Ban nhạc 33 lão bà tuổi 84 gây sốt tại Nhật

Google News

Ban nhạc nữ KBG84, đang “làm mưa làm gió” ở Nhật Bản với 33 ca sỹ kiêm vũ công có độ tuổi trung bình 84, đã khiến cho nhiều người cao tuổi khắp nơi ngạc nhiên.

Giấc mơ của cụ Tomi đã được thỏa mãn cùng ban nhạc KBG84 với 35 thành viên, tuổi trung bình 84, trong đợt trình diễn tại Tokyo và Osaka.
Kohama là hòn đảo thuộc quận Okinawa, có 700 người sinh sống, được bao bọc bởi rặng san hô dưới đáy biển. Tất cả cư dân ở đây đều biết nhau. “Các cô gái” thành viên ban nhạc KBG84 gặp nhau mỗi tuần 1 lần tại nhà văn hóa địa phương.
Ban nhac 33 lao ba tuoi 84 gay sot tai Nhat
Cụ Tomi 93 tuổi (giữa, hàng trước) và thầy Kiku cùng các cụ bà trong ban nhạc KBG84. 
Vài năm trước, khi nhạc sĩ Kiku Tsuchida chuyển đến hòn đảo Kohama, sinh hoạt tinh thần của bà con thay đổi hẳn. Nhạc sĩ đã sáng tác dành cho các học viên đặc biệt của ông những giai điệu rộn ràng, hào sảng, với nội dung ca ngợi cái đẹp của hòn đảo và sức sống của cư dân, quay video clip, công bố trên mạng xã hội và chờ đợi hồi âm.
Kiku đã có hợp đồng xuất bản đĩa hát, hợp đồng thực hiện các chương trình biểu diễn tại Nhật Bản và Singapore.
Tháng 12/2016, lần đầu tiên ban nhạc KBG84 xuất hiện trên sân khấu nước ngoài ở Singapore, trước đám đông hơn 6.000 khán giả.
- Tôi nghĩ, chuyến lưu diễn ở Singapore là thử thách không nhỏ với tất cả thành viên ban nhạc. Tôi đã nói rằng, trước khi quyết định tham gia chuyến đi, các cụ cần thảo luận nghiêm túc với gia đình - nhạc sĩ Kiku kể lại trong phim tài liệu do kênh truyền hình châu Á thực hiện.
“Khi còn ăn uống được bình thường thì bà cứ yên tâm lên đường lưu diễn!”, cụ bà 86 tuổi Kyoko nghe lời khuyên của cụ ông.
Cùng với cụ bà Kyoko bay đến Singapore còn 34 cụ bà-ca sĩ. Trong số đó có cụ Tomi hay kể chuyện tiếu lâm, khiến mọi người cười rơi nước mắt. Cả cuộc đời cụ Tomi cùng làm ruộng với cụ ông, họ có 5 con trai. 30 năm trước, khi cụ ông qua đời, cụ Tomi “đầu quân” làm chân lao công cho khách sạn địa phương - nơi cụ làm việc đến 85 tuổi.
Bây giờ cụ sống một mình, trồng trọt tại mảnh vườn gần nhà. “5 năm trước, khi con trai trưởng Masanori của tôi qua đời, con dâu cả mang thằng cháu đích tôn của tôi về gia đình ngoại, tôi buồn chán không ra khỏi nhà. Cuộc sống không còn gì để tôi hào hứng”, cụ Tomi nhớ lại. Một năm sau, nghe lời khuyên của các cụ hàng xóm, cụ Tomi bắt đầu tham gia ban nhạc KBD84.
Bận rộn mang lại hạnh phúc
Một ngày của các cụ bắt đầu khoảng 6 giờ sáng. Tiếp theo là chương trình dạo bộ vài cây số trên bãi biển và tập thể dục. 7h30, họ ăn sáng nhẹ với các món tự chuẩn bị. Sau đó là công việc nhặt cỏ, tưới bón vườn nhà, chăm sóc cháu, chắt, nghỉ trưa.
Ban nhac 33 lao ba tuoi 84 gay sot tai Nhat-Hinh-2
KBG84 trong một buổi biểu diễn tại Tokyo Ảnh: AFP 
Cụ Hisae, 87 tuổi, vẫn nghiện cà phê đặc. Ngày nào cụ cũng nhâm nhi 1 ly nhỏ. Buổi chiều, các cụ tề tựu đến nhà cụ Hisae. Họ “buôn dưa lê” từ chuyện người con trai 50 tuổi của cụ bà Haru (99 tuổi) vẫn chưa chịu lấy vợ, đến việc cụ bà Hisako (84 tuổi) dạo này bắt đầu mập khác thường, các cụ ở gần cần lưu ý, giúp cụ Hisako điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt…
- Chính sự bận rộn mang lại hạnh phúc cho các cụ - bác sĩ Nobuyoshi Hirosi, chuyên gia lão khoa nổi tiếng Nhật Bản, đúc kết.
“Kajimaya”, tức sinh nhật 97 tuổi, là ngày lễ lớn nhất đối với phụ nữ ở Okinawa. Đại lễ được chuẩn bị trước vài tuần. Gia đình mượn xe mui trần để rước nhân vật thượng thọ đi vài vòng quanh khu vực.
Theo truyền thống địa phương, khi bước vào tuổi 97, người phụ nữ đã trải nghiệm tất cả đắng cay cuộc đời và có thể tự tái sinh thành trẻ thơ. Cụ đã được giải phóng tất cả nghĩa vụ, đã thanh toán đầy đủ mọi khoản vay mượn, để giành lại niềm vui tinh khiết, nguyên thủy.
Khi người phụ nữ được giải phóng
Các gia đình Nhật Bản hiện đại ở Okinawa phổ biến vẫn có 3 thế hệ. Thế nên đa số phụ nữ sau tuổi 60 mới thực sự được “giải phóng” khỏi nghĩa vụ chăm sóc thế hệ thứ 3. Bỗng chốc họ sở hữu vô số thời gian. Họ ghi tên tham gia các khóa học thanh nhạc, học khiêu vũ, gặp gỡ bạn bè, tham gia các cuộc trà đạo, tranh thủ học kiến thức mới.
Các cụ ông Nhật Bản dường như sinh ra để làm việc. Trong mắt các cụ, chế độ nghỉ hưu quá xa xỉ. Đến tuổi không thể hành nghề theo đúng chuyên môn, các cụ tìm công việc làm thêm như phụ việc soát vé vào cửa bảo tàng hoặc phụ việc tại các quán ăn, khách sạn.
Vũ công U90
Khi thành lập Japan Pom Pom, nhóm khiêu vũ cheerleader gồm các cụ bà, cụ Fumie Takino mới 63 tuổi. “Cuộc hôn nhân của tôi không được như ý. Thời tuổi trẻ, tôi không có đủ can đảm làm những gì mình thật sự mong muốn”, cụ Takino chậm rãi kể.
Năm 53 tuổi, lần đầu cụ can đảm, bất chấp sự phản đối kịch liệt của mẹ chồng và mẹ đẻ, tranh thủ sự ủng hộ của các con, cụ bay sang Mỹ du học. Tốt nghiệp ngành bác sĩ lão khoa, cụ Takino trở về nước với nghề mới và cảm giác được tự do.
Năm nay 84 tuổi, cụ Takino vẫn hồn nhiên nhảy múa với tư cách một vũ công cheerleader trong nhóm Japan Pom Pom, tham gia cổ vũ cho nhiều sự kiện thể thao, văn hóa, để mang lại niềm vui cho mọi người.
Theo Vinh Thu/PNVN

>> xem thêm

Bình luận(0)