Cứu doanh nghiệp chỉ còn cách giảm nhanh lãi suất

Google News

Nếu sức khỏe của DN yếu đi, ngân hàng cũng không có lợi, nợ xấu gia tăng khiến hoạt động ngân hàng càng khó khăn.

Nếu sức khỏe của DN yếu đi, ngân hàng cũng không có lợi, nợ xấu gia tăng khiến hoạt động ngân hàng càng khó khăn. 

TS. Cao Sỹ Kiêm
TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, điều mà các doanh nghiệp (DN) cần hơn lúc này là giảm thêm lãi suất cho vay. 

Ông đánh giá thế nào về gói giải pháp 29.000 tỷ đồng mà Chính phủ vừa công bố để cứu DN? Động thái này có giúp DN vượt qua khó khăn? 

Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ DN. Tuy nhiên, trong 29.000 tỷ đồng mà gói hỗ trợ Chính phủ vừa đưa ra chủ yếu chỉ là giãn thuế. Bên cạnh đó, việc giảm 30% thuế thu nhập DN trong gói hỗ trợ trên thực chất cũng chỉ hướng vào các DN lớn, làm ăn có lãi. 

Còn không ít DN nhỏ và vừa đang ở tình trạng “chết lâm sàng” sẽ khó được hưởng chính sách này. Vì thế, gói hỗ trợ trên đưa ra cũng phần nào hỗ trợ cho DN, song điều DN cần hơn lúc này chính là giảm tiếp lãi suất cho vay. Có như vậy, các DN mới có cơ hội tiếp cận vốn để khôi phục hoạt động cũng như mở rộng sản xuất... 

Mức trần 15%/năm đối với lãi suất cho vay vừa được Ngân hàng Nhà nước áp dụng sẽ có tác động tích cực đối với DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thưa ông? 

Mức trần lãi suất cho vay 15%/năm sẽ phần nào tác động tích cực đối với DN trong việc sử dụng vốn vay. Thế nhưng, không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ này.

Bởi thực tế, Ngân hàng Nhà nước chỉ đưa ra mức trần áp dụng đối với lãi suất cho vay đối với 4 nhóm ưu tiên (DN sản xuất xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, nông nghiệp - nông thôn và phát triển công nghiệp phụ trợ), nhưng không có quy định cụ thể đối với bộ tiêu chí cho vay mà điều này thuộc về thẩm quyền của các ngân hàng. Do đó, để vay được vốn với lãi suất trên không phải dễ đối với DN nhỏ và vừa.

Vậy theo ông, cần có giải pháp nào tốt hơn để giải quyết khó khăn cho DN?

Bên cạnh các giải pháp vừa được đưa ra (giãn, miễn thuế…) cũng như giảm dần lãi suất, chính sách tín dụng cũng cần được mở rộng cho tất cả các đối tượng khách hàng đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, trần lãi suất cho vay 15%/năm cần mở rộng hơn ở các lĩnh vực khác trong thời gian tới. Vì thực tế, nếu sức khỏe của DN yếu đi, ngân hàng cũng không có lợi, nợ xấu gia tăng khiến hoạt động ngân hàng càng khó khăn.

Do đó, các ngân hàng phải từng bước điều chỉnh giảm dần lãi suất để cứu DN và cứu mình.

Việc áp trần lãi suất 15%/năm là tốt, nhưng phải hạ tiếp nữa, bởi điều mà DN cần nhất hiện nay là lãi suất càng giảm nhanh, càng tốt, vì nó sẽ cứu sản xuất, đồng thời tạo ra vòng quay nhanh tiền trong lưu thông. Tôi cho rằng, với việc áp trần lãi suất cho vay 15%/năm, các ngân hàng có chênh lệch 3%/năm đủ để bù chi phí và có lãi, nên lãi suất phải giảm nhanh hơn so với hiện nay mới cứu được DN.

Kỳ vọng giảm 1% trần lãi suất huy động ở mỗi quý như dự báo liệu có khả thi?

Tôi cho rằng, kỳ vọng giảm được 1%/năm trần lãi suất huy động ở mỗi quý là rất khả thi. Thậm chí, trần lãi suất huy động tiết kiệm còn có thể giảm nhanh hơn mức này, do xu hướng lạm phát đang có chiều hướng giảm nhanh hơn mức kỳ vọng.

4 tháng đầu năm nay, lạm phát chỉ tăng 2,6%. Tính bình quân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mỗi tháng tăng hơn nửa phần trăm, chính là điều kiện để hạ nhanh hơn đối với trần lãi suất huy động, nhằm tạo điều kiện tốt để giảm lãi suất cho vay.

Mặt khác, kỳ vọng kiểm soát lạm phát ở mức 9% vào cuối năm 2012 là hoàn toàn có thể thực hiện được. Vì thế, theo tôi, trần lãi suất huy động tiết kiệm phải về 10%/năm vào cuối năm hoặc có thể giảm thêm. Khi đó, lãi suất cho vay chỉ còn 13 - 14%/năm áp dụng phổ biến cho tất cả khách hàng mới được xem là phù hợp.

Theo Thùy Vinh
Báo Đầu tư

Bình luận(0)