Vì sao con trai Mao Trạch Đông không an táng tại TQ?

Google News

“Người cộng sản chết ở đâu thì mai táng ở đấy... Con của tôi - Mao Ngạn Anh chết ở Triều Tiên thì chôn cất ở Triều Tiên".

Tháng 10/1956, Bành Đức Hoài, lúc này là Phó thủ tướng Quốc vụ viện, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cầm trên tay bức điện báo do Phòng cán bộ Tổng bộ Quân ủy gửi đến, vừa xem vừa nhấp mấy ngụm trà. Sau đó ông đứng dậy khỏi ghế làm việc, tay chắp sau lưng, đi đi lại lại trong phòng với một tâm trạng trĩu nặng, đầy băn khoăn.
Mấy ngày trước, Tổng bộ Quân tình nguyện đã thỉnh thị Quân ủy Trung ương về chuyện an táng liệt sĩ Mao Ngạn Anh, con trai của Mao Trạch Đông, Tổng bộ Quân ủy đã khởi thảo bức điện này, yêu cầu Tổng bộ Quân tình nguyện đem thi hài Mao Ngạn Anh về chôn cất tại Bắc Kinh.
Ảnh: Mao Trạch Đông, Lý Nột, Mao Ngạn Anh, Lưu Tư Tề.
Là một người rất nguyên tắc, sau khi xem xong bức điện Bành Đức Hoài cho rằng việc đưa hài cốt Mao Ngạn Anh về Bắc Kinh chôn cất không được thỏa đáng lắm, nhưng cũng thấy việc này liên quan đến Chủ tịch nước, nên cũng không dám tự quyết.
Trong cuộc chiến chi viện cho Triều Tiên, đã có biết bao người con Trung Hoa ngã xuống, thi thể của họ đều được chôn cất tại nơi mà họ đã hy sinh - chiến trường Triều Tiên, Mao Ngạn Anh cũng không phải ngoại lệ. Chủ tịch Mao Trạch Đông từng nói, Mao Ngạn Anh cũng chỉ là một chiến sĩ tình nguyện bình thường như bao chiến sĩ khác đó sao? Hơn nữa, việc an táng Mao Ngạn Anh tại nơi anh hy sinh còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với những thế hệ sau này, ngoài ra còn có tác dụng thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Nghĩ đến đây, với chủ trương cứng rắn “Sinh tại Trung Quốc, hy sinh tại Triều Tiên, an táng tại Triều Tiên”, Bành Đức Hoài quyết định viết cho Thủ tướng Chu Ân Lai một bức thư, nói rõ thái độ của mình và xin ý kiến chỉ đạo.
Chu Ân Lai xem xong bức thư của Bành Đức Hoài, cũng suy nghĩ rất lâu, cảm thấy quan điểm của Bành Đức Hoài rất đúng. Thi thể của Mao Ngạn Anh không nên chuyển về nước, càng không nên chuyển về Bắc Kinh an táng, tốt nhất là nên để lại Triều Tiên cùng với các liệt sĩ quân tình nguyện đã anh dũng hy sinh. Điều này có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn. Do đó, ông quyết định chuyển lá thư và xin sự phê duyệt của Mao Trạch Đông.
Thư ký của Mao Trạch Đông báo cáo mọi chuyện và chuyển lá thư của Bành Đức Hoài cho Mao Trạch Đông xem, đồng thời truyền đạt nội dung điện báo của Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành mong muốn được an táng Mao Ngạn Anh ở Triều Tiên như một người con ưu tú của nhân dân Triều Tiên.
Mao Trạch Đông lập tức phê vào lá thư của Bành Đức Hoài: “Đồng ý với ý kiến của đồng chí Bành Đức Hoài, an táng Mao Ngạn Anh ở Triều Tiên cùng với hàng ngàn liệt sĩ quân tình nguyện Trung Quốc, không được cử hành bất cứ một nghi lễ đặc biệt nào”.
Sau đó, chủ trương này được lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình... tán thành. Trong cuộc nói chuyện với Đại sứ Liên Xô ở Trung Quốc và Do Kim, bạn thân của Mao Ngạn Anh hồi còn sống, Mao Trạch Đông cũng bày tỏ: “Người cộng sản chết ở đâu thì mai táng ở đấy... Con của tôi - Mao Ngạn Anh chết ở Triều Tiên thì chôn cất ở Triều Tiên”.
Về sau, Lưu Tư Tề, Thiệu Hoa lại đề xuất ý kiến “đưa Mao Ngạn Anh về nhà”, làm cho Mao Trạch Đông phải suy nghĩ rất lâu, cuối cùng dẫn câu thơ của một viên tướng thời Đông Tấn: “Nguyện da ngựa bọc thây, chôn thân ngoài chiến địa” Mao Trạch Đông giữ nguyên quan điểm an táng Mao Ngạn Anh ở Triều Tiên.
Năm 1954, nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện nhân dân Trung Quốc đã được xây dựng trên một quả đồi ở vùng Tây Bắc Triều Tiên, diện tích 90.000m2. 115 đảng viên, 16 đoàn viên và 3 liệt sĩ vô danh đã được an táng tại đây, trong đó có hài cốt của Mao Ngạn Anh.
Nơi xây dựng nghĩa trang cũng chính là nơi Tổng bộ Quân tình nguyện Trung Quốc đóng doanh trại tháng 9/1951. Ở đây, trong vòng 7 năm, quân tình nguyện Trung Quốc đã cho xây dựng hai công trình quân sự quan trọng, một là Sở chỉ huy Quân tình nguyện Trung Quốc, nơi Nguyên soái Bành Đức Hoài họp bàn cùng các tướng lĩnh và chỉ huy tác chiến, hai là doanh trại Tổng bộ Quân tình nguyện sau khi đã ký kết hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên.
Nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Trung Quốc cách trụ sở Tổng bộ quân tình nguyện cũ khoảng 1 km. Cửa vào nghĩa trang được dựng trang nghiêm, phía trên là dòng chữ “Nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện nhân dân Trung Quốc” được viết bằng hai thứ tiếng Trung - Triều. Bước vào nghĩa trang, phải đi qua một con đường gồm 237 bậc thang (tượng trưng cho 2.370.000 cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Trung Quốc tham chiến ở Triều Tiên), sau đó đến một cửa nhỏ được làm bằng đá hoa cương, trên đó có khắc 4 chữ “Hào khí trường tồn” thủ bút của Quách Mạt Nhược, nguyên là Chủ tịch Tổng hội kháng Mỹ, viện Triều nhân dân Trung Quốc, phía sau là chân dung của tất cả chiến sĩ quân tình nguyện đã tham gia chiến tranh Triều Tiên.
Nhà tưởng niệm của nghĩa trang được xây bằng đá xanh, trang trí rất uy nghiêm. Trong Nhà tưởng niệm có một tấm bia, chính diện khắc dòng chữ “Các liệt sĩ kháng Mỹ, viện Triều vĩnh thùy bất hủ”, phía sau là phần giới thiệu về cuộc chiến tranh kháng Mỹ, viện Triều.
Phía sau gian tưởng niệm là tượng chiến sĩ quân tình nguyện Trung Quốc cao 7,5m, được đúc bằng đồng đen. Cuối cùng là phần mộ của các liệt sĩ được xếp thành một hình vuông chỉnh tề. Mộ các liệt sĩ được bố trí đầu gối vào núi, mặt hướng về Tổ quốc (theo hướng Tây Nam nhìn về Bắc Kinh). Trên mỗi phần mộ đều được trồng một cây tùng tượng trưng cho sự hiên ngang, anh dũng của các chiến sĩ quân tình nguyện Trung Quốc.
Theo Vũ Anh/An ninh thế giới

Bình luận(0)