“Đội quân đen” của chính quyền Sài Gòn: Ngày sét đánh

Google News

Khi tiền viện trợ của CORDS đã hết, các đội quân đen chỉ còn cái vỏ rồi mạnh ai nấy chạy trong Đại thắng mùa Xuân 1975.

1. Có thể nói, giai đoạn đầu khi những "Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn" đi vào hoạt động, phong trào Cách mạng miền Nam đã gặp phải một số khó khăn. Với hình thức "ấp đời mới" mà mục tiêu căn bản là tách rời du kích và cán bộ nằm vùng ra khỏi nhân dân, mọi ấp đều được bảo vệ bởi nhiều lớp hàng rào kiên cố, các cổng chính ra vào có trạm gác cùng nhiều chòi canh. Ban ngày, người dân được tự do đi lại làm ăn nhưng người lạ mặt muốn vào ấp thì phải qua thủ tục kiểm soát rất chặt chẽ. Ban đêm, các cổng chính đóng lại. Nếu muốn đi bệnh viện chẳng hạn, phải có sự đồng ý của "cán bộ".
 Một "đoàn cán bộ xây dựng nông thôn" về xã.
Trong cuốn "Phượng hoàng và những con chim mồi", Mark Moyar viết: "Cán bộ xây dựng nông thôn ở cấp xã còn có nhiệm vụ tổ chức "Đội Thiếu nhi", huấn luyện cho các em nhỏ cách thức cảnh giới và báo động kịp thời mỗi khi có người lạ lén lút vào ấp, "Đội Phụ nữ" làm công tác tiếp tế, cứu thương. "Đội Lão ông, Lão bà" tung tin gây hoang mang cho địch, che giấu và bảo vệ cán bộ xây dựng nông thôn hoạt động trong xã với phương châm không biết, không nghe, không thấy…".
Tuy nhiên, có một điều mà Mark Moyar phải thừa nhận là: "Bắt đầu từ năm 1965, nhận thức của đa số nông dân miền Nam Việt Nam về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có sự thay đổi nhưng hầu hết người Mỹ đều không nhìn ra điều này. Sự thay đổi bắt nguồn từ những trận ném bom, bắn phá bừa bãi của Mỹ lẫn chính quyền Sài Gòn đã tàn phá nhà cửa ruộng vườn, giết chết những người thân trong gia đình họ.
Phần nữa, nhiều “cán bộ xây dựng nông thôn” lợi dụng tình thế khó khăn của những phụ nữ có chồng đi tập kết để cưỡng bức họ - và điều này mặc nhiên được phép nhằm ngăn không để họ che giấu, tiếp tế cho chồng họ nếu chồng họ trở về. Tại những xóm ấp hẻo lánh ở Định Quán, Mã Đà, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai), một "cán bộ xây dựng nông thôn" ép buộc 2, 3 phụ nữ phải quan hệ tình dục là chuyện bình thường vì nếu không chấp nhận, những phụ nữ ấy sẽ bị tước đi những quyền căn bản nhất…".
Để đập tan âm mưu của địch, mở rộng vùng giải phóng, bẻ gãy chiến lược "ấp đời mới", phá ách kìm kẹp "xây dựng nông thôn", bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích cách mạng đã tiến hành nhiều trận đánh mà mục tiêu là những "Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn" đang hoạt động tại những xã ấp. Sau cuộc phục kích tại ấp Hội Bài, xã Hội Mỹ, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy, Nguyễn Văn Ký, Tỉnh đoàn trưởng Tỉnh đoàn Phước Tuy thừa nhận: "Quân đội giải phóng chơi trò giương đông kích tây và chúng tôi đã mắc bẫy".
Ngày 6/7/1967, một "cán bộ xây dựng nông thôn" ở ấp Hội Bài nhận được tin "mật báo", rằng "khuya nay sẽ có một nhóm quân giải phóng lẻn về tuyên truyền".
Ngay lập tức, Nguyễn Văn Ký, Tỉnh đoàn trưởng và Trần Văn Hiền, Tỉnh đoàn phó thuộc Ban chỉ huy Đoàn 59 tỉnh Phước Tuy xuống tận nơi. Sau khi quan sát địa thế, Ký ra lệnh cho một toán "xây dựng nông thôn" đợi đến sẩm tối, phục kích gần một lò sản xuất nước mắm, cạnh con đường mà "nhóm quân giải phóng" sẽ đột nhập. Trên con đường này, Ký bố trí 2 trái mìn claymore với chiến thuật cắt đầu, khóa đuôi. Theo kế hoạch, khi nhìn thấy quân giải phóng, một bộ phận sẽ điểm hỏa 2 trái mìn, bộ phận còn lại dùng súng, lựu đạn tấn công, tiêu diệt.
3 giờ 30 sáng, nằm phục mãi mà chẳng thấy bóng dáng quân giải phóng nào, toán trưởng xin lệnh Ký cho rút lui. Tháo xong 2 trái mìn claymore rồi trên đường quay trở lại nơi đóng quân nằm cạnh trụ sở ấp thì bất ngờ có một ánh chớp lóe lên và tiếp theo là một tiếng nổ long trời. Toán "cán bộ xây dựng nông thôn" nháo nhào, kẻ chúi vào gốc cây, người lăn xuống vệ đường, súng các loại nổ loạn xạ.
Bắn suốt 10 phút nhưng không thấy đối phương đáp trả, cả bọn mới hoàn hồn. Nhìn lại, hai "cán bộ" Phạm Công Ngọc Hải, Bùi Thiện Thọ chết tại chỗ vì trúng mìn, còn 6 người khác bị thương. Chưa hết, sáng hôm sau trên bức tường vôi trắng của trụ sở ấp, ai đó đã viết một dòng chữ lớn bằng than: "Giết một tên cán bộ xây dựng nông thôn bằng giết ba tên xâm lược Mỹ".
 Bắt dân rào ấp để đề phòng Quân Giải phóng xâm nhập.
Tỉnh đoàn phó Đoàn 59 là Trần Văn Hiền sau này khi sang Mỹ định cư, đã thú nhận trong một buổi họp mặt "cán bộ xây dựng nông thôn" ở miền Nam bang California: "Lúc đó chúng tôi bị lừa. Một phụ nữ đến ấp mua bán cá, làm như vô tình tiết lộ việc "Việt cộng về tuyên truyền" cho một mật báo viên của toán xây dựng nông thôn ấp Hội Bài. Lực lượng quân giải phóng phục kích chúng tôi đêm hôm đó là Đội du kích cơ động của Long Phước Hội - gồm 3 xã Long Mỹ, Phước Hải và Hội Mỹ…".
Nhận thấy Chiến khu Minh Đạm là mối nguy hiểm cho chương trình "xây dựng nông thôn" quận Đất Đỏ, cuối năm 1967, dưới sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ thuộc Cơ quan CORDS, Nguyễn Đức Thắng, Chỉ huy trưởng Xây dựng nông thôn đưa về xã Phước Hải "Đoàn Phát triển 1", Ban chỉ huy đặt tại miếu thờ ông chủ xã.
Đêm giao thừa Tết Mậu Thân, bộ đội chủ lực huyện Đất Đỏ phối hợp với du kích tiến đánh Phước Hải và bao vây nơi này gần một tuần lễ. Nguyễn Văn Á, cán bộ xây dựng nông thôn kể lại với Mark Moyar rồi được ông ta đưa vào cuốn sách "Phượng hoàng và những con chim mồi": "Các cấp chỉ huy quá chủ quan. Họ tin rằng chỉ cần "ba cùng" với người dân là dân sẽ ủng hộ chính quyền Sài Gòn nên việc vũ trang cho cán bộ xây dựng nông thôn rất sơ sài. Cả 15 người chỉ có 1 trung liên Bar, 10 Carbine M1, 2 Garant M14 cùng vài quả lựu đạn trong khi Việt Cộng xài AK-47, B40. Đã vậy, bên ngoài hàng rào ấp đời mới, đêm nào họ cũng phát loa kêu gọi chúng tôi quay súng trở về với nhân dân, không làm tay sai cho đế quốc Mỹ…".
2. Bước qua năm 1969, Cơ quan CORDS gia tăng viện trợ cho chương trình bình định, "xây dựng nông thôn" đồng thời tuyển thêm người, mở thêm nhiều khóa huấn luyện ở Trại Lam Sơn, Chí Linh, Vũng Tàu, trong đó có những khóa huấn luyện mà học viên đều là phụ nữ.
 Để moi tin tình báo, "cán bộ xây dựng nông thôn" mị dân bằng cách làm nhà giúp dân.
Nguyễn Thị Hồng, một trong những "cán bộ" theo học khóa 3/69, tổ chức vào tháng 3/1969 kể: "Khóa tôi có 400 chị em. Tùy theo từng môn, giảng viên có thể là người Việt hoặc người Mỹ. Các sĩ quan người Việt chủ yếu dạy về chiến thuật quân sự, cách tổ chức phòng ngự, phản công, cách phục kích, gài mìn, cách sử dụng một số các loại súng và công tác dân vận, còn người Mỹ thì dạy cách khai thác tin tình báo, cách theo dõi, điều tra người tình nghi, cách phát hiện du kích, Cộng sản nằm vùng từ những dấu vết nghi ngờ…".
Tốt nghiệp khóa huấn luyện, Hồng được đưa về Quận đoàn Củ Chi, Xã đoàn An Nhơn Tây. Tại vùng này 90% các gia đình đều có người tham gia cách mạng nên công tác "dân vận" của Hồng hầu như chỉ là con số 0! Trong nhật ký, cô ta viết: "Người dân ở xã nhìn những cán bộ xây dựng nông thôn chúng tôi bằng con mắt nghi kị, thậm chí thù địch. Có lần tôi ghé vào nhà của một bà cụ già mà tôi đã nhắm từ trước với ý định hỏi thăm, làm quen, sau đó đề nghị sửa lại cho bà cái mái tranh đã gần sập.
Tuy nhiên, khi tôi vừa mở lời thì bà ta đã lắc đầu: "Cám ơn cô. Cô sửa xong thì ngày mai - nếu không Mỹ thì lính Cộng hòa cũng lại kéo đổ. Cô có sửa thì cô sửa cho mấy người đó, sửa cho họ đừng giết hại nhân dân". Tôi rất chán nản, chỉ muốn trở về nhà..". Lê Văn Hội, "cán bộ xây dựng nông thôn" xã Tân Phong, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết: "Cả toán cán bộ xã Tân Phong chúng tôi, buổi sáng nếu có quân đội mở đường thì chúng tôi từ thị trấn Cai Lậy mới dám vào, làm việc ất ơ một lát rồi chiều lại rút ra. Không ai dám ngủ đêm tại vì sợ du kích".
Một tháng 4 ngày sau khi nhận công tác, Nguyễn Thị Hồng đạp phải một trái mìn do du kích Củ Chi gài, chết tại chỗ. Nhưng không phải chỉ có Nguyễn Thị Hồng, cũng trong năm 1969, "Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn" ở ấp Hội Cửu, huyện Đất Đỏ lĩnh thêm một búa nữa. Nằm ngay trên tỉnh lộ 44, ấp Hội Cửu thuộc xã Hội Mỹ có vị trí địa lý phía đông giáp rừng chồi sát biển; phía tây giáp với những thửa ruộng và tiếp theo là những cánh rừng kéo dài đến mật khu Minh Ðạm. Phía nam giáp một ngọn đồi cát, nơi đây có đồn Lò Gốm do một trung đội Ðịa phương quân trú đóng, còn phía bắc giáp cánh đồng xã Phước Lợi, Gò Tre. Theo báo cáo của "cán bộ xây dựng nông thôn" ấp Hội Cửu: "Ấp có 76 nóc nhà, dân số 750 người, là vị trí chiến lược rất quan trọng vì Việt Cộng từ mật khu Minh Đạm sang mật khu Mây Tào đều đi ngang qua đây".
Vì vậy, viên chức xã ấp muốn đi từ quận Đất Đỏ đến Hội Mỹ, Hội Cửu, chỉ dám đi vào ban ngày nhưng trước khi đi, phải có lực lượng Địa phương quân mở đường, dò mìn, phát hiện những chốt phục kích của Quân Giải phóng. Để bình định vùng này, ngày 3/9/1969 "Tỉnh đoàn cán bộ xây dựng nông thôn" tỉnh Phước Tuy quyết định đưa về đây một “đoàn cán bộ” gồm 30 người, gọi là Đoàn Phát triển 9. Trong một báo cáo gửi Tỉnh đoàn Phước Tuy, Đoàn trưởng Đoàn Phát triển 9 là Đặng Hướng viết: "Ngay khi đến nhiệm sở, tôi đã đôn đốc anh em củng cố những vọng gác, đào thêm giao thông hào, huy động người dân trong ấp rào lại hàng rào ở những nơi hiểm yếu. Ban đêm đặt mìn claymore, gài lựu đạn…".
Biết vị trí đóng quân của Ðoàn Phát triển 9 rất quan trọng và nguy hiểm, chiều ngày 5/9/1969, Ban chỉ huy Tỉnh đoàn Phước Tuy xuống kiểm tra. Quả y như rằng, lúc 22 giờ 30 phút đêm hôm đó, trời bỗng nổi gió, mây đen mù mịt báo hiệu một cơn giông. Đột ngột, có tiếng nổ đầu nòng của súng cối 61mm, tiếng điểm hỏa của B40, B41 rồi tiếp theo là hàng chục ánh chớp lóe lên kèm theo từng chuỗi tiếng nổ tức ngực, kéo dài gần 15 phút.
Trận mưa pháo vừa dứt, đã nghe tiếng thét xung phong của Quân Giải phóng, tiếng súng AK, trung liên RPD đanh gọn từng loạt dài. Ở cổng gác chính, một “cán bộ xây dựng nông thôn” tên An chết ngay trong loạt đạn đầu. Tại vọng gác số 2, “cán bộ xây dựng nông thôn” Huỳnh Muội giữ khẩu trung liên BAR cũng chết. Theo Đoàn trưởng Đặng Hướng: "Quân giải phóng áp sát hàng rào thép gai, mìn claymore trở nên vô dụng vì họ nằm ngoài tầm sát thương của mìn. Phía ta do mất khẩu trung liên BAR, chỉ còn súng carbine nên tổ chức chống trả rất rời rạc".
Gần 20 phút sau cuộc tấn công, pháo 105mm từ Chi khu Đất Đỏ mới bắn chi viện nhưng lúc này, Quân Giải phóng đã rút hết. Vẫn theo Đoàn trưởng Đặng Hướng, ngoài 2 "cán bộ" xây dựng nông thôn tử thương, còn có 9 “cán bô”å bị thương. Tưởng là đã xong, ai dè đến 23 giờ 50 phút, Quân Giải phóng bất ngờ tập kích thêm một lần nữa. Do chủ quan, không đề phòng, 3 "cán bộ xây dựng nông thôn” chết trong đó có Đoàn trưởng Đặng Hướng.
3. Năm 1973, Hiệp định Paris ký kết. Lính Mỹ rút về nước, tiền viện trợ của CORDS cho chương trình xây dựng nông thôn cũng hết nên các "Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn" chỉ còn cái vỏ rồi mạnh ai nấy chạy trong Đại thắng mùa Xuân 1975.
Theo Cao Trí/An ninh thế giới

Bình luận(0)