh. Vậy ông so sánh giữa ái tình tinh khôi và ái tình nhiễm tiền xem sao?

  “Đời không phụ nữ, thì phải có hoa hồng”.

Không phải lúc nào cũng phân biệt được hai thứ này đâu! Nếu một thời gian cực ngắn thì còn lâu mới biết thế nào là tinh khôi hay nhiễm lợi ích tiền, danh vọng, quyền lực. 

Một ông cực già yêu một cô cực trẻ thì cái yêu đó có vấn đề. Gì đây? Một là vì địa vị. Hai là núi tiền đồ sộ. Bây giờ, tôi thấy nở rộ: bà già cặp với trai trẻ. Mà mấy cái thằng ấy là do hám tiền. Không có sự bền vững chữ tình ở các trường hợp này, chỉ tính bằng nhiệm kì thôi. Các kiểu tình này thường đem đến hiểm họa.

Còn yêu thật ấy mà, là tinh thần say mê, chia sẻ, là con cái nối dõi. Lính biên phòng yêu và kết hôn với một cô giáo ở nơi biên giới thì tôi tin đó là ái tình tinh khôi. Còn lởn vởn trong thành phố này có khối cặp tình nhân nhiễm tổng hợp tiền-quyền-dục vọng.

Hỏi thẳng, sổ lương của thiếu tá Phạm Lực đang nằm trong tay một phụ nữ đã từng yêu ông?

Chả nhẽ Phạm Lực thích vẽ lại phải đi nhận lương hằng tháng ở một địa chỉ nào đó. Sự thực, người ta dành cả đời cho mình, thì tiếc gì cái sổ lương!

Họa sĩ nói thật đi: trái tim ông đã từng phiêu như thế nào để có được nhiều bức họa trứ danh về phụ nữ?

Làm nghệ thuật mà, già rồi vẫn có chút ngây thơ của anh nghệ sĩ. Mình có tính thật thà, thoải mái nên nhiều phụ nữ yêu là đúng. Khi yêu ai, tôi cũng muốn khám phá người đó ở cung bậc xúc cảm. Nhiều nghệ sĩ vẫn hay lao vào các mối tình để thám hiểm. Thám hiểm để làm được một tác phẩm. Tôi có lao vào những từ trường ái tình như thế.

Có ông sư nào đi viết nhạc tình yêu đâu? Trịnh Công Sơn có vợ đâu mà viết hay các tình ca. Mà tình ca càng tan vỡ càng hay, bản thân ông Sơn đập cho nó vỡ. Nhưng, phải thông cảm ở chỗ thế này: không phải nghệ sĩ thích lăng nhăng đâu, sức đâu mà lăng nhăng. Khổ lắm! Mà là tình yêu làm con người được thăng hoa nhất.  Đàn ông, dở người nhất là gặp ai cũng tỏ tình. Rượu vào, mất hết cả tư chất. Mà tôi thì không rượu, cà phê, thuốc. Nên đảm bảo, tuổi này mà có thám hiểm thì vẫn ngon! (cười tếu).

-Phạm Lực sinh năm 1943 tại TP Huế, quê cha. Mẹ anh là bà Nguyễn Thị Chương, người Hà Tĩnh, và là chắt ruột của đại thi hào Nguyễn Du. Bà theo chồng vào Huế, nơi ông đang giữ một chức quan của Nam triều. Cách mạng tháng 8.1945 nổ ra, cha của Phạm Lực khuyên vợ đưa 3 đứa con (Phạm Lực lúc đó mới 2 tuổi) trở về Hà Tĩnh sống nhờ bên ngoại. 

-Phạm Lực vẽ liên tục. Tranh của ông lan tỏa tại các nước châu Á, châu Âu và ở Mỹ. 
-Ông có hẳn một câu lạc bộ yêu tranh Phạm Lực, gồm các nhà sưu tầm: TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Ngô Quang Tuấn, Phạm Ngọc, Nguyễn Quang Huy, Vũ Thì Đài, Trần Sỹ…


Sam Nương

Bình luận(0)