Sự thật những chiến sĩ “ngoại” xả thân vì độc lập VN

Google News

(Kiến Thức) - Chiến thắng của cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của các chiến sĩ quốc tế.

Chiến sĩ "Việt Nam mới" hay người "Việt Nam mới" là tên mà người Việt Nam dùng để gọi những người nước ngoài tình nguyện tham gia hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Những người "Việt Nam mới" đến từ nhiều quốc gia, trong đó chủ yếu gồm hai nhóm chính: binh sĩ trong quân đội Nhật Bản và binh sĩ lính lê dương và Bắc Phi trong quân đội Pháp. Ngoài ra, còn có một số ít chiến sĩ tình nguyện người Pháp, Hoa, Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan... Họ không phải đều là "hàng binh", vì vậy để tránh gây ngộ nhận, mặc cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên chung cho họ là "người Việt Nam mới".
Phần lớn những người "Việt Nam mới" đã trở thành cán bộ hoặc binh sĩ trong các đơn vị chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những người có kiến thức quân sự, đặc biệt là các sĩ quan Nhật và một số lính lê dương trực tiếp tham gia trong các ngành chỉ huy, tham mưu, kỹ thuật, huấn luyện, quân y, quân giới, tuyên truyền...
Trong giai đoạn đầu chiến tranh, khi lực lượng vũ trang Việt Minh còn non trẻ, gặp nhiều khó khăn, kinh nghiệm và kiến thức của những người "Việt Nam mới" đã có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Dù đến từ nhiều đất nước khác nhau, các chiến sĩ "Việt Nam mới" đều có chung một lý tưởng cống hiến cho cách mạng Việt Nam.
Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập
Ông Kostas Sarantidis sinh năm 1927 tại thành phố Athens, Hy Lạp. Năm 1943, ông bị bắt sang Đức làm lao động khổ sai. Đầu năm 1946, ông tham gia trong đội quân lính đánh thuê Lê Dương của thực dân Pháp đưa sang Sài Gòn nhằm đàn áp Cách mạng Việt Nam dưới chiêu bài “giải giáp quân Nhật.”
Chỉ trong vòng 4 tháng, nhận rõ bộ mặt và tội ác của thực dân Pháp đối với đất nước, nhân dân Việt Nam, với bản chất lương thiện và tinh thần dân tộc của người dân Hy Lạp từng kiên cường đấu tranh chống ách thống trị của đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) và ách chiếm đóng của phát xít Đức, Kostas Sarantidis không can tâm làm bia đỡ đạn, tiếp tay cho Pháp gây thêm tội ác đối với Việt Nam. Ông đã tự giác bắt liên lạc và gia nhập hàng ngũ quân đội Việt Nam với tên gọi Nguyễn Văn Lập.
Ngay từ tháng 4/1946 ở Mũi Né - Phan Thiết, ông đã cùng 25 cán bộ, đồng bào bị địch bắt với vũ khí trốn sang hàng ngũ Việt Minh. Từ năm 1946 - 1952, ông tham gia chiến đấu anh dũng ở nhiều đơn vị, tiểu đoàn, trung đoàn khác nhau, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Từ năm 1953 - 1954, ông nhận nhiệm vụ trực tiếp của Bộ Tư lệnh/Liên khu 5 làm Tổng giám thị trại tù hàng binh số 3 của Liên khu 5. Ông đã quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách nhân đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tù binh, góp phần làm cho họ nhận rõ cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp, biến họ từ những tên lính xâm lược thành những người có cảm tình với cách mạng Việt Nam.
Từ năm 1955 - 1965, ông tập kết ra miền Bắc lần lượt nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Năm 1965, trở về Hy Lạp cùng với vợ là người Hà Nội và những người con đều mang tên Việt Nam, ông luôn hướng về Việt Nam và có nhiều việc làm thiết thực để giúp đỡ Việt Nam - nơi mà ông luôn coi là quê hương thứ hai của mình. Ông đã viết hai tập hồi ký "Tại sao tôi theo Việt Minh" và "Ở một trại tù binh Nam Việt Nam."
Năm 2010, ông được Nhà nước chính thức công nhận quốc tịch Việt Nam, mang tên Nguyễn Văn Lập. Ngày 30/8/2013, ông đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Schulze - Nguyễn Đức Việt
Schulze - Nguyễn Đức Việt là một hàng binh người Đức trong đội quân Lê Dương của Pháp xâm lược nước ta. Do chán ghét chiến tranh xâm lược và coi khinh quân đội Pháp "không có tinh thần chiến đấu”, anh trốn sang hàng ngũ quân đội Việt Nam từ mặt trận Nam Trung Bộ năm 1946. Anh nói chuyện bằng tiếng Pháp "bồi", biết lái máy bay thể thao và có tay nghề cơ khí khá. Sau quá trình tìm hiểu và thể theo nguyện vọng, anh được đưa ra Bắc và bố trí công tác ở xưởng quân giới B2.
Schulze - Nguyễn Đức Việt là người đã ứng dụng thành công việc chế tạo lựu đạn AT bằng công nghệ dập cho ngành quân giới Việt Nam. Nha Nghiên cứu kỹ thuật cũng như Cục Quân giới đánh giá cao công lao của anh Việt trong thành tựu này, bởi lẽ kỹ thuật lúc đó cũng không phải dễ dàng đối với thợ lành nghề của ta.
Cuối năm 1948, Bộ chuẩn bị thành lập các ban nghiên cứu Không quân, Hải quân... Trong năm 1949, anh Việt được chuyển sang Ban Nghiên cứu kỹ thuật, được phép lái thử chiếc máy bay thể thao duy nhất còn dùng được của Không quân Việt Nam lúc bấy giờ, đó là Tiger Mooth. Đã 4 năm chiếc Tiger Mooth không được dùng đến, do vậy các đồng hồ báo tốc độ, độ cao, độ thăng bằng, . . . đều không còn mức chính xác đủ tin cậy. Vậy mà Nguyễn Đức Việt vẫn tình nguyện bay thử đầu tiên. Anh đã cho máy bay cất cánh bay lượn trên vùng trời Chiêm Hóa, sông Lô, sông Gậm, rồi làm động tác bổ nhào. Không thành công, anh cho máy bay đâm thẳng xuống sông. Cuộc bay thử không thành công nhưng anh đã thể hiện tinh thần phục vụ vô điều kiện của người chiến sĩ, đồng thời tỏ rõ tinh thần dũng cảm của một phi công lái máy bay thử nghiệm.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại, anh trở về Cộng hòa dân chủ Đức, được trọng dụng, phụ trách một sân bay. Đến giữa năm 1969, anh dự định quay lại Việt Nam cùng với phái đoàn của Cộng hòa dân chủ Đức, đồng thời thăm vợ con ở Việt Nam. Nhưng rất tiếc, anh đã hy sinh trong một tai nạn máy bay.
Schulze - Nguyễn Đức Việt - cái tên của anh sẽ mãi mãi được ghi nhớ trong lịch sử quân giới Việt Nam nói riêng và cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam nói chung.
Nakahara - Minh Ngọc
Trước Cách mạng tháng Tám, Nakahara Mitsuboni là sĩ quan tham mưu quân đội Thiên hoàng tại Bộ tham mưu tướng Ikawa, tư lệnh quân đội Nhật ở miền Trung Việt Nam và Lào. Bấy giờ, anh mới 22 tuổi. Cuối tháng 8/1945, sau những cuộc biểu tình, tuần hành của nhân dân Huế, khi lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trước cửa Ngọ Môn và Thiên hoàng đã ra lệnh đầu hàng, anh cùng với một số sĩ quan Nhật khác đã tận mắt thấy sức mạnh chính nghĩa của một dân tộc. Họ quyết định không trở về Nhật mà xin phép với ủy ban Hành chính Trung Bộ do ông Trần Hữu Dực làm Chủ tịch, được phép ở lại Việt Nam, đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam, tình nguyện làm một chiến sĩ "quốc tế - dân tộc"...
Mang cái tên Việt Nam là Minh Ngọc, Nakahara đã giúp Việt Minh lấy súng đạn, quân trang, lương thực của Nhật chuyển tới bộ đội Việt Nam, huấn luyện quân sự cho thanh niên... Cuối năm 1945, đầu năm 1946... anh và các đồng chí người Nhật gặp tướng Nguyễn Sơn và được đưa vào miền Nam công tác. Nakahara được phân công làm đại đội trưởng Trường Lục quân Quảng Ngãi, rồi anh ra Việt Bắc tham gia công tác quân sự, làm phái viên Bộ Tổng tham mưu với chức danh "Tham nghị quân sư".
Nakahara - Minh Ngọc về nước năm 1954. Năm 1955, cùng với các bạn Nhật, Nakahara - Minh Ngọc tổ chức Hội Nhật- Việt hữu nghị và Hội Mậu dịch Nhật - Việt. Với vai trò Chủ tịch Hội Mậu dịch Nhật - Việt, Nakahara đã kêu gọi nhân dân Nhật Bản giúp Việt Nam, quyên góp được 12 tàu hàng hóa, mỗi năm thực hiện 2 chuyến chở hàng đến Việt Nam trong thời gian nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước...
Kazumasa – Phan Lai
Ông Igari Kazumasa quê ở thành phố Sendai vùng Đông Bắc Nhật Bản. Vốn là một bác sĩ, ông bị điều động sang Việt Nam phục vụ cho cuộc xâm lược của phát xít Nhật trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, mang quân hàm trung úy.
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam thành công, quân đội Nhật bị Đồng Minh vào giải giáp, quân Pháp núp sau lưng quân Anh đồng minh đã quay lại gây hấn ở Nam Bộ từ ngày 23/9. Cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Minh đã nổ ra ở Nam Bộ, rồi ngày càng lan rộng. Vào thời điểm ấy, Kazumasa cùng một số sĩ quan, binh sĩ người Nhật đã tìm cách bắt liên lạc với Việt Minh, đứng về phía nhân dân Việt Nam cùng chiến đấu chống Pháp.
Khi cùng các đồng đội Việt và Nhật cùng chiến đấu, công tác, ông Kazumasa có tên gọi Việt Nam là Phan Lai. Thực ra, ông lấy họ Phan là từ họ của vợ người Việt - Phan Thị Nguyên. Sau này đứa con trai của họ được đặt tên với họ của bố là Igari và tên Việt Nam mang họ của mẹ - Phan Thế Vọng, cũng còn hàm ý luôn nhắc nhở các con không bao giờ quên Tổ quốc Việt Nam mà ông đã gắn bó như máu thịt.
Từ tháng 10/1945 đến năm 1959, Kazumasa – Phan Lai đã phục vụ cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên nhiều cương vị khác nhau như một thầy giáo huấn luyện quân sự hay chuyên môn, một bác sĩ cứu chữa thương bệnh binh, một "chuyên gia"... Dù ở cương vị nào, Kazumasa đều tận tâm làm việc, vượt mọi khó khăn thiếu thốn, góp sức mình phục vụ cuộc kháng chiến của Việt Nam.
Đến năm 1959, sau gần 15 năm gắn bó với Quân đội nhân dân Việt Nam, ông cùng vợ hồi hương về Nhật Bản. Năm 1960, Kazumasa – Phan Lai được Đảng Cộng sản Nhật giao nhiệm vụ lập Hội Hữu nghị Nhật - Việt và làm hội trưởng. Ông và những người bạn Nhật Bản từng công tác và chiến đấu ở Việt Nam đã rất tích cực trong các hoạt động ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng và trong công cuộc xây dựng lại đất nước…
Những người lính Liên Xô trong hàng ngũ Việt Minh
Theo đài Tiếng Nói Nước Nga, trong cuộc chiến tranh thế giới thứ Hai, khi Đức xâm lược Liên Xô, họ bị Đức quốc xã bắt làm tù binh. Sau khi Đức thua trận, họ lưu lại trên lãnh thổ các quốc gia mà quân Đồng minh gồm Mỹ, Anh và Pháp kiểm soát. Cuộc sống khó khăn buộc họ phải tham gia đội quân lê dương.
Ở Việt Nam, có một người lính lê dương là cựu phi công Biblichenko làm việc tại sân bay Gia Lâm. Ở đó, ông đã chiếm chiếc máy bay quân sự của Pháp và bay sang phe du kích ở tỉnh Yên Bái. Một người Nga khác là Fyodor Bessmernyi đã rời hàng ngũ lê dương với khẩu súng của mình, chạy trốn vào rừng, gặp Tiểu đoàn 307 nổi tiếng và bắt đầu tham gia kháng chiến chống Pháp. Những người đồng đội Việt Nam đặt cho ông cái tên mới là Anh.
Fedor- Anh nói thạo tiếng Việt, vốn là tay gài mìn xuất sắc nên ông đã tham gia vào việc thiết kế và tiến hành các hoạt động chiến thuật. Ông được trao tặng hai huy chương của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiểu đoàn làm mối cho Fedor kết hôn với bà Nguyễn Thị Vinh. Họ có với nhau hai người con và trở về quê hương vào năm 1958. Sau khi ông mất, người vợ và hai con của ông đã về Việt Nam. Sau này, một trong hai người con trai của ông là Nicholai đã quay lại Liên Xô và định cư ở Donetsk, ngày nay thuộc Ukraina.
Trong tiểu đoàn đó, cùng chiến đấu chống Pháp còn có một người lính lê dương khác là Platon Skrzhinskiy. Khi Đức quốc xã xâm lược Liên Xô, người lính trẻ Platon bị bắt làm tù binh. Khi Đức thất bại, ông đang ở trên lãnh thổ do người Pháp kiểm soát. Năm 1946, ông gia nhập lê dương và được gửi đến Việt Nam. Ông phục vụ tại Vĩnh Long và sau đó tại Bến Tre – làm tài xế lái xe tải chở nước cho lính lê dương. Tại trạm bơm, ông đã móc nối liên lạc được với du kích Việt Nam và đào ngũ, sang với Việt Minh trong mùa hè năm đó.
Ông được đặt tên Việt Nam là Thành, đảm nhận nhiệm vụ nhân viên liên lạc, xạ thủ và chỉ huy đội công binh. Tám năm liền ông phục vụ trong lực lượng vũ trang miền Nam. Trong thời gian đó, ông gặp một người con gái Bến Tre tên là Mai và kết hôn với cô năm 1948. Năm sau, họ có một con gái đặt tên là Janine.
Năm 1955, trước khi Platon quay về Liên Xô, ông được mời đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch đích thân viết thư cho Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, công nhận sự đóng góp của "đồng chí Thành” đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Tại Moskva, Platon Thành làm phiên dịch tiếng Việt ở Ban Việt ngữ Đài phát thanh đối ngoại Moskva, nay là đài phát thanh "Tiếng nói nước Nga". Là người biết tiếng Việt giỏi, hiểu rõ phong tục tập quán của người Việt Nam, ông là cố vấn cho hàng chục chuyên gia Việt Nam học của Liên Xô. Trước khi qua đời vào năm 2003, ông đã có cơ hội một lần nữa sang Việt Nam thăm đồng đội cũ và bà con của người vợ quá cố.
Con gái của Platon Thành là Janine cũng là nhân viên Ban Việt ngữ của Đài phát thanh Moskva và "Tiếng nói nước Nga". Janine cũng đã sang thăm nơi mà bà ra đời và trải qua thời thơ ấu. Hiện nay bà nghỉ hưu và sống ở Moskva cùng với con và cháu. Bà Janine nói: "Suốt cuộc đời mình, cha tôi đã gìn giữ tình yêu và sự tôn trọng đối với đất nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Ông luôn nhớ những người đồng đội ngày xưa, thường xuyên nói chuyện về những năm ông đã trải qua tại đất nước các bạn, cũng là nơi mà ông coi như ngôi nhà của mình. Việt Nam cũng là mảnh đất chôn rau cắt rốn của tôi".
Hoàng Phương (tổng hợp)

Bình luận(0)