NS Trần Tiến: "Hưởng lạc giống tử tù ăn ngon trước khi tử hình"

Google News

Với bản tính chân thành, thẳng thắn, nhạc sỹ Trần Tiến luôn có những câu trả lời phỏng vấn đầy thông minh, dí dỏm khiến cánh phóng viên rất thích thú.

Nhạc sỹ Trần Tiến lại chuẩn bị có một đêm nhạc riêng mình, khác đặc biệt, vì chỉ có mỗi Hà Trần hát chính, thay vì hàng loạt ca sỹ tham gia như nhiều liveshow trước của ông. Đây là đêm nhạc nằm trong series In the spotlight có chủ đề Hà Trần hát Trần Tiến, diễn ra vào 30/9 tới đây tại Cung văn hoá hữu nghị Việt Xô - Hà Nội.
NS Tran Tien:
Nhạc sỹ Trần Tiến luôn hài hước, dí dỏm khi trả lời phỏng vấn. 
- Liveshow “Hà Trần hát Trần Tiến” lần này có ý nghĩa như thế nào đối với ông?
- Chắc Hà sẽ có bí mật gì đó khi hát nhạc tôi trong đêm nhạc này. Cháu bao giờ cũng vậy, mỗi lần hát sẽ mang một ý nghĩa nào đó. Còn với tôi, thì chỉ là một lần về thăm quê và mang theo cuốn sách “Ngẫu hứng Trần Tiến” tặng mọi người thôi.
- Hà Trần coi ông như người cha thứ 2, vậy tính cách và âm nhạc của “bố” Trần Tiến có tác động như thế nào đến con đường ca hát của Trần Thu Hà, thưa ông?
- Tôi nghĩ là có ảnh hưởng. Không chỉ từ tôi, mà còn từ anh Trần Hiếu, chị Thuý Huyền, chị Phi Hiển, và trước đó, ảnh hưởng từ cách ông nội hát và nhảy nhạc Tây. Cũng có thể trước đó nữa, từ vị tướng Chàm buồn bị nhốt ở Xứ Đoài hát khúc ca mất nước, một ngày gặp bà Tổ của tôi, cô gái quan họ xứ Kinh Bắc. Và cũng có thể trước đó nữa, giống người có con mắt giữa trán ở đại lục địa Le Mouria đã chìm xuống Thái Bình Dương cách đây 60 ngàn năm…
- Khán giả từng có cuộc tranh luận xem ai là người hát hay nhất nhạc của Trần Tiến. Vậy theo cảm nhận cá nhân, ca sỹ nào hát nhạc Trần Tiến khiến ông hài lòng nhất?
- Nhiều người hát nhạc tôi hay lắm, nên chẳng biết chọn ai. Nhưng hát nhiều bài hay thì vẫn là Hà Trần và Tùng Dương. Lâu lâu có dịp được bạn bè, người quen giới thiệu có người hát bài tôi rất hay ở cuộc thi nào đó. Thế là tôi vội vàng mở mạng ra tìm nghe và… “tự sướng”. Họ hát hay thiệt, có khi hơn cả cháu mình. Nhưng là thi thố nên cũng chưa chắc gì khi vào đời, họ còn giữ được phong độ của đêm thi.
NS Tran Tien:
Hà Trần sẽ một mình đảm nhiệm cả đêm nhạc Trần Tiến trong chương trình In the spotlight tới đây. 
- Âm nhạc của Trần Tiến gần gũi nhưng sâu sắc và luôn mang hơi thở của cuộc sống, xin được hỏi ông, những “chất liệu” nào trong cuộc sống khiến ông dễ xúc động nhất và tạo cảm hứng cho ông sáng tác nhất?
- Đó là thiên nhiên và tình đời thiết tha…
- Là một “kẻ du ca” trong cuộc đời, ông nhận thấy giá trị nào là quý giá nhất?
- Khi nào mình tự cảm thấy làm được một điều gì đó cho cuộc đời bằng âm nhạc của chính mình.
- Từ “Cô gái Sầm Nưa” đến “Ra ngõ tụng kinh” là cả một hành trình dài của ông, đó là một hành trình âm nhạc với biết bao nhiêu biến cố cũng như cột mốc cuộc đời. Giai đoạn nào khiến âm nhạc của ông thăng hoa nhất? Và có khi nào ông cảm thấy mệt mỏi và bế tắc trong sáng tác không, thưa ông?
- Trời cho tôi được nhiều người yêu thích bài hát của mình, nên năm nào tôi cũng có ít nhất một bài hát mới tặng mọi người và tự lấy làm hạnh phúc và như bạn nói là “thăng hoa”. Nhưng giây phút đó chắc chỉ được vài ngày trong năm. Còn 362 ngày là mệt mỏi, bế tắc và luôn cảm thấy mình “tịt ngòi”, “vô cảm” và “hết thời”. Hầu như ngày nào trong 50 năm qua tôi đều thấy mình hết thời, vô cảm, tịt ngòi, mệt mỏi và bế tắc. Nói thật đấy, khộng điệu đà gì đâu. Thử sáng tác một chút xem, bạn sẽ hiểu.
- Vài năm trở lại đây ông có sáng tác không? Bài hát nào ông tâm đắc nhất trong giai đoạn này?
- Vẫn viết đều đều không phải vì còn nhiều đam mê, mà là vì…sợ chết. Về hưu mà không tiếp tục sáng tạo là dễ bệnh, chóng già và “nhàn cư vi bất thiện”. Già ngồi hưởng lạc giống tử tù được ăn ngon trước khi tử hình. Đùa chút thôi, hình như Trời vẫn cho tôi được sáng tạo. Tôi ra được cuốn Văn và hai bài hát mới nghe “cũng được”: “Ra ngõ gặp gái” và “Ra ngõ nhìn mưa”.
- Giới nghệ sỹ trẻ hiện nay rất hay lùm xùm chuyện đạo nhạc, ăn cắp hoặc bắt chước các nghệ sỹ nước ngoài. Ông có suy nghĩ gì về thế hệ nhạc sỹ 9x?
- Nghệ sỹ trẻ thời nào cũng có chuyện đó. Có điều ở những thời trước bị công chúng biết thì nhục lắm. Nhưng thời nay, không những chẳng sao mà lại gây được thêm scandal, để kiếm thêm danh và tiền.
Tôi không hề thất vọng vì thế hệ 9x. Họ còn có những nhạc sỹ trẻ chịu sống cơ cực, không cần ai biết đến, lặng lẽ âm thầm sáng tạo những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời. Bạn đừng lo đất nước thiếu người tài, hãy lo chuyện đất nước đã ngày một hư hỏng, mất đi dần người có văn hoá và biết khinh bỉ sự ăn cắp. Đấy, trên đường có cô gái yếu đuối bị giật túi, thằng ăn cắp vừa chạy qua, liệu bạn có thói quen ngáng chân cho hắn ngã không, hay thôi kệ nó?
- Những lúc có cảm xúc ông thường viết nhạc, vậy có khi nào âm nhạc là sự cứu rỗi cho tâm hồn ông mỗi khi thất vọng hay thất bại điều gì đó trong cuộc sống, thưa ông?
- Tôi là dân viết chuyên nghiệp nên không bao giờ đợi cảm xúc đến, mà phải tự mình đi tìm cảm xúc. Âm nhạc có thể đến từ áp lực của đồng tiền, từ vẻ đẹp một con sông, của một phút giây duyên dáng rất con gái. Cũng có thể đến từ một niềm cay cú thất bại, hoặc chỉ đơn giản từ một cuộc nhậu chếnh choáng ra về. Cuộc sống huyền bí quanh ta. Chính nó mới là sự màu nhiệm cứu rỗi âm nhạc, rồi đến lượt âm nhạc cứu rỗi tâm hồn ta, bạn ạ.
- Ông là người viết nhiều ca khúc về đời sống. Ông từng có bài hát “Hà Nội những năm 2000” với mong ước về một Thủ đô thế kỷ 21 sẽ văn minh hơn, tuy nhiên có vẻ như kỳ vọng của ông không đạt được khi Hà Nội của chúng ta vẫn tắc đường, ồn ào khói bụi, ô nhiễm… Ông có thất vọng không?
- Tôi mơ Hà Nội những năm hai nghìn cơ mà. Có khi đến năm 2900 Hà Nội đẹp, nhân ái và văn minh thì sao. Đừng vội thất vọng. Biết đâu nước mình một ngày nào đó lại có vua Lê, vua Trần…
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn. Chúc ông nhiều sức khoẻ để tiếp tục sáng tác, chúc đêm nhạc Hà Trần hát Trần Tiến sẽ thành công tốt đẹp!
Mời quý độc giả xem video Top sao Việt giàu nhất showbiz (nguồn Youtube):
Theo Saostar

Bình luận(0)