Mối tình Lâm Bưu và con gái nuôi của Chu Ân Lai

Google News

Ít người biết rằng, trước khi có cuộc hôn nhân thứ hai, Lâm Bưu đã có một cuộc tình khác khiến ông ta phải vật vã và đau đớn.

Sau khi chuyện tình của Lâm Bưu được tiết lộ, nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng: Nếu như lúc đó, Tôn Duy Thế đồng ý với Lâm Bưu, rời Matxcova về nước thì liệu nửa cuộc đời còn lại của Lâm Bưu có được viết lại hay không?
Trong cuộc đời mình, Lâm Bưu có hai lần kết hôn, một lần là với Trương Mai và một lần với Diệp Quần. Hai cuộc hôn nhân của Lâm Bưu gần như nối liền với nhau, vì thế, ít người biết rằng, trước khi có cuộc hôn nhân thứ hai, Lâm Bưu đã có một cuộc tình khác, cuộc tình đã khiến vị nguyên soái của quân đội Trung Quốc phải vật vã và đau đớn. Điều quan trọng hơn, đối tượng lọt vào mắt xanh của nguyên soái họ Lâm lại chính là con gái nuôi của Phó chủ tịch Trung Quốc Chu Ân Lai, người đồng chí của Lâm…
Lâm Bưu là một người rất nặng tư tưởng phụ quyền. Thường ngày, họ Lâm thích yên tĩnh, không hút thuốc, không uống rượu, ít xã giao, không nhảy nhót cũng không tham gia bất cứ hình thức tụ họp nào. Gần như cả ngày, Lâm Bưu ở lỳ trong nhà, đọc sách, trầm tư mặc tưởng, ăn cơm rồi ngủ.
Mọi việc cứ lặp đi lặp lại đều đặn như vậy trước sau chẳng có gì thay đổi. Thú vui duy nhất của Lâm Bưu có lẽ là đi vòng vòng quanh chiếc bàn lớn để nghiên cứu bản đồ.
Thích một cuộc sống yên tĩnh và có quy luật, Lâm Bưu cũng muốn vợ mình phải sống như vậy. Theo quan niệm của họ Lâm, đức tính cơ bản của một người phụ nữ lý tưởng là dịu dàng và biết nghe lời vì thế, khi còn chung sống với vợ cả là Trương Mai, Lâm Bưu yêu cầu Trương thị không được kết bạn bừa bãi, cũng không được ra ngoài nói lung tung, không được tham gia bất cứ hoạt động chính trị nào, chỉ cần ở trong nhà làm tốt việc nội trợ, cùng với Lâm Bưu đọc sách tản bộ là được.
Tuy nhiên, Trương Mai vốn tính hiếu động, cá tính rất mạnh, do vậy không thể chịu đựng được sự trói buộc ấy của Lâm Bưu. Chung sống với Lâm Bưu, Trương Mai cảm thấy rất áp lực, cô đơn, chẳng có gì thú vị, ngược lại giống như hai cái xác chết biết đi vậy.
Vì thế, Lâm Bưu càng cấm đoán cô ra ngoài, cô càng tìm cách ra ngoài nhiều, Lâm Bưu càng cấm cô kết bạn, cô càng muốn kết bạn hơn, thậm chí kết càng nhiều bạn càng tốt… Cũng vì thế, mối quan hệ giữa Lâm Bưu và Trương Mai ngày càng trở nên căng thẳng, về sau trở thành như nước với lửa, thậm chí, cả tuần vợ chồng chẳng gặp mặt nhau, cuối tuần mỗi người cũng một nơi.
 Tôn Duy Thế (giữa) tại Matxcova.
Cuộc sống lạnh nhạt giữa hai vợ chồng khiến một người quen sống trong tĩnh lặng như Lâm Bưu cũng cảm thấy lạnh lẽo. Đúng lúc ấy thì một thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng bắt đầu gây được sự chú ý của Lâm Bưu. Cô gái ấy chính là Tôn Duy Thế.
Trong những năm cuối của cuộc nội chiến, có một số lớn các lãnh đạo trọng yếu cũng như đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị truy nã và giết hại. Người nhà của họ vì thế rơi vào cảnh ly tán, có người tìm được chốn nương nhờ, có người kém may mắn hơn phải bỏ đi biệt xứ, thậm chí là bị bắt giam vào ngục.
Sau khi cuộc nội chiến kết thúc, để ghi nhớ công ơn của những người đồng chí đã hy sinh, Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định tìm kiếm con cái của họ để giúp đỡ rồi tìm cách đưa chúng sang học tập tại Liên Xô, những mong chúng sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.
Lúc bấy giờ, con cái của những lãnh đạo trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và những người đã hy sinh có Cù Độc Y, con gái của Cù Thu Bạch, Thái Truyện, con trai của Thái Hòa Sâm, Mao Ngạn Anh và Mao Ngạn Thanh, con trai của Mao Trạch Đông, Chu Mẫn, con gái của Chu Đức, Lâm Lợi, con gái của Lâm Bá Lương,… Tôn Duy Thế cũng là con gái của một lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hy sinh.
Cha của Duy Thế là Tôn Bính Văn, một người bạn thân của Chu Ân Lai, một trong những đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc vào thời kỳ đầu. Tôn Bính Văn bị quân Quốc dân Đảng giết chết vào năm 1927.
Lúc Tôn Bính Văn qua đời, Tôn Duy Thế mới chỉ 6 tuổi. Mẹ cô đã cắn răng chịu đủ mọi khổ nhọc, nhục nhã để nuôi cô thành người. Sau đó, Tôn Duy Thế được Chu Ân Lai đón tới Diên An, đưa vào học tại Đại học Quân chính chống Nhật.
Tới năm 1939, sau khi vợ chồng Lâm Bưu tới Liên Xô không lâu, theo sự điều động của trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tôn Duy Thế cũng lên đường tới Matxcova. Tại đây, Tôn Duy Thế theo học ngành đạo diễn nghệ thuật tại Đại học Trung Sơn và Học viện Kịch nghệ Matxcova.
Tôn Duy Thế rất xinh đẹp lại có sự nho nhã, dịu dàng của một cô gái có học, lại thêm đa tài đa nghệ, tính cách rất riêng, có thể nói là một cô gái dễ khiến người khác phải thích thú.
Lúc bấy giờ, Tôn Duy Thế, Cù Độc Y, Mao Ngạn Anh thường hay tụ tập nhau vào cuối tuần ăn cơm, vui chơi. Sau đó, khi biết tin Lâm Bưu đang ở Matxcova, họ đã tới mời Lâm Bưu tới tham dự, hy vọng có thể được nghe vị nguyên soái nói về lịch sử của mình cũng như những giai thoại thú vị giữa các vị lãnh tụ đảng.
Trước đây, Lâm Bưu vốn không thích thú qua lại với những người trẻ, cho rằng họ quá đơn giản, ấu trĩ, không có tiếng nói chung với mình. Tuy nhiên, kể từ khi chú ý tới Tôn Duy Thế, thái độ của Lâm Bưu trở nên khác hẳn.
Họ Lâm bắt đầu quan tâm và có cảm tình với hoạt động gặp gỡ của những người thanh niên ở Liên Xô. Sự thay đổi này của vị nguyên soái họ Lâm khiến những người thanh niên như Mao Ngạn Anh và Tôn Duy Thế nhảy cẫng lên vì sung sướng.
Mỗi lần có người tới mời Lâm Bưu tới tham gia hoạt động cùng, họ Lâm lại ôn tồn hỏi: “Mọi người đều đi cả chứ?”. “Đi cả, không thiếu một ai”, người tới mời còn cẩn thận điểm tên từng người một rồi thành khẩn nói thêm: “Mọi người đều hy vọng chú có thể tham gia cùng”. “Được rồi, nếu như mọi người đều đi cả thì tôi cũng đi”, Lâm Bưu nhanh chóng đồng ý.
Nhưng nếu như khi người tới mời điểm danh, nói rằng Tôn Duy Thế có việc gì bận không thể tham gia, trên mặt Lâm Bưu thoáng qua một nét thất vọng rồi mệt nhọc trả lời: “Hôm nay tôi không khỏe trong người, tôi không đi được đâu”.
Lâu dần, mọi người bắt đầu phát hiện ra rằng, việc Lâm Bưu tham gia hoạt động chủ yếu là vì sự có mặt của Tôn Duy thế. Vì thế, mỗi lần họ muốn tổ chức hoạt động gì có mặt Lâm Bưu đều phải cố mời bằng được Tôn Duy Thế.
Lâm Bưu là một người có khả năng kiềm chế bản thân rất tốt. Vì thế, họ Lâm luôn hy vọng rằng, Tôn Duy Thế có thể cảm nhận thấy dụng tâm và ý đồ của mình, từ đó mà chủ động tiến đến.
Trong các buổi hội họp, Lâm Bưu tiếp xúc với mọi người rất bình đẳng, ngay cả Tôn Duy Thế cũng không ngoại lệ, nhất quyết không để lộ tình ý của mình. Lúc bấy giờ những người Trung Quốc trẻ tuổi ở Matxcova đều bàn tán rằng, Lâm Bưu yêu đương mà như đánh trận, vô cùng thận trọng, phải nắm chắc một trăm phần trăm phần thắng mới chịu.
Với chiến thuật này, có nhiều người tán thành, cho rằng đó là một chiến thuật thông minh. Tuy nhiên, cũng có người phản đối, cho rằng, Lâm Bưu dám yêu mà không dám nói, không có khí phách của một bậc nam nhi.
Cho tới buổi chiều một ngày chủ nhật, Lâm Bưu cho rằng, cơ hội đã chín muồi, bèn mời Tôn Duy Thế tới ăn cơm. Sau khi ăn cơm, hai người cùng ra ngoài phố tản bộ và nói chuyện. Lâm Bưu liếc nhìn Tôn Duy Thế rồi chậm rãi nói:
“Duy Thế, cháu bao nhiêu tuổi rồi?” “Cháu sinh vào năm Dân quốc thứ 11, chú nói cháu bao nhiêu tuổi?”, Tôn Duy Thế tinh nghịch hỏi lại. “Năm Dân quốc thứ 11 tức là năm 1922”, Lâm Bưu dừng lại một lúc, đi một đoạn đường sau mới đột nhiên nói: “Vừa đúng 14 tuổi”. “Mười bốn? Không, chú tính sai rồi, đã gần 20 rồi”, Tôn Duy Thế vội vã đính chính.
Lâm Bưu giật mình, ý thức được sự lỡ lời của mình bèn giải thích: “À, chú đang tính xem chú lớn hơn cháu bao nhiêu tuổi. Năm nay cháu 20, chú đã 34, chẳng phải là hơn cháu vừa đúng 14 tuổi hay sao?” “Chú mà mới chỉ 34 tuổi à?”, Tôn Duy Thế cố ý thể hiện rằng mình đang rất ngạc nhiên về số tuổi của Lâm Bưu. “Cháu có ý gì?”, Lâm Bưu hỏi. “Quá trẻ!”, Tôn Duy Thế nhấn mạnh vào từ trẻ, rồi tiếp:
“Nhìn vẻ mặt nghiêm túc của chú, cháu cứ nghĩ chú đã 54 tuổi rồi cơ”. “Đó là tính cách, cháu biết chưa? Tính cách một khi đã hình thành rồi thì rất khó thay đổi. Vì thế mới có câu, giang sơn dễ đổi mà bản tính khó dời”.
Đi thêm vài bước, Lâm Bưu chuyển hướng câu chuyện: “Cháu có nhớ nhà không?” “Nhà? Cháu không có nhà”, sau khi mẹ ruột qua đời, Tôn Duy Thế sống một mình, nay Lâm Bưu bỗng nhiên nhắc tới điều đó khiến Tôn Duy Thế không khỏi cảm thấy bồi hồi, bất giác, cô ngước mắt nhìn Lâm Bưu.
Lâm Bưu vội vàng nói: “Đúng, hiện tại cháu không có nhưng một người không thể sống mà không có nhà, như vậy quá cô độc, đặc biệt là với một cô gái, càng nên có một gia đình ấm áp”. “Không có gia đình nhỏ nhưng đã có gia đình lớn rồi”, bản tính vốn lạc quan yêu đời, Tôn Duy Thế nhanh nhảu đáp.
“Gia đình Phó chủ tịch Chu (Chu Ân Lai) chính là gia đình của cháu, Diên An chính là nhà của cháu, đội ngũ cách mạng chính là nhà của cháu, nơi đây cũng chính là nhà của cháu”.
Lâm Bưu nghe Tôn Duy thế nói hai chữ “nơi đây”, trên mặt đã lộ rõ vẻ sung sướng, phấn chấn nói: “Đúng, đúng, cháu nên coi chỗ của chú là nhà của mình”. “Không, là cháu nói Học viện Kịch nghệ Matxcova. Đó chính là nhà hiện tại của cháu”, Tôn Duy Thế lại đính chính.
Câu đính chính rất nhỏ đó của Tôn Duy Thế khiến Lâm Bưu không vui. Tuy nhiên, Lâm Bưu rất nhanh kiềm chế lại được. Trầm ngâm một lúc, Lâm Bưu mới đi thẳng vào vấn đề, hỏi: “Ở trong nước, cháu đã có bạn trai chưa?” Tôn Duy Thế rất nhanh lắc đầu.
“Vậy còn ở nước ngoài? Ở Matxcova cháu có bạn trai chưa?”, Lâm Bưu hỏi thêm. Tôn Duy Thế cười và vẫn tiếp tục lắc đầu. “Vậy cháu định khi nào sẽ kết hôn?”, Lâm Bưu quyết định “ra đòn” quyết định. “Không có bạn trai làm sao mà kết hôn ạ?” Tôn Duy Thế hỏi lại, cô cảm thấy câu hỏi của Lâm Bưu thật là kỳ quặc.
“Chuyện bạn trai ấy mà, lúc nào có chẳng được. Kỳ thực, hiện tại xung quanh cháu không ít người quan tâm, yêu thương cháu, chỉ là cháu chưa để ý hoặc chưa phát hiện ra mà thôi. Vậy khi nào cháu sẽ nghĩ tới chuyện gia đình”, Lâm Bưu lại hỏi lại một lần nữa.
“Lúc nào?”, Tôn Duy Thế cười lớn nói: “Cháu vẫn chưa suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này”. Lâm Bưu cố gắng dùng giọng nhẹ nhàng nhất có thể nói: “Cách mạng là một gia đình lớn tuy nhiên, vẫn cần có một gia đình nhỏ. Các đồng chí nữ vẫn cần phải yêu đương, kết hôn, có gia đình mới có được cảm giác an toàn. Đó mới chính là hạnh phúc thuộc về bản thân mình”.
“Có lẽ tương lai cháu cũng sẽ như thế”, Tôn Duy Thế đáp. “Tương lai là bao giờ?”, Lâm Bưu lại hỏi. “Đợi khi cách mạng thắng lợi”, Tôn Duy Thế đáp. “Thế đợi tới khi nào? Mao Chủ tịch chẳng phải đã từng nói, cuộc chiến tranh chống Nhật là một cuộc chiến lâu dài hay sao? Đánh bại quân Nhật vẫn còn quân Tưởng Giới Thạch. Đợi tới lúc thắng lợi thì cháu đã biến thành một bà lão rồi”.
“Bà lão thì làm bà lão chứ sao”, Tôn Duy Thế nghĩ tới việc mình biến thành một bà lão lưng còng, lại cười lớn. Lúc này, Tôn Duy Thế phát hiện bộ mặt của Lâm Bưu càng ngày càng trở nên khó chịu, sợ làm phật ý họ Lâm nên vội vàng bổ sung một câu: “Cháu nghĩ, cách mạng của Trung Quốc sẽ sớm thành công thôi”.
Mải nói chuyện, chẳng mấy chốc, hai người đã tới trước cửa ký túc xá của Tôn Duy Thế. Đã tới lúc phải chia tay mà vẫn chưa nói ra được câu mình muốn nói, Lâm Bưu có vẻ sốt ruột. Cuối cùng, “vị nguyên soái” trẻ tuổi quyết định đánh bài ngửa.
Lâm Bưu đứng thẳng, nhìn thẳng vào mặt Tôn Duy Thế nói từng chữ từng câu: “Em biết không? Anh thích em, rất thích. Được kết hôn với em, chung sống cùng em là nguyện vọng lớn nhất của anh”.
Lâm Bưu quyết định nói thẳng khiến Tôn Duy Thế không khỏi kinh ngạc. Một vị nguyên soái được cả giới trẻ Trung Quốc coi là anh hùng, trước đây thái độ lúc nào cũng rất nghiêm túc, sao hôm nay lại có thể nói ra những lời này?
Tôn Duy Thế không ngờ Lâm Bưu có thể nói như vậy, mặt đỏ ửng, tim đập loạn lên. Phải một lúc sau, Tôn Duy Thế mới lấy lại được bình tĩnh hỏi lại: “Chú? Chẳng phải chú đã kết hôn rồi hay sao?” Mặt Lâm Bưu lúc này cũng đã đỏ ửng lên. Tôn Duy Thế và Trương Mai, vợ cả của Lâm Bưu rất thân với nhau.
“Anh và Trương Mai? Em không biết đấy thôi, anh và cô ấy không hợp nhau, quan hệ vợ chồng trước này chẳng tốt đẹp gì. Anh rất đau khổ… ”. Lâm Bưu giải thích với Tôn Duy Thế về cuộc hôn nhân bất hạnh của mình rồi nói:
“Tình cảm giữa anh và Trương Mai đã đi vào ngõ cụt, không thể cứu vãn được nữa. Anh rất buồn. Anh và cô ấy sắp ly hôn rồi vì thế, anh hy vọng rằng em có thể hiểu anh, ủng hộ và giúp đỡ anh”.
Tôn Duy Thế cảm thấy rất khó xử, chẳng biết phải ứng xử ra sao, đành ứng phó vài câu lấy lệ rồi vội vã chạy vào trong ký túc xá. Tới tháng 1/1942, Lâm Bưu và Trương Mai chính thức chia tay. Trương Mai ở lại Matxcova làm việc.
Sau đó ít lâu, Lâm Bưu nhận được điện của trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc giục Lâm Bưu trở về nước để tham gia cuộc chiến chống Nhật. Trước khi về nước, Lâm Bưu lại tới tìm Tôn Duy Thế để tạm biệt.
Sau khi ăn cơm, hai người cùng ra bờ sông tản bộ. Lòng sông tối đen như mực, lặng lẽ đưa những tảng băng trên mặt sông về phía xa.
Đi cùng nhau một đoạn, Lâm Bưu giọng đầy thương cảm nói với Tôn Duy Thế: “Mấy ngày nữa là anh về nước rồi”. “Cháu hy vọng sớm được nghe tin chiến thắng của chú, một chiến thắng rực rỡ hơn cả trước kia”, Tôn Duy Thế thành thật nói.
“Anh nhất định không phụ sự kỳ vọng của em”, Lâm Bưu cười một cách miễn cưỡng: “Tuy nhiên, những gì mà anh mong đợi ở em, em vẫn chưa trả lời anh”. “Sự kỳ vọng của chú?”, Tôn Duy Thế có vẻ miễn cưỡng đáp lời.
“Em còn nhớ lần nói chuyện trước của chúng ta chứ? Hiện tại, anh và Trương Mai đã chia tay, anh cũng đã quyết định, sau này không phải là em thì anh sẽ không lấy ai khác! Em chính là cô gái hoàn mỹ nhất trong cuộc đời mà anh đã gặp. Em hãy về nước cùng với anh… ”
Tôn Duy Thế không ngờ một tướng lĩnh quân đội trải qua nhiều chiến trận như Lâm Bưu lại cũng là một người quá háo thắng trên tình trường. Trước khi gặp Lâm Bưu lần này, Tôn Duy Thế biết rằng, Lâm Bưu sẽ nhắc lại chuyện tình cảm một lần nữa, vì thế đã có chuẩn bị từ trước.
Để tránh làm tổn thương lòng tự trọng của Lâm Bưu, Tôn Duy Thế đã khéo léo từ chối, nói: “Thật đáng tiếc, cháu không thể cùng với chú về nước được. Hiện tại cháu đang học khoa đạo diễn, vẫn còn chưa tốt nghiệp”.
“Học hay không học, tốt nghiệp hay không tốt nghiệp thì có quan hệ gì? Nếu như sau này em sống cùng với anh thì không cần phải diễn kịch nữa, hãy làm trợ lý cho anh!”, Lâm Bưu có vẻ nôn nóng và bực tức.
“Như vậy không được. Cháu tới Liên Xô là được Mao Chủ tịch phê chuẩn. Học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất của cháu hiện nay. Nếu như cháu bỏ dở giữa chừng thì khi về nước cháu sẽ giải thích thế nào đây?”
Không thuyết phục được Tôn Duy Thế, tháng 2/1942, Lâm Bưu mang theo nỗi thất vọng, một mình trở về Diên An. Mối tình đơn phương của nguyên soái Lâm Bưu với con gái nuôi của Chu Ân Lai cũng kết thúc tại đây.
Sau đó, chuyện tình này được Lâm Bưu giữ bí mật tuyệt đối. Sau khi mọi chuyện được tiết lộ, nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng: Nếu như lúc đó, Tôn Duy Thế đồng ý kết hợp với Lâm Bưu, rời Matxcova cùng Lâm Bưu về nước thì liệu nửa cuộc đời còn lại của Lâm Bưu có được viết lại hay không?
Tuy nhiên, lịch sử vốn không dành cho những giả thuyết, Lâm Bưu cũng chẳng phải là kẻ tài tử nặng tình nặng nghĩa gì. Trong thời gian của cuộc Cách mạng Văn hóa, Tôn Duy Thế đã bị tập đoàn phản động của Lâm Bưu và Giang Thanh đánh cho tới chết.
Theo Phong Nguyệt/Phunutoday

Bình luận(0)