Cuộc đời nữ hải tặc khét tiếng vùng biển Anh

Google News

Grace O'Malley, SN 1530 được xem là một nữ hải tặc hay nữ chiến binh nổi tiếng thế kỷ XVI.

Nhiều người còn gọi bà với biệt danh Gráinne Mhaol bởi cuộc nổi loạn tuổi teen của nữ hải tặc này. Bà đã sử dụng chiếc thuyền kế thừa từ cha để dẫn đoàn thủy thủ tấn công vào những con tàu cả gan tiến gần bờ và đòi thu một khoản gọi là "thuế đi lại". Ngay cả khi vừa mới sinh con trên tàu, bà cũng cầm vũ khí lên và chỉ huy thủy thủ đoàn của mình.
Người đàn bà mạnh mẽ
Ở thế kỷ 16, khi phụ nữ không được đi học và phải dành phần lớn thời gian nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình thì O'Malley giống như một sự nổi loạn khi cắt phăng mái tóc dài, mặc quần áo đàn ông và dẫn đầu đội tàu chiến đi cướp bóc. Cho đến nay, O'Malley vẫn là nhân vật được truyền miệng nhiều nhất như huyền thoại gắn liền với biển khơi. O'Malley đem đến nhiều tranh cãi, nhưng không ai có thể phủ nhận cô là một con người có cá tính lôi cuốn, sống cuộc đời hoang dã và coi thường các tập tục xã hội. Sinh ra trong gia đình hải tặc thống trị biển Tây Ireland, O'Malley ngay từ thuở nhỏ đã quen thuộc với những trận cướp bóc nên khi người cha qua đời, O'Malley chính thức tiếp quản công việc gia đình và nhanh chóng mở rộng quy mô. Cô lãnh đạo 200 người đàn ông, chỉ huy một hạm đội tàu chiến và bắt các tàu buôn nếu họ không chịu nộp thuế khi đi qua nơi này.
Nữ tướng cướp Grace đã kết hôn hai lần trong đời. Người chồng đầu tiên của bà là Donal O'Flaherty - con trai của thủ lĩnh gia tộc O'Flaherty. Khi đó, Grace vừa tròn 16 tuổi. Đối với ông Owen O'Malley, cuộc hôn nhân này mang động cơ chính trị, nhằm tăng cường liên minh quyền lực giữa ông Owen và tù trưởng thông gia. Nhưng với Grace, dường như cuộc hôn nhân này không hề hạnh phúc. Hai người có với nhau được 3 người con, hai người con trai là Owen và Murrough cùng cô con gái Margaret. Nhưng chồng cô, Donal là một gã vô trách nhiệm, tính khí nóng nảy và rất hiếu chiến. Donal ngày càng bộc lộ rõ là không đủ khả năng để quản lý tài sản của bộ tộc. Trong khi đó, công việc buôn bán của các bộ tộc không quy phục người Anh dần bị hạn chế. Người dân trong bộ tộc đang phải đối mặt với thảm cảnh chết đói không thể tránh nổi. Trong tình cảnh đó, Grace càng phẫn nộ hơn khi chứng kiến chồng mình phung phí tài sản thừa kế của anh ta vào cờ bạc. Sau những trận thua bạc bị mất mát tài sản, anh ta lại bắt người trong bộ tộc đóng góp vượt sức chịu đựng của họ. Trong suốt cuộc hôn nhân, Grace và Donal dường như trái ngược với nhau hoàn toàn. Trong khi Grace không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ gia tộc nhà chồng và gia tộc của mình để bổ sung kiến thức đi thuyền và kinh doanh trên biển. Còn Donal, thì chỉ thích tiêu xài và tính khí ngày một nóng nảy hơn.
Ở vào thời điểm đó, luật lệ không cho phép một phụ nữ làm tộc trưởng bộ lạc. Nhưng đứng trước tình cảnh, bộ tộc ngày càng bị hủy hoại trong bàn tay của chồng mình. Cô quyết định giành quyền kiểm soát bộ tộc từ chồng và nỗ lực giúp người trong bộ tộc. Mặc dù nó là bất thường, khi một người phụ nữ lãnh đạo nam giới. Nhưng Grace lại nhận được sự tôn trọng của tất cả những ai đi theo cô qua sự thông minh cũng như kiến thức và lòng dũng cảm của cô có được. Grace không mất nhiều thời gian để chứng tỏ năng lực lãnh đạo bẩm sinh của mình. Hơn 200 người đã quyết định đi theo sự chỉ huy của cô. Và cô cũng giúp bộ tộc đi lên bằng những gì cô biết và giỏi nhất, đó là biển cả và giao thương. Grace đứng ra phụ trách đoàn tàu của hạm đội O'Flaherty và cai trị các vùng biển xung quanh các vùng đất của họ. Cô nối lại giao thương với vài nước châu Âu, đưa thuyền ra đại dương đánh cá và phục kích những thị trấn Ailen quy phục người Anh. Mặc dù, cuộc sống trên biển cực kỳ gian truân vất vả, điều kiện vệ sinh cá nhân rất tồi tệ. Thức ăn đơn giản và nguội lạnh, phần lớn chỉ là bánh quy khô, thịt lợn muối và một ít bia. Trên tàu, thủy thủ chỉ mặc duy nhất một thứ quần áo giống nhau. Điều đó thực sự rất khắc nghiệt và khó khăn cho một người phụ nữ. Nhưng Grace lại yêu và sống hết mình với từng khoảnh khắc cuộc sống ấy.
Trong khi Grace đang bận rộn tìm cách khôi phục lại gia sản của Donal thì anh ta vẫn theo thói cũ. Ở bộ tộc, anh ta đã mất quyền chỉ huy vào tay một người khác trong dòng họ. Mất đi quyền lực trong khi vợ ngày một thành công trên biển, Donal tỏ ra thất vọng và buồn chán. Để chứng tỏ bản thân, anh ta định đi chiếm đất của bộ tộc láng giềng Joyce. Nhưng với tính khí nỏng nảy và hiếu chiến của mình anh ta đã thất bại và đưa bộ tộc mình lâm vào cảnh chiến tranh. Sau khi bị tấn công, bộ tộc Joyce tìm cách trả thù Donal và tấn công vào lâu đài Cork của anh ta. Dù bị tấn công liên tục nhưng Donal vẫn giữ được lâu đài. Tuy nhiên, bộ tộc Joyce vẫn ngấm ngầm ôm mối hận. Một thời gian sau, Donal đã bị ám sát bí ẩn trong một chuyến đi săn. Ở trên biển, nghe tin về cái chết bí ẩn của chồng và bộ tộc đang phải chuẩn bị đối phó với một tấn công tiếp theo của bộ tộc Joyce. Cô nhanh chóng quay về lãnh đạo người dân đối phó với bộ tộc Joyce.
Cuoc doi nu hai tac khet tieng vung bien Anh
Grace được biết tới là nữ hải tặc với phương châm sống là “Sức mạnh nhờ đất và biển cả”. Ảnh tư liệu 
Thay chồng thống lĩnh bộ tộc
Theo luật pháp Ireland, góa phụ sẽ được hưởng một phần tài sản của chồng họ. Nhưng vì một số lý do, nên bộ tộc O'Flahertys không theo truyền thống này. Điều đó có nghĩa là, Grace buộc phải sống dựa vào gia tộc O'Flaherty để nhận hỗ trợ. Và tất nhiên với 1 người có tính cách như cô sẽ không bao giờ chịu sống cảnh phụ thuộc vào bộ tộc O’Flaherty. Grace biết rằng, cô phải kiếm sống và quyết định trở lại với biển. Cô mang theo một nhóm người trung thành với phương châm “Sức mạnh nhờ đất và biển cả”. Cô sử dụng những gì cô đã học được từ cha mình và từ gia đình chồng mình, cuối cùng cô đã có thể thoát khỏi sự giám sát của bộ tộc O'Flaherty hoàn toàn. Sau đó, Grace quyết định mang các con quay về lâu đài Clare của bố mẹ.
Cũng chính vì những thành công liên tiếp của Grace O’Malley, đã khiến cho bộ tộc O’Flaherty cùng người Anh vô cùng tức giận. Họ luôn muốn tìm cơ hội để chế ngự người phụ nữ Ireland nổi loạn này. Họ bắt đầu giám sát hoạt động của cô với hi vọng bắt quả tang cô hành nghề cướp biển để giam giữ cô và tịch thu đội tàu. Nhưng điều đó không hề làm cô run sợ, ngược lại nó làm Grace thêm kiên cường hơn. Cô gần như chiếm lĩnh toàn bộ đường đi lối lại trên vùng biển dọc miền tây Ireland. Đảo Clare là nơi lý tưởng để phát hiện ra tàu buôn đang tiến vào vịnh Clew và bờ biển. Rồi một ngày, Grace phát hiện và cứu sống Hugh de Lacy ra khỏi một con tàu đang bị đắm do va vào đá ngầm. Grace đích thân chăm sóc de Lacy cho đến lúc anh này bình phục. Lúc de Lacey khỏe mạnh cũng là lúc họ trở thành tình nhân. Nhưng không lâu sau, de Lacy bị các thành viên bộ tộc MacMahon giết hại khi đi săn. Grace vô cùng tức giận, cô lên kế hoạch trả thù cho cái chết của người tình. Cô tiến thẳng tới bô tộc MacMahon ở đảo Cahir, đốt cháy tàu thuyền và giết chết toàn bộ người trên tàu. Sau đó, Grace tiến về lâu đài Doona của bộ tộc MacMahon, chiếm toàn bộ lâu đài này. Kể từ đó, Grace O’Malley được gọi bằng biệt danh “quý bà đen của Doona”.
Sau khi có được lâu đài Doona trong tay, nhưng tham vọng của nữ hải tặc này vẫn chưa dừng ở đó. Grace còn muốn thực hiện giấc mơ là kiểm soát hoàn toàn vịnh Clew, cùng lâu đài Rockfleet của tộc trưởng Richard “Iron Dick” Burke, là cháu trai bên nhà chồng cũ của Grace. Nghĩ là làm cô nhanh chóng lên kế hoạch chiếm lĩnh nó, bằng cách quyết định kết hôn với Richard. Richard vốn đã say mê Grace từ trước nên liền đồng ý ngay với lời đề nghị của cô. Năm 1566, Richard Burke kết hôn với Grace O’Malley O’Flaherty. Sau đám cưới, Grace cùng ba con đàng hoàng bước vào lâu đài Rockfleet. Một năm sau khi kết hôn, Grace quyết định thực hiện kế hoạch chiếm Rockfleet. Cô bắt đầu thay thế Richard, giành quyền kiểm soát Rockfleet cùng những người trung thành. Cô đứng trên lâu đài hét xuống với Richard rằng cô đã hất cẳng anh ta. Ngay sau đó, Grace lập tức ly hôn với Richard. Lúc này, cô đang mang thai con của Richard vào những tháng cuối. Mặc dù đã ly hôn, nhưng họ vẫn duy trì mối quan hệ. Nhiều năm sau, Richard Burke vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời phiêu lưu của Grace.
Năm 1567, khi đang ở trên thuyền trong 1 chuyến đi buôn. Grace trở dạ và sinh một cậu con trai tên là Theobald. Sau khi sinh con được một ngày, lúc Grace đang nghỉ trong buồng thì tàu của cô bị cướp biển Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Grace được thuyền trưởng chạy vào báo tin, tàu của cô đang yếu thế và sắp thua trận. Grace ngay lập tức nhảy ra khỏi phòng, ào lên boong tàu, nã đạn vào hải tặc Thổ Nhĩ Kỳ. Chứng kiến hành động quyết liệt của nữ hoàng, các thủy thủ ngay lập tức lấy lại tinh thần, đảo ngược thế trận và tịch thu con tàu của Thổ Nhĩ Kỳ. Cứ thế với ý chí thép và sự nỗ lực cùng những mưu đồ của mình, Grace và đội quân của cô ngày càng đông đảo và hùng mạnh hơn. Cũng chính những hành động cướp bóc của O'Malley đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc buôn bán của người Anh, buộc chính quyền nước này phải mở chiến dịch truy lùng. Năm 1583, con trai Tibbot của O'Malley bị bắt, khiến O'Malley phải tới gặp Nữ hoàng Elizabeth I để xin thả người, đổi lại cô sẽ giúp Nữ hoàng chiến đấu với kẻ thủ. Giữ lời hứa, trong trận chiến Kinsale năm 1603, O'Malley cùng với quân đội của Nữ hoàng đã chiến đấu chống lại người Tây Ban Nha và các đồng minh Ireland nổi loạn. Đây cũng chính là lý do O'Malley bị người Ireland từ bỏ, không được lưu tên trong lịch sử mà chỉ tồn tại xung quanh những câu chuyện truyền miệng ngày nay. Cuối năm 1603, O'Malley qua đời và được chôn cất trong tu viện Cisterian có từ thế kỷ 12, cũng là tòa nhà duy nhất còn sót lại hiện nay. Điều kỳ lạ là khi du khách tới tham quan, họ chỉ thấy những căn phòng miêu tả cảnh săn bắn, chèo thuyền, chiến đấu, những bức bích họa nhiều màu sắc nhưng không có căn phòng chôn cất O'Malley. Nhiều người cho rằng thực chất cô nằm trong căn hầm phía sau tòa nhà, nhưng không một ai có thể khẳng định chắc chắn điều đó.
Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):
Theo PL&XH

Bình luận(0)