Bác sĩ đi ... trông xe

Google News

(Kiến Thức) - "Cách đây hơn 8 năm thôi, bác sĩ chúng tôi hàng ngày, ngoài giờ khám bệnh vẫn phải thay nhau đi trông xe để kiếm thêm thu nhập, thậm chí nhiều lúc còn thích trông xe hơn vì được cầm tiền tươi thóc thật".

Bác sĩ Võ Mỹ Hoa, nguyên Phó khoa Khám bệnh - Viện Da liễu kể lại quãng đời làm nghề của mình. Bác sĩ Hoa hồi tưởng lại: “Mọi người cứ nghĩ bác sĩ là nghề hái ra tiền, bác sĩ nào cũng giàu lắm, kiếm tiền tốt lắm, lộc lá nhiều… nhưng tôi chắc chắn rằng, không có nhiều người biết cách đây hơn 8 năm bác sĩ chúng tôi ngày ngày ngoài giờ khám bệnh vẫn phải thay nhau đi trông xe để kiếm thêm thu nhập. Thậm chí nhiều lúc còn thích trông xe hơn vì được cầm tiền tươi thóc thật”.

Bác sĩ Hoa kể tiếp: “Ngày đó tôi đã làm Phó phòng khám của Viện Da liễu rồi, nói một cách khoe khoang thì cũng là "có số, có má". Cộng cả tiền lương và kiếm thêm thì tổng thu nhập ngày đó cũng được xếp vào dạng khá rồi. Nhưng nhà nuôi 5-6 miệng ăn, con cái học hành nên bao nhiêu cũng không đủ. Vì thế Phó phòng khám hay chức gì đó như tôi thì cuộc sống cũng chật vật lắm. Bác sĩ cũng nặng gánh "cơm áo gạo tiền" mà".

"Có một thời bác sĩ đi trông xe kiếm thêm thu nhập"

"Có một thời bác sĩ đi trông xe kiếm thêm thu nhập"

Tôi còn nhớ rõ thời điểm đó, Viện có một bãi trông xe ở ngay cổng vào, nhưng không giao cho bảo vệ hay thuê người ngoài trông mà tạo điều kiện để anh em bác sĩ làm thêm ngoài giờ, kiếm thêm thu nhập. 

Ngày đó trông xe rẻ lắm, xe đạp 1000đ, xe máy 2000đ một ngày có khoảng 200-300 lượt xe, ngày nào cao điểm đến 500 lượt xe ra vào. Tính ra, mỗi ngày cũng kiếm được mấy trăm nghìn đến cả triệu. Sau khi chia nhau mỗi người cũng được vài trăm ngàn một ngày đi trông xe. 

Với chúng tôi ngày đó, được đi trông xe là một "món hời" của các bác sĩ. Cho nên ngày trực vẫn ngồi khám bình thường, ngày nghỉ lại đổi bộ quần áo lao động, bịt khẩu trang kín mít đi trông xe cho bệnh nhân.

Khi ngồi trông xe, chúng tôi được nghe đủ thứ chuyện trên đời. Từ chửi bác sĩ, chửi y tá,… rồi đến chê người nọ, nói xấu người kia… Nhiều người nhà bệnh nhân khi đi ra còn lôi cả mình ra chửi mà không hề biết người bị chửi đang ngồi trước mặt họ. 

Nghe chửi thì ai cũng khó chịu, những sau nghĩ lại cũng thấy đúng. Chúng tôi nhiều khi trực khám căng thẳng cả ngày mệt mỏi nên mặt mũi cũng nặng nề, 'nặn' được nụ cười với bệnh nhân cũng khó. 

Những lúc "buồn" là vậy, nhưng cũng có lúc chúng tôi được cười "rung rốn" về những câu chuyện khi đi khám da liễu. Nhiều bệnh nhân nam bị bệnh ở vùng kín vào khám gặp cô bác sĩ trẻ, bác sĩ bắt cởi quần để khám thì khép na khép nép vừa cởi vừa ngượng. 

Khám xong ra đến bãi xe miệng cứ càu nhàu với "người trông xe": “Cháu đã cố chọn ngày, căn có bác sĩ nam, hoặc bác sĩ già già nào trực khám thế mà lại gặp cô bác sĩ nữ trẻ măng… vào cô ấy cứ bắt cởi ngại quá!” 

Tưởng tượng ra cảnh anh chàng cao to lực lưỡng khép nép trước cô bác sĩ trẻ lại chưa chồng, tôi buồn cười quá mà chẳng dám cười to chỉ nhủ thầm trong bụng: “Hóa ra nó gặp mình khám bắt cởi thì nó không ngại…”. Câu chuyện của chàng trai này đã trở thành giai thoại, chị em trong Viện lúc rảnh rỗi lại lôi ra kể cười vui với nhau.

Trầm ngâm một hồi bác sĩ Hoa kể tiếp: “Chuyện bác sĩ đi trông xe thế này đã trôi qua gần chục năm rồi. Giờ chẳng còn bác sĩ nào ra ngồi trông xe thế nữa đâu. Nhớ lại ngày đó thấy cuộc sống vất vả nhưng vui. Dù nghèo thế nhưng ít có chuyện phong bì, phong bao lắm".

Giờ nghỉ hưu rồi, thỉnh thoảng nghe chuyện bác sĩ đòi phong bì, bệnh nhân chết trên bàn đẻ hay chết ngay dưới bàn tay của bác sĩ trên báo chí, tôi thấy buồn quá. Mà đúng là cái số ở đời, những người nghèo thì hay trọng bệnh. Nghèo thì lấy đâu ra tiền chữa bệnh chứ nói gì đến tiền lót đường hay phong bao cho bác sĩ. Bệnh nhân người ta cũng khổ, cũng nghèo lắm. Tôi thiết nghĩ: "Đã là người, là đồng loại thì hãy thương yêu lấy nhau..."

TIN LIÊN QUAN
Thu Na (Ghi theo lời kể bác sĩ Võ Mỹ Hoa)

Bình luận(0)