Kế hoạch của Mỹ đối phó Liên Xô đánh chiếm Alaska

Google News

Kế hoạch bí mật này nhằm huấn luyện thường dân trở thành nhân viên tình báo, cài cắm ở những địa điểm quan trọng tại Alaska.

Lo sợ Liên Xô đánh chiếm lại bang Alaska, chính phủ Mỹ trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh đã tuyển mộ và đào tạo ngư dân, lính dù, các thợ đánh bẫy và các công dân khác trên toàn lãnh thổ Alaska cho một mạng lưới bí mật chuyên cung cấp thông tin tình báo thời chiến cho quân đội. Tài liệu về chương trình này vừa được Không quân Mỹ và FBI cho giải mật.
Năm 1950, khả năng Nga đánh chiếm Alaska là hoàn toàn có thể xảy ra. Tài liệu của FBI cho biết: "Quân đội Mỹ tin rằng cuộc đánh bom xâm lược trên không sẽ do các đơn vị nhảy dù của Nga thực hiện" và các mục tiêu có nhiều khả năng bị tấn công là Nome, Fairbanks, Anchorage và Seward. Vì vậy, Giám đốc FBI lúc đó, ông J. Edgar Hoover, đã tham gia tổ chức một kế hoạch tối mật mang tên "Washtub" cùng với Văn phòng Ðiều tra Ðặc biệt Không Quân (OSI) mới được thành lập, do ông Joseph F. Carroll, cựu phụ tá của ông Hoover và cựu quan chức FBI đứng đầu.
Mỹ đã huấn luyện những ngư dân ở Alaska thành các điệp viên để sẵn sàng đối phó với Liên Xô. 
Kế hoạch bí mật này nhằm huấn luyện thường dân trở thành nhân viên tình báo, cài cắm ở những địa điểm quan trọng tại Alaska. Những người này sẽ phải bí mật cất giấu các đồ đạc được trang bị gồm thực phẩm, áo ấm mùa đông, thiết bị mã hóa tin tức và radio. Từ vị trí ẩn náu, họ sẽ báo tin về những hoạt động của Liên Xô cho chính phủ Mỹ.
Đây không phải là hình thức phòng vệ dân sự khá phổ biến như kiểu người Mỹ xây dựng hầm trú bom trong Chiến tranh Lạnh sau này, mà là cuộc tuyển mộ bất thường những thường dân hoạt động tình báo trên đất Mỹ. Nhưng Liên Xô đã không bao giờ tiến hành cuộc xâm lược Alaska.
Vì vậy, các lực lượng nòng cốt bí mật của chương trình "các điệp viên tuyến sau," đã không bao giờ được lệnh tiến hành thu thập và báo cáo thông tin chiến sự tại Alaska. Đó là một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm như các quan chức liên bang thừa nhận, khi mà học thuyết quân sự của Liên Xô là tiêu diệt các cuộc nổi dậy tại địa phương trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, "Washtub" không hẳn thất bại hoàn toàn. Dự án vẫn hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 1951 đến 1959, Deborah Kidwell, nhà sử học của OSI cho biết.
Theo tiết lộ của bà Kidwell trên tạp chí OSI năm 2013, "trong khi cuộc chiến với Liên Xô không xảy ra ở Alaska, OSI đã huấn luyện 89 SBA (điệp viên tuyến sau) và nhiều túi thực phẩm được chuẩn bị cho nhiều năm".
Dễ dàng nhận thấy rằng “Washtub” là một chương trình đầy vội vã, được sinh ra bởi những nhận định sai lầm của Mỹ. Thực chất, "Washtub" phản ánh mối lo ngại về khả năng tấn công từ Liên Xô và sự yếu kém của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Khi kế hoạch trên ra đời vào năm 1950, chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên nổ ra và một số quan chức Lầu Năm Góc nhận định đây là kế sách của Moskva nhằm làm rối trí Washington trước khi đánh chiếm châu Âu. Mùa hè năm trước đó, Liên Xô đã khiến cả thế giới bàng hoàng khi khai nổ quả bom nguyên tử đầu tiên. Cũng trong năm 1949, Mỹ đã bị bắt tay với Tây Âu để hình thành liên minh NATO.
Theo hồ sơ lưu trữ chính thức về Lực lượng không quân của OSI, "Washtub" cũng được biết đến trong chính phủ với một số mật danh khác như Corpuscle, Stigmatic và Catboat và được gọi là "dự án dài hơi và căng thẳng nhất trong Chiến tranh Lạnh " của OSI. FBI đã dành mật danh riêng cho dự án này là: STAGE.
"Washtub" có hai giai đoạn. Vấn đề ưu tiên hàng đầu và cấp bách hơn cả chính là chương trình điệp viên tuyến sau. Tiếp theo là một nỗ lực song song để tạo ra một lực lượng hoạt động dự phòng từ cư dân ở Alaska được huấn luyện để bí mật tổ chức việc di tản của các phi hành đoàn bị bắn hạ có nguy cơ bị bắt giữ bởi lực lượng của Liên Xô. Kế hoạch "ẩn nấp và trốn thoát" này được phối hợp cùng với CIA.
Một trong số những điệp viên tuyến sau là Dyton Abb Gilliland của tổ chức Cooper Landing, một cộng đồng trên bán đảo Kenai phía nam Anchorage. Là một phi công nổi tiếng, Gilliland đã qua đời trong một tai nạn máy bay trên đảo Montague ở khu vực eo biển Prince William vào tháng 5/1955, ở tuổi 45. Các hồ sơ FBI cho biết ông đã trải qua 12 ngày ở Washington DC, trong khoảng tháng 6 - 7/1951 cho một loạt các khóa đào tạo đặc biệt, bao gồm cả việc sử dụng dù.
 Bản đồ khu vực Alaska và vùng Viễn Đông - Nga.
Các điệp viên cũng được đào tạo nhiều về mã hóa và giải mã thông điệp, nhưng rõ ràng không phải lúc nào họ cũng làm tốt công việc này. Theo một tài liệu, việc học những kỹ thuật này là "một nhiệm vụ gần như bất khả thi để những người không chuyên nghiệp có thể thành thạo chỉ với 15 giờ đào tạo". Thông tin chi tiết trong tài liệu đã bị xóa hoàn toàn. Nhiều danh tính điệp viên trong những tài liệu của OSI và FBI đã bị xóa trước khi được giải mật.
Những người được OSI tuyển mộ phải thể hiện lòng yêu nước, được trả trước 3.000 USD/năm (tương đương gần 30.000 USD hiện nay) và số tiền sẽ được tăng gấp đôi nếu Liên Xô tấn công Alaska. Nhưng các tài liệu không cho biết tổng cộng số tiền chi trả cho điệp viên SBA là bao nhiêu trong suốt thời gian diễn ra chương trình "Washtub".
Dự án "Washtub" được soạn thảo một cách kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Song ngay khi đội SBA được huấn luyện đầu tiên nhận nhiệm vụ vào tháng 9/1951 thì ông Hoover rút lui và trao toàn quyền hành động vào tay OSI - mặc dù một tháng trước đó các phó tướng của Hoover cảnh báo ông rằng FBI đã dấn sâu vào "Washtub" với trách nhiệm "rõ ràng và không thể thoát ra được"! Thực chất, Hoover lo sợ khi tiếng súng bắt đầu nổ ở Alaska thì FBI sẽ phải "lãnh trọn trách nhiệm".
Ngày 6/9/1951, Hoover viết cho một trợ lý của mình: "Nếu khủng hoảng nổ ra, chúng ta sẽ rơi vào mớ bòng bong của một Trân Châu Cảng khác và phải gánh chịu trách nhiệm". Hoover đã đưa ra mệnh lệnh cuối cùng: "Rút lui ngay lập tức". Ba năm sau, Hoover nhanh chóng được đưa trở lại với kế hoạch "Washtub".
Tháng 10/1954, một bức thư đánh máy mang thông điệp mã hóa được một phụ nữ ở Anchorage gửi đến Văn phòng FBI. Bức thư được cho là của một người nặc danh ở Fairbanks ghi sai địa chỉ. Nghi ngờ về hoạt động phản gián đã gây náo loạn nội bộ FBI. Vụ việc buộc Hoover ra lệnh khẩn cấp cho đội phá mật mã phải nỗ lực để giải mã thông điệp.
Thế nhưng FBI đã không giải mã được và cuối cùng họ tuyên bố cuộc khủng hoảng Alaska cũng chấm dứt. FBI xác định bức thông điệp bí ẩn không phải từ gián điệp của kẻ thù. Đó chỉ là "thông điệp thực tập" do một điệp viên của dự án "Washtub" gửi nhầm mà thôi!
Thế kỷ 19, Alaska của Liên Xô là một trung tâm thương mại tầm cỡ thế giới. Tại thủ phủ Novoarkhangelsk (nay là Sitka) của Alaska, hoạt động kinh doanh diễn ra rất nhộn nhịp với đủ mặt hàng như vải vóc Trung Quốc, trà và đá - loại hàng hóa mà miền nam nước Mỹ rất cần trước khi phát minh ra tủ lạnh. Nhưng do tình hình chính trị và kinh tế lúc bấy giờ, Liên Xô đã bán vùng lãnh thổ Alaska cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD năm 1987. Chỉ 50 năm sau, Mỹ đã thu lại lợi nhuận gấp 100 lần so với giá ban đầu.

Theo Công Thuận/Báo tin tức

Bình luận(1)

Minh Hiền

Phuc

Hồi trước Mỹ với Liên Xô chuyên môn đấu đá nhau suốt, mà Mỹ thì lập biết bao nhiêu kế hoạch để thắng Liên Xô mà chưa thành công. Lúc ấy Liên Xô hình như là phe chính nghĩa hay sao ấy.