Quân Đồng minh bị lừa bằng "quân đội ma" trong CTTG2 thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Trong trận chiến Kiska năm 1943, quân Đồng minh bị lừa bằng "quân đội ma"của phát xít Nhật, khiến 313 binh sĩ tử trận.

Vào mùa Hè năm 1943, quân Đồng minh bị lừa bằng "quân đội ma". Theo đó, lực lượng của Mỹ và Canada đã phát động một cuộc tấn công đổ bộ lên trên đảo Kiska ở phía Bắc Thái Bình Dương nhằm tấn công những đồn lũy bị phát xít Nhật chiếm đóng (trong đó có đảo Kiska và đảo Attu) từ tháng 6/1942.
Chiến dịch quân sự trên của quân đồng minh có tên mã là Cottage và diễn ra vào ngày 15/8/1943. Trước chiến dịch đó, căn cứ của Nhật trên đảo Kiska đã bị quân đồng minh bắn phá, oanh tạc khủng khiếp. Theo đó, Lực lượng Không quân số 11 đã thả tổng cộng 424 tấn bom xuống đảo Kiska trong tháng 7/1943.
Cũng trong tháng 7/1943, một hạm đội tàu chiến của Mỹ đã nã 330 tấn đạn pháo lên trên hòn đảo này. Cuộc tấn công của Mỹ lên đảo Kiska tiếp tục được triển khai trong tháng 8/1943 nhưng bị gián đoạn một thời gian vì diễn biến thời tiết xấu.
Do vậy, trong chiến dịch Cottage, quân đồng minh đã huy động lực lượng gồm 34.426 binh sĩ, trong đó có 5.300 binh lính Canada.
Quan Dong minh bi lua bang
 Quân Đồng minh tổn thất khá nặng khi bị phát xít Nhật đánh lừa bằng "quân đội ma", tấn công vào hòn đảo không có người.
Vào ngày 15/8, Lực lượng Mỹ đã đổ bộ lên trên đảo Kiska. Hôm sau, ngày 16/8, quân đội Canada cũng lên đảo. Trong suốt hai ngày dài, quân đội quân đồng minh đã di chuyển qua những con đường sương mù dày và nghe thấy tiếng súng đạn bắn phá liên tục. Những lời đồn về con số thương vong, các trận đấu súng, lính bắn tỉa của Nhật Bản hoạt động hiệu quả được lan truyền. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng quân Đồng minh đã thực hiện chiến dịch tấn công một hòn đảo không có người ở.
Trong trận chiến đó, Đô đốc Thomas Kinkaid đã nhấn mạnh ​​rằng, đây sẽ là một cuộc "siêu" diễn tập và có ích cho hoạt động huấn luyện. Tuy nhiên, nhận định đó của Đô đốc Thomas nhanh chóng được thực tế chứng minh là sai.
Theo đó, quân đội Mỹ và Canada đã lầm tưởng nhau là kẻ thù nên đã giao chiến với nhau. Hậu quả trong những ngày chiến đấu với quân đội ma của Nhật Bản đó là quân đồng minh tổn thất 313 binh sĩ cũng như làm 121 người khác bị thương và đau ốm. Thêm vào đó, tàu USS Abner Read (DD-526) của quân đồng minh bị trúng phải mìn của quân địch và thiệt hại lớn.
Lần thua đau đớn này của quân đồng minh đã được phát xít Nhật lên kế hoạch từ trước. Theo đó, lính Nhật đã đặt mìn, bom hẹn giờ, làm giả tiếng bom đạn để đánh lừa quân đồng minh...
Toàn bộ lực lượng đồn trú của Nhật Bản gồm 5.183 binh sĩ đã rời khỏi đảo Kiska một cách "thần không biết, quỷ không hay" vào ngày 28/7 - gần 3 tuần trước khi quân đồng minh đổ bộ lên hòn đảo này và thực hiện chiến dịch quân sự trên.
Tâm Anh (theo BI)

Bình luận(0)