Lý giải chuyện cách con sông, khác âm ngữ

Google News

(Kiến Thức) - Ở nhiều địa phương trong cả nước, đôi khi ranh giới chỉ cách nhau đúng một con kênh, ngọn núi nhưng giọng nói đã có sự khác biệt. 


“Ngôn ngữ như cơ thể”
Trong số rất nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến sự khác biệt về giọng nói vùng miền, có một câu hỏi gây sự chú ý đặc biệt đối với các nhà khoa học và nhiều người dân Việt Nam, đó là tại sao nhiều địa phương chỉ cách nhau một con kênh, ngọn núi... mà giọng nói đã khác nhau đến lạ thường? Điều gì đã xảy ra với các phương ngữ vậy?
Theo kiến giải của PGS.TS Phạm Văn Hảo, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thì để trả lời câu hỏi này phải dựa trên 2 nguyên nhân cơ bản. Đó là nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài. Về nguyên nhân bên trong, đó là ngôn ngữ luôn luôn vận động phát triển như một cơ thể sống, nó có đời sống riêng và không phụ thuộc vào con người cụ thể nào. 
Dưới tác động của các điều kiện địa lý đã tạo cho ngôn ngữ phát triển không giống nhau. Điều này người ta có thể thấy thông qua quan sát các địa phương khác nhau thì có phương ngữ khác nhau, như vùng Nghệ An, Thanh Hóa chỉ cách nhau một con sông, một quả núi mà giọng nói đã khác nhau. Nếu nhìn rộng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì thấy hiện nay có tới 6.000 tiếng nói khác nhau, nhưng cộng đồng 100% nói thống nhất một tiếng nói chỉ dừng lại ở phạm vi làng, bản hoặc trong các công xã khép kín phương Đông. 
Trong hơn 25 năm nghiên cứu ngữ âm học, PGS.TS Phạm Văn Hảo đã chỉ ra những hiện tượng đặc biệt của tiếng địa phương. Đó là hiện tượng các đường đồng ngữ chạy theo ranh giới giữa các tỉnh thành, chẳng hạn như Thanh Hóa – Ninh Bình... Đặc điểm tiếng nói của cư dân ở những đường đồng ngữ này có nhiều điểm tương đồng. Ví dụ như người dân Ninh Bình có chất giọng gần giống người Thanh Hóa và ngược lại. Hiện tượng này cũng được phát hiện ở nhiều nơi như Nghệ An – Thanh Hóa, Thái Bình – Nam Định... 
Khu vực Nghệ An – Thanh Hóa cũng có hiện tượng đồng ngữ xuất hiện ở phía Tây, vùng dân tộc Thổ sinh sống giữa Nghệ An, Thanh Hóa. Sau khi nghiên cứu kỹ những vùng này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những thanh điệu được cho là tương đối giống nhau trong tiếng nói giữa hai vùng, nhưng vẫn có một số khác biệt mang đặc trưng của tiếng nói Nghệ An, Thanh Hóa. Những đường đồng ngữ này bị ảnh hưởng bởi vị trí địa lý và điều kiện tự  nhiên của mỗi vùng. Đây chính là nguyên nhân bên ngoài để giải thích tại sao người dân chỉ sinh sống cách nhau một con sông, ngọn núi mà giọng nói đã có sự khác biệt.
Ở nguyên nhân bên ngoài của hiện tượng này theo ông Hảo thì nó còn bị chi phối bởi các đơn vị hành chính khép kín mà Các Mác gọi đó là Công xã phương Đông khép kín. Từ trước tới nay, chỉ duy nhất cộng đồng này nói thống nhất một tiếng với nhau. Đây là cộng đồng đóng vai trò lưu giữ tiếng nói vững chắc nhất. 
 Ảnh minh họa.
Chửi cha không bằng pha tiếng
Trong số những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt tiếng nói giữa các địa phương như đã kể trên, PGS.TS Phạm Văn Hảo còn đưa ra một hiện tượng khá thú vị, đó là quan niệm “chửi cha không bằng pha tiếng”: “Tôi là người ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Nếu về quê thì tôi sẽ nói tiếng ở quê với chất giọng mà người nghe thấy nằng nặng, nếu không nói tiếng quê thì hàng xóm, các cụ lại châm biếm, mỉa mai là mất gốc, đi ra phố thị có mấy ngày mà quên cả giọng nói tổ tông. Nhưng khi ra Hà Nội tôi lại nói tiếng Hà Nội chuẩn là để thuận lợi trong giao tiếp và công việc”.
Hiện tượng này cũng diễn ra ở nhiều nơi khác, mà điển hình là vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhiều cư dân vùng này khi đi học, đi làm ở Hà Nội, TPHCM... đã sử dụng cùng lúc hai tiếng nói, đó là tiếng Hà Nội và Nghệ An. Người Nghệ An mặc dù nói tiếng Hà Nội trong các quan hệ công việc, làm ăn với cư dân Bắc bộ, nhưng khi gặp người đồng hương thì họ lại “bắt sóng” rất nhanh và quay sang nói chuyện với nhau bằng tiếng Nghệ An. 
Theo PGS.TS Đoàn Văn Phúc, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thì việc khác biệt tiếng nói vùng miền đôi khi còn do hiện tượng kỵ húy. Chẳng hạn như cư dân từ Thừa Thiên - Huế trở vào trước đây không có người tên là Phúc vì trùng với tên một vị vua triều Nguyễn. Để không phạm húy, người dân vùng này đã thay tên Phúc bằng Phước. Hay một hiện tượng khác đó là ở làng Đồng Tỉnh, xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, Thái Bình người dân không gọi quang gánh là “quang gánh” mà phải gọi là “quăng gánh” để tránh phạm húy với một vị tổ làng tên Quang...
“Ngôn ngữ có quy luật biến đổi riêng để thích nghi với hoàn cảnh trong từng giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, ngôn ngữ lại có tính võ đoán, có nghĩa là tính không thể lý giải. Ví dụ như từ “ghế” chúng ta không biết tại sao gọi cái ghế là “ghế” nhưng nếu nói từ “ghế tựa”, “ghế bành”... thì có thể giải thích được dựa vào đặc điểm riêng của từng loại. Hoặc chữ “người” thì không giải thích được tại sao lại có tên gọi là người, nhưng nếu nói là người da đen, người da trắng... thì có thể giải thích được. Như vậy, bản thân chữ “ghế” chữ “người” thuộc về tính võ đoán của ngôn ngữ”. 
PGS.TS Đoàn Văn Phúc 
Quách Dương

Bình luận(0)