Cậu bé bán kẹo và giấc mơ đổi đời giống Hồ Văn Cường

Google News

Cậu bé 11 tuổi bán kẹo kéo từng được cộng đồng mạng quan tâm thời gian vừa qua xuất hiện tại Vietnam Idol Kids 2017 với hy vọng thay đổi cuộc sống.

Câu chuyện của cậu bé hát rong 11 tuổi ở quán nhậu Sài Gòn, Huỳnh Đỗ Thanh Tuấn được đăng tải trên Zing.vn khiến nhiều người rơi nước mắt. Ở tuổi ăn tuổi học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, em phải bỏ ngang từ lớp 1 để cùng cha hàng đêm hát rong bán kẹo tại các quán nhậu mưu sinh.
Mới đây, cậu bé may mắn vượt qua vòng sơ loại của Vietnam Idol Kids 2017, tiến vào vòng gặp gỡ bộ ba ban giám khảo để có thể chinh phục tấm vé vàng. Nếu như đa số những gia đình khác đưa con em đi thi với tâm lý học hỏi, trải nghiệm thì mẹ cậu bé kẹo kéo tâm sự, cho con đi thi với hy vọng tìm thấy tương lai.
Cau be ban keo va giac mo doi doi giong Ho Van Cuong
Thanh Tuấn (áo xám) mang giấc mơ giúp đỡ gia đình, ba mẹ đến Vietnam Idol Kids 2017. Ảnh: Nguyễn Thành. 
Mong con có cái nghề, có tương lai
Không quá nhút nhát, rụt rè giữa những người bạn cùng trang lứa, tuy nhiên vẫn dễ dàng nhận ra Thanh Tuấn trong đám đông bởi gương mặt hiền lành cùng làn da đen nhẻm.
Sáng 27/3, em cùng mẹ đến địa điểm thi do ba phải ở nhà đưa em trai Thanh Tú đi học. Mẹ em, người phụ nữ chỉ cần nhìn qua cũng cảm nhận được sự nhọc nhằn, nghèo khổ hiện rõ trong vóc dáng lẫn cách ăn mặc. Trước khi đến với ba Thanh Tuấn và có hai mặt con, chị có một đời chồng nhưng đã qua đời. Cũng do cái nghèo nên cả hai chưa đăng ký kết hôn, hai đứa con chung của họ là Tuấn và em trai cũng vì lý do này mà không thể mang họ cha.
Đồng hành cùng con đến buổi thi, chị Thủy nghẹn ngào tâm sự: “Tôi cũng không biết khả năng nó đến đâu nên cho con đi thi để nó trải nghiệm thử chứ không ép phải có giải. Nhưng nói gì thì nói, tôi cũng mong Tuấn có thể đi sâu, mang tiếng thơm về cho gia đình cũng như có thể giúp nó tự đổi đời, có tiền ăn học đàng hoàng cho có tương lai với người ta”.
Cau be ban keo va giac mo doi doi giong Ho Van Cuong-Hinh-2
"Vợ chồng tôi cũng không muốn Tuấn đi bán kẹo như vậy để nó ở nhà học hành đàng hoàng". Ảnh: Nguyễn Thành. 
Hỏi về đam mê của Tuấn, chị nghẹn ngào nói tiếp: “Thấy con thích hát, nhưng gia đình tôi không có khả năng giúp bé phát huy. Vợ chồng tôi cũng không muốn Tuấn đi bán kẹo như vậy để nó ở nhà học hành đàng hoàng rồi chuyển qua học nghề cho có công việc ổn định. Chứ đi bán tội nghiệp nó, nhiều khi trời mưa nhìn nó như con chuột lột”. Nói đến đây, mẹ em bật khóc vì quá xúc động.
Với Tuấn, em cũng bày tỏ mong muốn có thể làm được điều gì đó tại chương trình này để có thể giúp ba mẹ vơi đi nỗi nhọc nhằn. Em nói: “Em ước mình có thể xây nhà cho cả nhà”.
Gia đình 4 người từ Cần Thơ lên Sài Gòn để mưu sinh cách đây không lâu sau khi công việc làm ăn ở quê thất bại. Mỗi đêm, em cùng ba rong ruổi trên chiếc xe máy gắn cặp loa thùng rồi đi dọc theo các tuyến đường có nhiều quán nhậu như Quang Trung, Phạm Văn Đồng để bán kẹo. Mỗi đêm, em hát khoảng 30 bài, tất cả đều được em học thuộc lòng rồi hát theo bản năng chứ chưa từng biết qua mặt chữ bởi nghỉ học từ lâu.
Mỗi ngày như thế, hai ba con kiếm được nhiều nhất 300.000 đồng cả vốn lẫn lời, có ngày vắng khách chỉ được 100.000 đồng để cả gia đình 4 miệng ăn sinh sống cũng như gom góp để chi trả các khoản sinh hoạt khác.
Với cuộc sống cầm chừng qua ngày, không hề nghĩ đến việc dư dả hay có thể dành dụm, việc gia đình em trông chờ vào một tương lai tươi sáng hơn thông qua cuộc thi chương trình truyền hình thực tế là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Cau be ban keo va giac mo doi doi giong Ho Van Cuong-Hinh-3
Không có cuộc sống đầy đủ như bạn bè cùng trang lứa, Thanh Tuấn từ nhỏ phải ra đời kiếm tiền mưu sinh cùng ba. Ảnh: Nguyễn Thành. 
Giấc mơ mang tên "đổi đời"
Trong buổi thi của Vietnam Idol Kids mùa giải thứ 2, ngoài Thanh Tuấn còn có vài thí sinh có xuất thân khó khăn, ở các tỉnh nghèo cũng với mong muốn tương tự.
Câu chuyện “đổi đời” của các cuộc thi truyền hình thực tế một lẫn nữa được nhắc đến với nhiều tranh cãi trái chiều.
Cách đây không lâu, trong buổi họp báo ra mắt một game show dành cho các tài năng ca hát nhí, giám khảo Quang Linh khi được hỏi về quan điểm “truyền hình thực tế giết chết tài năng và tuổi thơ của trẻ em” đã thẳng thắn chia sẻ: “Có lẽ anh Thanh Bùi phát biểu từ góc nhìn của người nhạc sĩ, một người dạy nhạc và có mở trường. Không phải đứa trẻ nào cũng có đủ tiền để đến trường của anh ấy học, mà cuộc sống có muôn màu lắm. Ở chương trình này, tôi cảm nhận 80-90% các bé có cuộc sống không sung túc lắm”.
Nam ca sĩ Chim sáo ngày xưa nói thêm: “Một khi các bé đã thích hát mà bị ngăn cản mới là điều đau đớn, còn được sống với đam mê của mình thì không gì bằng”.
Cau be ban keo va giac mo doi doi giong Ho Van Cuong-Hinh-4
Trong số các thí sinh Vietnam Idol Kids, nhiều em mang trong mình ước mơ được thay đổi cuộc sống cho cả gia đình. Ảnh: Nguyễn Thành. 
Dù không nói thẳng nhưng ai cũng có thể hiểu ngầm ý của nam ca sĩ rằng các chương trình truyền hình thực tế là lựa chọn có thể nói là duy nhất của những em nhỏ không có điều kiện đến các trường năng khiếu để đào tạo bài bản.
Dĩ nhiên, phát biểu của Quang Linh không nhận được hoàn toàn sự đồng tình. Tuy nhiên, nhìn vào những thí sinh như Hồ Văn Cường, Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân thì các em đã giúp cả gia đình thoát khỏi cái nghèo đeo bám sau khi thi hát, vẫn là một giấc mơ đẹp với những em nhỏ có hoàn cảnh tương tự. Giấc mơ mang tên “đổi đời”.
Theo Phương Giang/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)