“Kho báu” của quân khăn vàng ở Việt Nam bị đánh cắp?(2)

Google News

(Kiến Thức) - Từ trước Tết đến nay, người dân Khỏn Sình chưa nguôi giận trước việc một công ty bí mật đào một hố sâu hơn 5m để đánh cắp kho báu của làng. 

Đã có người đào được vàng

Ông Lục Minh Hóong, người trông coi miếu Thổ Công kể lại: "Khoảng năm 1952 - 1953 có một người bộ đội đào được một chum vàng trong lúc đào hầm trú ẩn ở bờ sông Kỳ Cùng, ngay trước miếu Thổ Công. Khi đào được, anh bộ đội này đã không đem theo người mà đem cả chum vàng chôn lại gần một bụi tre để đánh dấu cho dễ nhớ. Sau đó ít lâu, đơn vị của người bộ đội được điều động vào miền Nam đánh Mỹ. Trước lúc hi sinh, người bộ đội này đã viết một bức thư về cho gia đình, trong thư anh đã vẽ sơ đồ nơi anh chôn chum vàng, dấu hiệu nhận biết... Khi hòa bình lập lại, gia đình của người chiến binh này đã tìm đến miếu Thổ Công và đào được chum vàng mà anh bộ đội chôn giấu".

Ngoài ông Hóong, ông Khanh cũng là người đã chứng kiến sự việc gia đình người bộ đội đào được vàng cách đây mấy chục năm. Ông Khanh bảo: "Lúc đó chúng tôi thấy trong chum có những vật trang sức bằng vàng như vòng tay, dây chuyền vàng... Ngoài vàng ra còn có cả những đồng tiền bằng bạc được để trong chum. Khi đào được chum vàng, gia đình người bộ đội đó đã đem cả chum vàng về mà không biếu lại cho làng tí của cải nào".

Mặc dù đã có người đào được một chum vàng, nhưng người dân làng Khỏn Sình tin rằng, đó chỉ là phần rơi vãi của kho báu xung quanh miếu Thổ Công và dân làng không ngừng bảo vệ, tìm kiếm kho báu suốt mấy chục năm ròng.

Bãi đất trồng cây của Công ty Phương Trưởng. 

Đào miếu, đánh cắp kho báu?

Khi tiếp xúc với chúng tôi, những người dân làng Khỏn Sình bày tỏ sự giận giữ trước việc Công ty Cổ phần Phương Trưởng đã đào một cái hố sâu chừng 5m bán kính khoảng 2m vào chân miếu Thổ Công. 

Anh Trần Đức Nguyên, người dân làng Khỏn Sình dẫn chúng tôi đến cái hố mà nhiều người cho rằng, đó chính là nơi chứa cổ vật quý. Hố nằm ở vị trí phía dưới so với miếu Thổ Công, cạnh một bụi tre rậm rạp. Cửa hố cao bằng vai người, ăn sâu xuống lòng đất, hướng về phía miếu Thổ Công. 

Được sự chỉ dẫn của anh Nguyên, chúng tôi tìm đường chui xuống dưới. Một bên sườn hố được đào những bậc thang để lên xuống được dễ dàng. Ở vị trí cách mặt đất khoảng 1m có một nhánh hầm nhỏ hướng ra phía sông Kỳ Cùng, đi sâu xuống vài mét nữa tiếp tục có một nhánh hầm khác sâu gần 2m chạy dọc theo bờ rào miếu Thổ Công, phía đáy của hố là một phiến đá lớn.

Theo người dân làng Khỏn Sình thì năm ngoái, Công ty Phương Trưởng đã thuê đất của người dân ở khu vực bãi bồi ven sông Kỳ Cùng đoạn xung quanh miếu Thổ Công để trồng cây. Đến tháng 11/2012, công ty này bắt đầu đem máy móc và công nhân đến để đào hố trồng cây. Tuy nhiên, việc trồng cây chỉ là phụ, còn đào cổ vật mới là chính. Sau khi đào xong cổ vật người của Công ty Phương Trưởng cũng "bặt vô âm tín" để lại bãi đất với vài cây trồng dở.

Anh Nguyên kể lại: "Lúc Công ty Phương Trưởng đến trồng cây người dân không có phản ứng gì cả. Nhưng rồi một số hành động của công ty này khiến dân làng nghi ngờ. Đó là việc công ty đã làm một cái lán tạm nép vào bụi tre cạnh miếu Thổ Công. Miếu được che đậy cực kỳ kín đáo bằng lưới thép B40, cọc cốp pha và bảo vệ cẩn mật cả ngày lẫn đêm. Người của công ty này nói lán dùng để xơ dừa với thuốc để bón cây nên rất độc hại vì thế không cho bất kỳ ai vào".

Mâu thuẫn giữa dân làng Khỏn Sình với Công ty Phương Trưởng ngày càng gay gắt khi người dân thấy xuất hiện 3 nhà sư đến miếu Thổ Công để cúng bái. Việc này khiến người dân càng trở nên tức giận vì đi ngược lại với truyền thống của làng từ xưa tới nay, vì thế dân làng đã xua đuổi đám thầy sư và không cho tổ chức cúng bái ở miếu Thổ Công. 

Hố khai quật do Công ty Cổ phần Phương Trưởng đào. 

Phát hiện ra thì đã quá muộn?

Khi phát hiện Công ty Phương Trưởng cho người đào hố cạnh miếu Thổ Công thì người dân quá bức xúc. Dân làng cho rằng họ đang đào bới để đánh cắp kho báu của làng. Để ngăn cản, dân làng Khỏn Sình đã phá lán trại của Công ty Phương Trưởng, ngăn chặn việc đào bới, bảo vệ kho báu dưới miếu Thổ Công. Thế nhưng thực tế thì không ai biết Công ty Phương Trưởng đã đào bởi ở miếu Thổ Công chính xác vào thời gian nào và đã đào được gì chưa?

Theo anh Trần Đức Nguyên thì có lẽ Công ty Phương Trưởng đã đào hố khai quật từ khi mới bắt đầu triển khai việc trồng cây ở bãi đất thuê của người dân nằm trước cửa miếu Thổ Công, sát bờ sông Kỳ Cùng. Ban đầu công ty này dựng lán nép vào bụi tre sát với bờ rào miếu Thổ Công nên người dân tưởng đó là lán trại để bảo vệ tài sản. Ngay cả những hộ dân ở cách lán chỉ khoảng 10m cũng bất ngờ trước việc đào hố khai quật của Công ty Phương Trưởng. Thế nhưng, những hành động kỳ quặc là công ty trồng cây mà lại làm việc vào cả ban đêm đã khiến người dân nghi ngờ.

Nhiều người đã liên tưởng đến những sự việc diễn ra trước đó, đó là việc Công ty Phương Trưởng đã đem một loại máy mà nhiều người cho rằng đó là máy dò cổ vật, dò vàng đến miếu Thổ Công dò tìm. Chính vì thế người dân mới quyết định xua đuổi Công ty Phương Trưởng khỏi miếu Thổ Công.

Khi chúng tôi có mặt tại hiện trường thì thấy miệng hố được đào rất trơn tru, gọn gàng đến nỗi không một rổ đất nào bị rơi vãi ra miệng hố. Anh Nguyên phỏng đoán: "Rất có thể người của Công ty Phương Trưởng đã đào đất chôn xuống những hố trồng cây và vùi đất phù sa lại để ngụy trang, hoặc có thể đất được đổ xuống sông Kỳ Cùng để xóa dấu vết cho đến khi khai quật xong. Điều này chứng tỏ Công ty Phương Trưởng đã lên kế hoạch và có sự chuẩn bị rất kỹ càng từ trước đó nên mới hành động bất ngờ qua mặt hàng trăm người làng Khỏn Sình, đến khi người dân phát hiện ra thì đã quá muộn".

 "Sở Văn hóa đã có quyết định cho Công ty Cổ phần Phương Trưởng khai quật khảo cổ khẩn cấp vì nghi là có cổ vật quý. Tuy nhiên, khi Sở ra quyết định đồng ý khai quật thì phía Công ty Phương Trưởng đã khai quật xong theo kiểu "tiền trảm hậu tấu". Chính Sở cũng không biết Công ty Phương Trưởng đã đào được những cổ vật gì, số lượng bao nhiêu...".

Bà Ấu Thị Nga Sơn (Phó Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Lạng Sơn) 
Lợi Dương

Bình luận(0)