Cần cấm sở hữu đồng thời nhiều DN cùng ngành nghề

Google News

Sẽ ra sao nếu một hoặc nhiều người có thẩm quyền điều hành ở hai hay nhiều doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề?

Theo luật sư Cao Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật TNHH Thiên Nhân, việc các DN đang cạnh tranh trực tiếp với nhau mà lại có cùng các thành viên của ban điều hành và hội đồng quản trị có thể dấy lên những câu hỏi về tính độc lập của các DN này. Trong trường hợp này hội đồng quản trị thông đồng chéo có khả năng làm giảm hoặc xoá bỏ cạnh tranh và tạo điều kiện cho việc thông đồng giữa các DN.

 

Cạnh tranh không lành mạnh - Hình minh hoạ
Cạnh tranh không lành mạnh - Hình minh hoạ

Thời gian này, Hội đồng cạnh tranh và Cục Quản lý cạnh tranh đang tiến hành tổng kết thi hành Luật Cạnh tranh để tìm ra những bất cập, nhằm sửa đổi bổ sung, hoàn thiện luật. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với luật sư Cao Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật TNHH Thiên Nhân. Vấn đề phức tạp mới phát sinh trong cuộc sống, nhất là vấn đề các doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với nhau lại có cùng thành viên điều hành.

- Các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành tổng kết thi hành Luật Cạnh tranh 2005, là người quan tâm đến bộ luật này, xin ông cho biết đánh giá sơ bộ về thực thi Luật Cạnh tranh trong những năm qua?

- Luật sư Cao Tuấn Anh: Trong năm 2011, các cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh đã tổ chức nhiều hội nghị đánh giá việc thi hành Luật Cạnh tranh, quan điểm chung cũng như kết quả khảo sát công bố tại các hội nghị cho thấy như sau:

Một là nhận thức của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về Luật Cạnh tranh cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp trong nước. Hai là trong các năm qua, tất cả các hành vi bị Luật Cạnh tranh cấm đều đã xuất hiện và đã bị cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh xử lý. Ba là Luật Cạnh tranh hướng đến điều chỉnh các hành vi kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường trong khi các hành vi này thiên biến vạn hóa trong các bối cảnh khác nhau nên vấn đề đặt ra cho Luật Cạnh tranh là phải linh hoạt điều chỉnh và điều tiết được các hành vi mới xuất hiện trên thị trường để luôn đảm bảo vai trò là công cụ giữ gìn môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

- Theo quan sát của ông, thì những vấn đề gì đã phát sinh trong thực tiễn, đòi hỏi Luật Cạnh tranh phải được sửa đổi, bổ sung. Ví dụ có một ông “trùm” một ngân hàng ở Việt Nam còn nắm giữ nhiều cổ phiếu (được cho là cổ đông lớn nhất) của một loạt ngân hàng khác?

- Luật sư Cao Tuấn Anh: Thực tiễn luôn sôi động và đi trước các quy định pháp luật. Môi trường cạnh tranh của Việt Nam trong 5 năm qua đã xuất hiện nhiều hình thức cạnh tranh mới và đòi hỏi cơ quan lập  pháp phải nghiên cứu, xem xét đưa vào luật. Ở đây, tôi chỉ nêu ra một ví dụ cụ thể của thực tiễn mới phát sinh, đó là hội đồng quản trị thông đồng chéo. Hội đồng quản trị thông đồng chéo là một tình huống trong đó một hoặc nhiều người có thẩm quyền điều hành ở hai hay nhiều doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề.

Thông thường, mỗi một doanh nghiệp sẽ có một ban điều hành, là bộ phận quyết định định hướng kinh doanh, chiến lược, kế hoạch cạnh tranh của doanh nghiệp đó trên thị trường. Tuy nhiên, trong trường hợp có một (hay một số) thành viên hội đồng quản trị tham gia cùng một lúc vào hai hay nhiều doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với nhau (các ngân hàng khác nhau…) thì hành vi này có thể làm dấy lên những câu hỏi về chất lượng và tính độc lập trong quyết định của hội đồng quản trị.

Từ góc độ quản trị doanh nghiệp, làm sao một thành viên hội đồng quản trị có thể trung thành với các cổ đông của các doanh nghiệp đang cạnh tranh trực tiếp với nhau mà không vi phạm trách nhiệm được uỷ thác của mình vì trách nhiệm được uỷ thác của người này ở công ty này có thể xung đột với trách nhiệm uỷ thác của chính người này ở công ty khác.

Từ góc độ cạnh tranh, việc các doanh nghiệp đang cạnh tranh trực tiếp với nhau mà lại có cùng các thành viên của ban điều hành và hội đồng quản trị có thể dấy lên những câu hỏi về tính độc lập của các doanh nghiệp này. Trong trường hợp này hội đồng quản trị thông đồng chéo có khả năng làm giảm hoặc xoá bỏ cạnh tranh và tạo điều kiện cho việc thông đồng giữa các doanh nghiệp.

Những giao dịch kiểu này có thể dẫn đến sự phối hợp theo chiều ngang trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề thông qua việc trao đổi thông tin, hành động đồng thời, triệt tiêu đối thủ cạnh tranh hoặc qua một loạt những hoạt động khác có thể làm ảnh hưởng đến cạnh tranh một cách tiêu cực và hậu quả cuối cùng là làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

- Vấn đề này được các quốc gia khác xử lý ra sao, thưa ông?

- Luật sư Cao Tuấn Anh: Ở các nước đang thực thi Luật Cạnh tranh, đa số các vụ việc cạnh tranh có yếu tố hội đồng quản trị thông đồng chéo là các vụ sáp nhập liên quan đến việc kiểm soát sáp nhập mua lại, trong đó sự tham gia đồng thời vào các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề của các thành viên hội đồng quản trị được xem xét là một nhân tố thúc đẩy sự phối hợp giữa các đơn vị có các thành viên hội đồng quản trị này. Để giải quyết những quan ngại, những vấn đề phát sinh từ hội đồng quản trị thông đồng chéo, một số quốc gia đã có quy định công khai ngăn cấm các cá nhân tham gia vào hội đồng quản trị thông đồng chéo.

Ví dụ ở Mỹ, điều 8 Luật Clayton là một quy định luật liên bang chủ yếu giải quyết vấn đề hội đồng quản trị thông đồng chéo, trực tiếp điều chỉnh hành vi tham gia vào hội đồng quản trị của nhiều ngân hàng hoặc công ty. Các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia cũng ban hành những quy định tương tự ngăn cấm hành vi tham gia hội đồng quản trị thông đồng chéo nếu hành vi này có hậu quả làm ngăn cản cạnh tranh trên thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo CAND)

[links()]

 

Bình luận(0)