Chí Trung chê “phim Việt vớ vẩn”, đạo diễn “Người phán xử” nói gì?

Google News

Không bức xúc trước nhận xét của nghệ sĩ Chí Trung, đạo diễn "Người phán xử" Nguyễn Danh Dũng cho biết, đó hoàn toàn là ý kiến chủ quan của "Táo Giao thông". 

Tuy nhiên, ở góc độ một đạo diễn, khi có người chê phim của mình thì với anh là một sự trăn trở lớn.
Chi Trung che “phim Viet vo van”, dao dien “Nguoi phan xu” noi gi?
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng (giữa) trên trường quay “Người phán xử”. Ảnh: VTV 
>>>> Mời quý độc giả xem trailer Người phán xử tập cuối (Nguồn: Rubic 8):
"Điều Chí Trung nói là một sự trăn trở"
Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí về bộ phim "Ghét thì yêu thôi", nghệ sĩ Chí Trung đã thẳng thắn cho biết, dù tham gia một vai trong phim cũng như từng đóng một vài phim khác, nhưng anh chưa bao giờ đủ kiên nhẫn để xem bất kỳ một bộ phim Việt nào. Lý do là vì anh thấy phim Việt Nam "vớ vẩn".
Không giống như câu chuyện ca sĩ Tùng Dương nhận xét về "Bolero đang khiến thị trường âm nhạc thụt lùi", nhiều nghệ sĩ, khán giả ngay lập tức đã đồng loạt lên tiếng phản biện, khi chúng tôi hỏi các đạo diễn về nhận xét của nghệ sĩ Chí Trung, không ít người đã né tránh. Vì không muốn động chạm hay vì nghệ sĩ Chí Trung nói đúng?
Trước thềm lễ trao giải VTV Awards 2017, đạo diễn phim “Người phán xử” Nguyễn Danh Dũng đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thẳng thắn. Trước khi trả lời, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng còn cẩn trọng xem lại bài phỏng vấn nghệ sĩ Chí Trung để có sự phản biện thấu đáo. Sau khi đã đọc bài viết, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng chia sẻ: "Cảm giác đầu tiên của tôi đó là sự chủ quan của anh Chí Trung đối với phim ảnh nói chung và truyền hình nói riêng. Khi đã có yếu tố chủ quan thì không nên tranh luận vì đơn giản là họ đang bày tỏ quan điểm cá nhân chứ không chụp mũ hay quy kết ai. Nếu cần biện minh thì tôi cho rằng, vì sân khấu mới là đam mê của anh ấy, còn phim truyền hình là một cuộc dạo chơi nên anh không dành quá nhiều sự quan tâm cho phim ảnh, dẫn đến có những phim hay anh không được biết. Với sân khấu, tôi tin là anh sẽ không nói: "Tôi không bao giờ xem lại các vở kịch của mình". Giống như việc nấu ăn vậy, có người cả đời chỉ nấu chuyên một món và họ dành hết đam mê cho nó. Cũng có những đầu bếp nấu theo trào lưu, cứ đông người ăn thì làm, không cần biết có đam mê hay không, vì đơn giản họ chỉ là người kinh doanh đơn thuần. Tôi là người làm phim nên có những theo dõi kỹ hơn nghệ sĩ Chí Trung nên thấy rằng phim truyền hình đã nắm bắt được hơi thở cuộc sống, phản ánh đa dạng, đa chiều".
Tuy nhiên, soi xét kỹ thì đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cũng thừa nhận rằng: "Điều anh Chí Trung nói cũng là một sự trăn trở lớn với phim Việt". Anh tâm sự: “Trong bối cảnh làm phim ở Việt Nam có nhiều khó khăn về cơ chế, kinh phí, điều kiện làm phim nghèo nàn... nhưng nếu vì thế mà viện cớ khó có phim hay thì sẽ giậm chân tại chỗ. Có nhiều cách để truyền tải thông điệp mà đạo diễn muốn hướng đến. Tôi nhớ hồi làm “Ngôi nhà trên bến sông”, tôi cần cảnh đốt ngôi nhà để tạo sự ép-phê và ám ảnh cho khán giả, nhưng nếu thế thì cũng sẽ không tránh khỏi bị suy diễn. Vậy là tôi chọn cách cho nhân vật đốt chiếc váy của cô dâu. Dù hiệu ứng không mạnh nhưng về căn bản đã giải quyết được xung đột tâm lý nhân vật tìm đến một sự giải thoát khỏi ràng buộc. Nghĩa là người làm phim luôn phải "chiến đấu" với hoàn cảnh, đời sống để sáng tạo. Vấn đề là anh đã làm hết sức mình chưa, có đặt vị trí của mình vào khán giả không hay chỉ cần có một kịch bản trong tay là quay kiểu “kín ngày dày công”, không cần biết khán giả muốn gì”.
“Công thức” từ phim “Người phán xử”
Lấy minh chứng từ chính bộ phim “Người phán xử”, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho biết, để tạo nên hiệu ứng như hiện tại, ê - kíp đã có điều kiện và tinh thần ở mức tuyệt vời. Chất lượng kịch bản đã được kiểm chứng thông qua việc chiếu ở Isarel; dàn diễn viên đều là những gương mặt nổi tiếng, tài năng; phim được quảng bá tốt... Ngay đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng xắn tay vào chỉnh sửa, góp ý. Trong quá trình thực hiện còn vừa làm vừa điều chỉnh kịch bản. Ngay cả khi đã dựng xong rồi vẫn sẵn sàng “đập” đi để quay lại từ đầu. Tập cuối được phát sóng cũng là thời điểm mà cả đoàn làm phim gác máy trước đó 10 ngày.
Trong khi đó, có những bộ phim mà theo đạo diễn Nguyễn Danh Dũng tiết lộ, kịch bản viết thế nào thì quay như thế, vì đơn giản họ chỉ coi đó là công việc và hoàn thành nó là xong. Nhiều người cứ nói, muốn phim hay thì phải có sự đầu tư xứng đáng, nhưng đôi khi nó không đồng nghĩa với việc cứ có tiền là có phim hay. Không phải tiền bạc mà là chất xám bỏ ra. Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng chia sẻ: “Sẽ còn rất nhiều chuyện để bàn quanh câu chuyện phim Việt nhưng về cơ bản, phim truyền hình vẫn luôn xác lập được chỗ đứng tin cậy cho khán giả. Trong bối cảnh hiện nay, khi khán giả có nhiều cơ hội để tiếp cận các phim nước ngoài, sự khó tính cũng tăng lên thì đội ngũ làm phim phải nỗ lực hơn nữa. Trước mắt, song song với “của nhà trồng được” thì xu hướng mua kịch bản nước ngoài sẽ là hướng được VFC coi là trọng điểm. Vừa để yên tâm về kịch bản, nhưng qua đó còn là cách để học hỏi công nghệ làm phim của họ trước khi chúng ta tự tin vào chính mình”.
Sau 20 năm làm nghề, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng ghi dấu ấn qua những bộ phim truyền hình dài tập ấn tượng như: “Chuyện phố phường”, “Khi đàn chim trở về” phần 2, “Cảnh sát hình sự”, “Heo may về qua phố”, “Giọt nước mắt muộn màng”. Ngoài giải thưởng Phim truyền hình ấn tượng giải VTV Awards dành cho phim “Người phán xử”, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng từng nhận giải Đạo diễn phim truyền hình xuất sắc nhất Cánh diều 2015 cho phim “Khi đàn chim trở về” phần 2.
Theo Minh Nhật/ Giadinhnet

>> xem thêm

Bình luận(0)