Chuyện khó quên khi theo chân “Kong: Skull Island” quay tại Việt Nam

Google News

Khi đoàn làm phim Kong: Skull Island sang Việt Nam quay hơn một tháng tại các địa điểm ở 4 khu du lịch, các phong viên đã theo chân đoàn phim.

Cuối tháng 2.2016, đoàn làm phim Kong: Skull Island đặt chân tới Việt Nam để thực hiện các cảnh quay tại Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh và Hải Phòng. Quá trình quay phim kéo dài hơn một tháng. An ninh phim trường được siết chặt, với đội ngũ bảo vệ vòng trong vòng ngoài.
Chuyen kho quen khi theo chan “Kong: Skull Island” quay tai Viet Nam
 
Tác nghiệp trong điều kiện an ninh được siết chặt
Việc bảo mật thông tin đối với một dự án bom tấn như Kong: Skull Island là điều dễ hiểu. Trong quá trình quay, họ giữ bí mật tối đa kịch bản, bối cảnh, phim trường.
Không một đơn vị báo chí – truyền hình nào của Việt Nam có thể mang máy ảnh, máy quay vào phim trường của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts. Khi quay tại Việt Nam, "Kong: Skull Island" cũng được đặt tên khác là Titan để đánh lạc hướng truyền thông.
Tại Ninh Bình, phim trường cách mặt đường chính khoảng 500m với nhiều chốt an ninh. Càng vào sâu bên trong, lực lượng an ninh càng đông hơn và chốt chặt chẽ hơn, bao gồm cả công an và nhân viên an ninh. Ai muốn vào phim trường đều phải có thẻ của đoàn làm phim và không được ghi âm, chụp ảnh.
Trước cửa khách sạn ở Ninh Bình, một phụ nữ châu Á nói tiếng Anh vui vẻ bắt chuyện với người viết nhưng khi biết là phóng viên, người này lập tức quay đi. Trong khi đó, họa sĩ Vũ Huy cũng tiết lộ việc đoàn phim đã tỏ ra không hài lòng khi ông phát ngôn với báo chí về công việc xây dựng bối cảnh cho "Kong: Skull Island".
Để quan sát được phim trường "Kong: Skull Island" tại Ninh Bình nơi có ngôi làng thổ dân và sự xuất hiện của đông đảo diễn viên quần chúng Việt, phóng viên ảnh của Zing.vn đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của người dân địa phương.
Tứ phía đều bị bao bọc bởi an ninh nhưng vẫn có một con đường mà người nơi khác không hề hay biết.
Theo chỉ dẫn của một cậu bé chừng 10 tuổi, chuyên chăn bò trên núi cạnh phim trường dự án điện ảnh bom tấn, phóng viên ảnh của Zing.vn đã leo lên một ngọn núi và ghi lại được một số hình ảnh về các lều trong ngôi làng thổ dân, tọa bên cạnh một dòng sông.
Bức ảnh được đánh giá 'đắt' vào thời điểm đó, bởi những thông tin mà nó hé lộ. Tuy nhiên, bức ảnh này sau đó đã không được đăng do yêu cầu bảo mật từ phía đoàn làm phim.
Ở bên kia dãy núi, người dân không hề biết về sự hiện diện của một đoàn phim quốc tế, cũng không quá quan tâm đến việc du lịch địa phương sẽ phát triển ra sao. Nhưng họ rất hồ hởi khi bỗng dưng lại có nhóm phóng viên tìm đến tận nhà để hỏi thăm đường xá.
Một tuần lễ sau, khi đoàn phim bom tấn đã rời đi, chúng tôi trở lại Ninh Bình. Người dân nơi đây vẫn tiếp đón nồng hậu, mời chén rượu quê mà họ gọi là “rượu sếch”. Ký ức về một đoàn phim quốc tế không còn nhiều nhưng họ vẫn nhớ về một ngày nông nhàn có phóng viên từ Hà Nội ghé thăm.
“Bom tấn là phim chiếu bóng ý à? Phấn khởi lắm nhưng chắc mình cũng chẳng được xem vì ở đây làm gì có rạp. Muốn xem chỉ có ra Hà Nội mà nghĩ cảnh mấy ông bà nông dân rồng rằn ra tận đó xem phim cũng kỳ”, bác nông dân sống bên dãy núi danh thắng Tràng An cười giòn nói.
Lãnh đạo tỉnh và người dân đều vui mừng
Phóng viên Zing.vn đã phỏng vấn nhiều lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh. Phía lãnh đạo các tỉnh đều tin tưởng rằng Kong: Skull Island là một cơ hội để quảng bá du lịch. Do vậy, địa phương luôn chủ động hỗ trợ đoàn làm phim hết mức.
Một cán bộ quản lý còn tiết lộ chuyện đề xuất giữ lại phim trường sau khi đoàn phim rời Việt Nam. Mục đích là để khách tham quan cảm nhận chân thực hơn vẻ đẹp của địa phương xuất hiện trên màn ảnh rộng. Tuy vậy, vì lý do bảo mật, phim trường "Kong: Skull Island" cuối cùng đã không được giữ lại như dự định ban đầu.
Những người nông dân vốn quen với công việc đồng ruộng, hai sương một nắng, chân lấm tay bùn tỏ ra phấn khởi khi có một đoàn phim quốc tế đến làm việc tại địa phương. Phần lớn trong số họ vốn xa lạ với màn ảnh rộng bỗng thấy mỹ từ Hollywood trở nên thân thuộc.
Tìm về đầm Vân Long (Ninh Bình) những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3/2016, câu chuyện về ông đạo diễn râu dài, về một bộ phim có con khỉ phủ sóng từ bến đò, gian chợ đến bữa cơm trong gia đình.
Trước đó, mấy trăm người trong xã, từ người già đến thanh niên hồ hởi đi thử vai diễn viên quần chúng. Đoàn làm phim yêu cầu họ diễn cảnh sợ hãi, giận dữ và vui vẻ. Tại nhà bà Vũ Thị Đào, nhiều người đã diễn lại biểu cảm này trước phóng viên.
Sau đó, bức ảnh ghi lại biểu cảm sợ hãi của bà Đào đăng tải trên Zing.vn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cư dân mạng. Nhiều tài khoản đã chia sẻ, thậm chí chế lại bức ảnh nhằm mục đích gây cười, khiến gia đình nhân vật phản ứng.
Cách đây không lâu, khi "Kong: Skull Island" tung trailer cuối cùng, một vài người đã nghĩ bà Đào xuất hiện trong phim. Nhưng thực tế không phải vậy.
Bà Vũ Thị Đào và hàng trăm người thử vai quần chúng trong "Kong: Skull Island" tại xã Gia Viễn (Ninh Bình) đều trượt. Một nguồn tin cho biết diễn viên Việt trong phim là các nghệ sĩ của Nhà hát chèo Ninh Bình.
Theo Đ.L.T /Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)