Trận nghi binh ngoạn mục chiến dịch Tây Nguyên 1975

Google News

(Kiến Thức) - Trước khi nổ ra chiến cuộc Xuân 1975, trên chiến trường Tây Nguyên ta đã ép địch từ hai phía. 

2 giờ sáng ngày 10/3, ta nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột. Mãi đến 4 giờ sáng, khi xe tăng ta đã tiến vào Buôn Ma Thuột, Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 mới biết Buôn Ma Thuột là mục tiêu chính của ta, thì đã quá muộn. Ta đã tiến hành trận nghi binh ngoạn mục.
Nghi binh 2 hướng                                      
Bàn về cách đánh Buôn Ma Thuột, Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu hai phương án và đặc biệt nhấn mạnh trong cả hai trường hợp, đều phải thực hiện nghi binh thật tốt, gồm nghi binh hướng Trị - Thiên và hướng Kon Tum, Plâycu.
Bộ chỉ huy chiến dịch và các đơn vị trên toàn mặt trận quán triệt chủ trương trên, thực hiện tốt việc nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của địch, đưa địch vào “mê hồn trận”, mắc sai lầm dẫn đến kết cục thảm bại. 
Trước khi nổ ra chiến cuộc Xuân 1975, trên chiến trường Tây Nguyên ta đã ép địch từ hai phía. Phía Bắc, Sư đoàn 10 áp sát Bắc thị xã Kon Tum đến Võ Định. Phía Tây, Sư đoàn 320 áp sát thị xã Plâycu. Để hình thành thế bao vây, chia cắt địch, trước khi tiến công Tây Nguyên, ta đã cắt cả hai tuyến đường huyết mạch nối đồng bằng với Tây Nguyên là đường 19 và 21 ở phía Đông, chia cắt đường 14 ở phía Nam. Địch chỉ còn đường tiếp tế chi viện trên không, nhưng các sân bay Kon Tum, Plâycu đã nằm trong tầm pháo và sân bay Hoà Bình, đã nằm trong kế hoạch tiến công của đặc công và bộ binh ta. Các khu vực có thể đổ bộ đường không thì đã được các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng phương án tác chiến.
Tran nghi binh ngoan muc chien dich Tay Nguyen 1975
Tấn công đánh chiếm trại Mai Hắc Đế trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975. 
Cơ động như đèn cù
Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên được tăng cường 2 sư đoàn bộ binh: Sư đoàn 968 từ Nam Lào sang thay thế Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 ở Bắc Kon Tum và Tây Plâycu. Sư đoàn 316 từ miền Bắc vào để tham gia tiến công mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột. Cùng với Sư đoàn 3, các trung đoàn đang chiến đấu ở Tây Nguyên và lực lượng vũ trang địa phương. Trước nổ súng, lực lượng ta vượt trội so với địch. Về sư đoàn bộ binh: ta 4, địch 1, nếu tính cả Sư đoàn 3 bộ binh tham gia cắt đường 19 ở Bình Định thì tỷ lệ đó là 5/1; trung đoàn bộ binh là 1,5/1. 
Trên hướng mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột, ta có Sư đoàn 316, các trung đoàn 95B và 24, Trung đoàn 198 và Tiểu đoàn 27 đặc công, Trung đoàn thiết giáp 273, hai trung đoàn pháo binh 40, 675, hai trung đoàn cao xạ 232 và 234, hai trung đoàn công binh và lực lượng vũ trang Đăk Lăk. Như vậy, ta đã tạo ưu thế áp đảo so với địch. Tuy vậy, nếu quá trình cài thế, địch phát hiện được ý định ta, tăng cường lực lượng cho Buôn Ma Thuột, thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho ta. Vì vậy, để kìm chắc lực lượng địch ở Bắc Tây Nguyên, ta đã tiến hành các biện pháp nghi binh, lừa địch, làm cho cả tình báo Mỹ, Tổng thống và Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn luôn tin chắc là Xuân 1975, Việt Cộng sẽ tiến công ở Bắc Tây Nguyên.
Theo cố Thượng Tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên: Muốn đánh Buôn Ma Thuột thắng nhanh, phải nghi binh đánh Plâycu để Buôn Ma Thuột vẫn yếu như cũ. 
Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 nhiều năm chiến đấu và “có tiếng” ở chiến trường Tây Nguyên, nên Quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn đặc biệt chú ý theo dõi hoạt động của hai sư đoàn này. Chúng cho rằng, hai sư đoàn này có mặt ở đâu là ở đó sẽ có tác chiến lớn. Vì vậy, việc bảo đảm bí mật sự di chuyển hai sư đoàn cùng các đơn vị binh chủng kĩ thuật vào nam Tây Nguyên là hết sức khó khăn. Ta phải cho các sư đoàn này cơ động như “đèn cù” nhiều lần rồi mới di chuyển chính thức; đồng thời đã để lại toàn bộ điện đài và nhân viên báo vụ của hai sư đoàn ở vị trí cũ, chỉ dùng điện thoại của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Địch thấy ta không hề có dấu hiệu chuyển quân. Trong khi đó Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 đã hành quân về hướng Buôn Ma Thuột rồi. 
(còn nữa)
Nguyễn Trung Thành

Bình luận(0)