Hé lộ nơi đào tạo cán bộ chi viện An ninh miền Nam

Google News

Hầu hết các lớp cán bộ chi viện An ninh miền Nam đều được đào tạo tại trường E1171.

Vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, trường đào tạo cán bộ chi viện An ninh E1171 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị quan trọng, cung cấp chi viện cho chiến trường miền Nam hàng ngàn lượt cán bộ có trình độ chính trị, nghiệp vụ, văn hóa và kỹ thuật, góp phần quan trọng vào chiến thắng của cách mạng Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Văn Nghiêm, nguyên Hiệu trưởng của trường Bồi dưỡng Nghiệp vụ CAND (T41, giai đoạn 2003 – 2011) là những thế hệ thầy giáo có mặt đầu tiên tại Trường trường đào tạo cán bộ chi viện An ninh E1171 từ năm 1971 (sau này, Trường E1171 được chuyển thành Trường Hậu cần CAND và Trường Bồi dưỡng Nghiệp vụ CAND).
Gặp chúng tôi, ông chia sẻ rằng, những ngày tháng 4 lịch sử luôn gợi lại trong ông bao kỷ niệm của những năm tháng gian khó khi Trường E1171 vừa thành lập. Trong gian khó, trong hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh, các thầy cô giáo của Trường E1171 đã dốc tất cả sức lực, tâm huyết, trí tuệ và tình cảm của mình để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an giao phó.
He lo noi dao tao can bo chi vien An ninh mien Nam
 Một giờ huấn luyện quân sự, võ thuật của các học viên Trường E1171.
Nhiệm vụ của Trường E1171 được xác định: Bổ túc nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ và văn hóa cho cán bộ An ninh miền Nam; đồng thời đào tạo cán bộ An ninh miền Nam về chính trị, nghiệp vụ, văn hóa và kỹ thuật. Việc thành lập Trường E1171 còn là một quyết định mang tính lịch sử, chiến lược, cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an, mà đứng đầu là đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn.
Đại tá Nguyễn Văn Nghiêm bồi hồi nhớ lại: Cán bộ chi viện An ninh miền Nam được đào tạo, huấn luyện tại Trường E1171 gồm nhiều lực lượng khác nhau: Trinh sát bảo vệ chính trị, trinh sát vũ trang, điệp báo. Khi cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, họ phải đi bộ vượt Trường Sơn nên anh em miền Bắc rất thương, dồn hết tình cảm để chăm lo, ưu ái, dạy học tận tình chu đáo.
Ngược lại, các học sinh miền Nam đối xử với thầy cô giáo của Trường E1171 cũng rất ân tình, ấm áp. Học sinh miền Nam ra Bắc được đi khám sức khỏe tại Bệnh viện E, được chế độ ăn 16.000 đồng/ngày. Bộ Công an còn điều hai chuyên gia nấu ăn, một chuyên gia ở Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội) và một cán bộ kỹ thuật nấu ăn ở huyện Sa Pa (Lào Cai) về trường để chăm lo bữa ăn khiến anh em miền Nam vô cùng cảm kích, càng phấn đấu học tập tốt để sớm trở về chiến trường miền Nam chiến đấu.
Năm 1972, Mỹ bất ngờ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, hòng đỡ đòn cho ngụy quyền Sài Gòn đang thua đau tại chiến trường miền Nam, do đó, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ thị cho Ban giám hiệu Trường E1171 tổ chức sơ tán học viên và cán bộ để tránh tổn thất do địch tăng cường đánh phá.
Địa điểm sơ tán là thôn Hữu Tài, Đại Điền và Sơn Thanh, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, nằm ngay dưới chân ngọn núi Thiên Thị, ngọn núi cao nhất của dãy Tam Đảo. Đây là vùng thưa dân, địa hình đồi núi tương đối hiểm trở, có rừng rậm bao phủ thuận lợi cho việc phòng tránh không kích, nhưng bất lợi về sinh hoạt do giao thông khó khăn, bị chia cắt bởi hai con suối, trong đó có suối Đùm rất nguy hiểm về mùa lũ.
Nhưng trong hoàn cảnh vất vả, gian khổ đó, cán bộ, học viên của Trường E1171 đã được đồng bào tạo mọi điều kiện, nhường nơi ăn chốn ở tốt nhất cho cán bộ, giáo viên và học viên. Một số cán bộ giáo viên phải dựng lán trại, ăn ở, làm việc và học tập trong rừng.
Một số học viên An ninh miền Nam lần đầu tiên thực hành "nấu bếp Hoàng Cầm" theo phương pháp dã chiến rất khâm phục sáng kiến của quân dân miền Bắc. Để tăng cường thể lực, sức khỏe, học viên An ninh miền Nam phải đeo đá, đeo gạch, tập hành quân. Tại nơi sơ tán, họ còn cùng cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường đan hàng nghìn mũ rơm, đào hơn 1.000m giao thông hào và hàng trăm hầm phòng không để trú bom địch dội xuống.
Có những lần, do thời tiết khô hạn, bốn tháng liền không có mưa. Các giếng nước trong Trường và giếng của nhân dân quanh vùng đều khô kiệt, mương máng cạn trơ đáy, Trường E1171 đã phải huy động các phương tiện vận tải, kể cả xe súc vật kéo, xe ba gác và đôi vai của cán bộ, chiến sỹ, học viên để vận chuyển nước sinh hoạt từ sông Phó Đáy về.
Với số lượng cán bộ, học viên lên đến 2.000 người, trung bình mỗi người chỉ được sử dụng 5 lít nước/ngày..."Trong hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt đó, lãnh đạo Trường E1171 vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Bộ giao phó" - Đại tá Nghiêm cho hay.
Cán bộ An ninh miền Nam còn được Trường E1171 đào tạo, bồi dưỡng về đường lối, phương châm, nguyên tắc công tác đấu tranh trấn áp phản cách mạng; được huấn luyện chuyên sâu về phương pháp, biện pháp nghiệp vụ, về công tác vận động quần chúng.
Một số cựu học viên chia sẻ với chúng tôi rằng, điều họ tâm đắc nhất là trong bối cảnh khắc nghiệt đó, họ thường xuyên được tu dưỡng đạo đức cách mạng để luôn giữ vững khí tiết người chiến sỹ cách mạng trong mọi tình huống. Nhà trường còn đào tạo những bài tập thực hành về gây dựng cơ sở bí mật, thiết lập mạng lưới liên lạc, đối phó với gián điệp, biệt kích, thám báo của địch, đến các chặng đường dài hành quân, mang vác trên địa hình gần giống với chiến trường.
Những bài học thực tiễn đó đã giúp cán bộ An ninh miền Nam hiểu được thực trạng khó khăn, gian khổ ở chiến trường, nâng cao bản lĩnh chính trị, sẵn sàng chấp nhận hy sinh gian khổ, biết đoàn kết với cán bộ an ninh tại chỗ. Trên cơ sở đó, các học viên Trường E1171 khi tham gia chiến đấu tại chiến trường đã vận dụng sắc bén những kiến thức chính trị, các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ phục vụ nhiệm vụ chính trị với tinh thần tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nói về những thành quả của Trường E1171, Đại tá Nguyễn Văn Nghiêm cho hay: Tuy chỉ tồn tại trong 7 năm, từ 1971 đến 1978 nhưng giai đoạn Trường E1171 là những trang mở đầu đáng ghi nhớ nhất của lịch sử Trường Bồi dưỡng Nghiệp vụ CAND ngày nay.
Trường E1171 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ giao, để lại nhiều bài học quan trọng về tư tưởng chỉ đạo, phương pháp tổ chức, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, ý chí chủ động sáng tạo và tinh thần đoàn kết trong điều kiện chiến tranh cũng như khi đất nước hòa bình nhưng vẫn còn nguy cơ chiến tranh.
Từ tháng 12 năm 1971 đến cuối năm 1975, Trường E1171 đã đào tạo, huấn luyện và cung cấp cho lực lượng An ninh miền Nam 2.580 cán bộ, trong đó có 896 cán bộ quê ở miền Nam trên tổng số 1.724 cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc năm 1954; chiếm hơn 1/3 tổng số cán bộ Công an chi viện cho An ninh miền Nam trong 4 năm (1972 -1975).
Đặc biệt, Trường E1171 còn đào tạo văn hóa cho học sinh miền Nam, đồng thời tích cực chuyển hướng đào tạo cán bộ an ninh phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong khi tình trạng đất nước vừa có hòa bình, vừa có nguy cơ xảy ra chiến tranh trên một phần lãnh thổ.
Điều đó đòi hỏi cán bộ, giáo viên phải tự mình học tập nâng cao trình độ. Từ mái trường E1171, các thế hệ học viên An ninh miền Nam đã trưởng thành; có đồng chí trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhiều đồng chí trở thành tướng lĩnh, lãnh đạo các đơn vị trong cơ quan Bộ Công an, lãnh đạo Công an các địa phương…
Theo Thu Phương -Trần Hằng/ CAND.com.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)