Giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần qua đời ở tuổi 79

Google News

Vào lúc 10h sáng nay 20/1, giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần qua đời tại bệnh viện Thống Nhất, TPHCM, thọ 79 tuổi.

Giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần qua đời tại bệnh viện Thống Nhất, TPHCM, thọ 79 tuổi.
Giáo sư Ca Lê Thuần sinh năm 1938 tại Bến Tre. Được biết ông lâm bệnh nặng và điều trị tại Bệnh viện Thống nhất từ nhiều tháng nay. Vợ ông là NSƯT Mỹ An, cũng đã già yếu, ông bà có một người con gái duy nhất là Ca Lê Thủy sinh sống tại Mỹ. Hiện gia đình đang bàn chuyện lo hậu sự cho ông.
Giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần sinh trưởng trong một gia đình trí thức, cha của ông là Ca Văn Thỉnh - nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học, sử học đầu tiên của Nam bộ những thập niên đầu của thế kỷ 20. Các anh chị em của ông nhiều người nổi tiếng trong giới văn hóa nghệ thuật: Em trai Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân), em gái Ca Lê Hồng (nguyên Hiệu trưởng trường Nghệ thuật Sân khấu 2 TPHCM, nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh), họa sĩ Ca Lê Thắng (nguyên Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật TPHCM)…
Giao su - nhac si Ca Le Thuan qua doi o tuoi 79
 Sự ra đi của giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần là một mất mát lớn đối với giới nghệ thuật TPHCM và cả nước.
Giáo sư Ca Lê Thuần du học tại Liên Xô cũ, ông tốt nghiệp cả sáng tác và lý luận âm nhạc. Trở về nước ông giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau ngày giải phóng ông vào sinh sống tại TPHCM, và lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Giám đốc Nhạc viện TPHCM, Giám đốc Sở VHTTDL TPHCM, Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM…
Về công tác giảng dạy, ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ, về sáng tác, đóng góp nổi bật của ông cho âm nhạc TPHCM là phần âm nhạc viết cho vũ kịch Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga.
Đối với giới văn nghệ sĩ TPHCM, ông được xem là người rất có uy tín cả về chuyên môn nghề nghiệp lẫn nhân cách, ông được xem là nhân tố trung tâm tập hợp lực lượng âm nhạc hàn lâm TPHCM nhằm phấn đấu cho nền nghệ thuật của thành phố.
Một số tác phẩm tiêu biểu: Quê hương đồng khởi (piano), Những ngày đã qua (violon và piano), 12 préludes và 8 fugnes cho piano, Dáng đứng Việt Nam (tranh giao hưởng), Chủ đề và biến tấu cho piano, Tứ tấu đàn dây, Thành phố lên đường (hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng), Người con gái đất đỏ (kịch múa), Việt Nam tiếng hát trái tim ta (hợp xướng), Ánh sáng và bóng tối (âm nhạc cho múa), Concertino cho piano và dàn nhạc Âm thanh đồng bằng (tứ tấu đàn dây), Giao hưởng thơ cung Rê thứ, Ngọc trai đỏ (tổ khúc giao hưởng, kịch múa), Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga (kịch múa), Ballade symphonique Thành phố quê hương (dàn nhạc thính phòng), Bài ca Việt Nam (hợp xướng).
Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông đã được nhận nhiều giải thưởng, huy chương, kỷ niệm chương về âm nhạc: Giải B của Hội Văn nghệ Giải phóng (1976), Giải A của Vụ Âm nhạc và Múa (1980), Giải Nhì của Hội nhạc sĩ Việt Nam (1998), Huy chương Vàng, Bạc trong Liên hoan Kịch múa Việt Nam lần thứ nhất (2001).
Theo M.T/ Lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)