Những vụ xả thải độc ra môi trường nước rúng động dư luận

Google News

(Kiến Thức) - Thời gian gần đây, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh bị cho là xả thải độc ra môi trường nước lượng lớn nước cực nóng khiến cá chết.

Theo phản ánh của người dân địa phương, kể từ khi Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh thuộc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đi vào hoạt động, nhà máy này đã lấy nguồn nước sông vào làm mát hệ thống máy sau đó lại xả ra môi trường nguồn nước thải quá nóng ra sông Diễn Vọng. Hậu quả là hệ sinh thái trên sông Diễn Vọng bị hủy diệt, cụ thể là cá chết. Điều này đã gây khó khăn cho người dân làm nghề chài lưới.
Người dân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cá chết trên sông Diễn Vọng là do nước xả quá nóng và có nhiều chất lạ. Từ đó, tôm cá mà người dân đánh bắt được ít dần. Thậm chí, nếu có đánh bắt được thì cũng trong tình trạng mềm nhũn giống như bị luộc chín. Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi các ban ngành có liên quan để kiểm tra, xác minh thông tin mà người dân phản ánh để từ đó có biện pháp khắc phục cũng như xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường (nếu có).
Trước khi xảy ra vụ việc này, trên thế giới đã xảy ra không ít vụ xả thải độc ra môi trường nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Xả nước thải chứa thủy ngân ra vịnh Minamata
Nhung vu xa thai doc ra moi truong nuoc rung dong du luan
 Nhà máy hóa chất Chisso gây ra thảm họa môi trường tồi tệ ở Nhật Bản.
Trong thời gian từ năm 1932 - 1968, nhà máy hóa chất Chisso xả trực tiếp nước thải chứa thủy ngân chưa qua xử lý ra vịnh Minamata và biển Shiranui. Vụ việc đã gây ra thảm họa môi trường tồi tệ trong lịch sử Nhật Bản.
Cụ thể, người dân và động vật ăn hải sản ở vùng vịnh Minamata và biển Shiranui bị nhiễm độc thủy ngân. Căn bệnh này sau đó được gọi là bệnh Minamata - nơi xuất phát chứng bệnh nguy hiểm. Những người mắc phải căn bệnh Minamata có những biểu hiện như co giật, chân tay co quắp, không nói năng được. Những sản phụ ăn hải sản nhiễm độc thủy ngân khiến thai nhi sinh ra bị dị dạng.
Theo thống kê, khoảng 2.000 người chết, 10.000 người bị ảnh hưởng bởi vụ xả thải thủy ngân của nhà máy hóa chất Chisso. Không chỉ con người, động vật ăn hải sản nhiễm độc thủy ngân cũng chết. Thêm vào đó, nhiều cá biển và các loại hải sản chết trắng.
Sau khi bị kết luận gây ra thảm họa môi trường kinh hoàng trên vào năm 1968, nhà máy hóa chất Chisso đã bồi thường 86 triệu USD cho các nạn nhân vào năm 2004. Cho đến nay, hậu quả của thảm họa môi trường này vẫn còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân Nhật Bản.
Vụ xả nước thải độc hại của tập đoàn Guide
Nhung vu xa thai doc ra moi truong nuoc rung dong du luan-Hinh-2
 Nhà máy sản xuất đèn ôtô của tập đoàn Guide xả nước thải độc hại khiến cá chết trắng sông White.
Tháng tháng 12/1999, nhà máy sản xuất đèn ôtô của tập đoàn Guide tại Anderson đã gây ra vụ ô nhiễm nghiêm trọng trên sông White, bang Indiana, Mỹ. Theo báo cáo điều tra, công ty này đã xả thải khoảng 1,6 triệu gallon (hơn 6 triệu lít) nước thải có chứa nồng độ độc hại chất dimethyldithiocarbamate, các thành phần hoạt chất của hợp chất xử lý nước thải HMP-2000, cũng như các sản phẩm phân hủy như carbon disulfide ra sông White. Hậu quả là hơn 180 tấn cá chết hàng loạt trên sông White.
Đến ngày 18/6/2001, tập đoàn Guide đã thừa nhận xả nước thải độc hại ra sông White cũng như đồng ý chi trả hơn 13,9 triệu USD gồm tiền phạt, chi phí pháp lý và chi phí xử lý môi trường.
Vụ xả thủy ngân ra môi trường ở Trung Quốc
Nhung vu xa thai doc ra moi truong nuoc rung dong du luan-Hinh-3
 Sông Tùng Hoa bị ô nhiễm nghiêm trọng sau khi công ty hóa chất công nghiệp Cát Lâm xả thải thủy ngân và methylmercury.
Theo một báo cáo nghiên cứu, công ty hóa chất công nghiệp Cát Lâm (nay là Công ty dầu khí Cát Lâm) đã xả thải ra môi trường 114 tấn thủy ngân và 5,4 tấn methylmercury vào sông Tùng Hoa trong giai đoạn từ năm 1958 - 1982.
Năm 1965, những trường hợp nhiễm bệnh do nhiễm độc thủy ngân đầu tiên được báo cáo. Tuy nhiên, phải đến năm 1976, chính quyền Trung Quốc mới thừa nhận có người nhiễm bệnh Minamata - căn bệnh giống của Nhật Bản do nhiễm độc thủy ngân.
Sau đó, công ty hóa chất công nghiệp Cát Lâm đã thực hiện làm sạch ô nhiễm môi trường nước ở sông Tùng Hoa trong 3 năm cũng như bồi thường cho các nạn nhân gần 4 triệu NDT (khoảng 2,56 triệu USD - tính theo tỷ giá năm 1979).
Tâm Anh (tổng hợp)

Bình luận(0)