Chuyện “thân bại danh liệt” của một chuẩn tướng ngụy quyền

Google News

Cuối cùng ông Tư lại phủ phục dưới gót chân vũ nữ Ánh Hoa tại nơi vũ trường Vân Cảnh, đến nỗi thân bại danh liệt.

Thời kỳ miền Nam Việt Nam trước giải phóng, phòng trà và vũ trường tại Sài Gòn không chỉ là nơi thành danh của những giọng ca, mà còn là nơi nảy nở những mối tình đình đám của giới tướng tá ngụy quyền với các cô ca sỹ, vũ nữ. Trong đó không ít những mối tình dưới gót chân son đã khiến số tướng tá này phải "thân bại danh liệt".
Thời đó tại đất Sài Gòn, Lê Văn Tư - một Chuẩn tướng lừng danh khét tiếng, lại có thói tiêu xài "như nước", đi đâu cũng kè kè một vài lính theo hầu nên nhiều vũ nữ đã coi ông Tư như thần tượng. Ấy vậy mà cuối cùng ông Tư lại phủ phục dưới gót chân vũ nữ Ánh Hoa tại nơi vũ trường Vân Cảnh, đến nỗi thân bại danh liệt.
Năm 1971, khi còn mang hàm đại tá, Lê Văn Tư được giữ chức vụ tỉnh trưởng Long An, nằm sát bên cạnh Sài Gòn hoa lệ. Sẵn quyền cùng tiền của trong tay, không tuần nào Lê Văn Tư không về thành phố một hai lần để du hí. Ông ta có mặt ở hầu hết những vũ trường sang trọng, nơi tập trung những vũ nữ trẻ đẹp nhất.
Ánh Hoa khi ấy vừa tròn 23 tuổi, đẹp như cái tên của nàng. Bên cạnh nhan sắc lộng lẫy, cô ta còn có một thân hình bốc lửa, đầy quyến rũ. Ánh Hoa như tiếng sét ái tình, nhanh chóng trở thành đào nhất của Vân Cảnh và được đồng nghiệp xếp loại vũ nữ hạng nhất của Sài Gòn dạo đó.
Để "chiếm" trọn trái tim nàng cũng không dễ, Lê Văn Tư đã phải rất dày công săn đón và lấy lòng người đẹp bằng những món quà đắt giá mà những cô gái bình thường có nằm mơ cũng không thấy. Những chuyến du lịch Hồng Kông, Tokyo mang về những vòng vàng, xuyến ngọc.
Dĩ nhiên, Ánh Hoa cũng sẽ không tài nào thoát được cái mạng lưới vô hình nhưng đầy uy lực này, dưới bàn tay của Lê Văn Tư. Có điều, cô ta dám chơi trò bắt cá hai tay. Bên cạnh Lê Văn Tư là người tình chung chi, Ánh Hoa còn có một người tình trẻ để tung tăng phố xá.
 Đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi, Q.1), thời đó là nơi tập trung nhiều quán bar, vũ trường.
Tháng 1/1972, Lê Văn Tư được điều về làm Tư lệnh sư đoàn 25 bộ binh, bản doanh đóng tại căn cứ Đồng Dù, bên cạnh Củ Chi, rồi được thăng hàm chuẩn tướng. Bấy giờ, ông ta đã trở thành là vua một cõi. Ngang nhiên gạt vợ con ra ngoài để rước vũ nữ ánh Hoa về làm "áp trại phu nhân".
Biết mình được tướng Tư sủng ái, muốn gì cũng được đáp ứng, Ánh Hoa cũng sinh thói "coi trời bằng vung". Nhiều buổi chiều, Ánh Hoa thỏ thẻ với Lê Văn Tư rằng muốn lên trực thăng bay một vòng thư giãn. Ngay lập tức, tướng Tư cho gọi viên phi công lái máy bay riêng cho ông ta, luôn túc trực ngoài bãi, chở Ánh Hoa đi chơi. Có lần, bay gần đến Tây Ninh, bị súng phòng không dưới đất bắn lên, viên phi công phải bay vòng trở lại. Từ đó, Ánh Hoa không còn dám chơi trò này nữa.
Chuyện trong đám lính hầu của chuẩn tướng Tư kể lại, lâu lâu Ánh Hoa thèm ăn ngỗng quay Hồng Kông, Lê Văn Tư vội cho người tháp tùng máy bay dân dụng sang tận bên đó, chỉ để mua hai con ngỗng quay mang về trong ngày. Nhiều đêm, không ngủ được, Ánh Hoa thấy nhớ tô mì La-Cai ở Chợ Lớn mà trước đây, khi còn làm vũ trường cô ta vẫn thường ghé ăn khuya. Thế là Lê Văn Tư lệnh cho một xe quân cảnh lên đường ngay. Đi về hơn trăm cây số giữa khuya, nhưng khi mang được mì về thì áp trại phu nhân đã say giấc nồng, đành bỏ vào tủ lạnh. Sáng mai mang ra thì người đẹp lắc đầu: “Không muốn ăn mì La-Cai nữa mà chỉ thèm bồ câu quay Thiên Nam”. Xe quân cảnh lại lên đường.
Một bước thành bà, vài ba tháng Ánh Hoa lại rủ bạn bè thân thiết sang tận Paris mua sắm cho ngang tầm với đẳng cấp của mình. Tất nhiên là mọi chi phí đã có Lê Văn Tư bao trọn gói.
Để cung phụng cho người đẹp tiêu xài còn hơn cả bà hoàng, tướng Lê Văn Tư trượt dài trên con đường tha hóa. Ông ta tổ chức lính ma, lính kiểng, có tên nhưng không có người để lãnh lương của họ, đút túi riêng. Cho thuộc cấp bán quân trang, quân dụng và nhu yếu phẩm (ăn chặn của lính) ra ngoài thị trường...
Lê Văn Tư thời đó vơ vét quá đỗi và lộ liễu. Bất cứ việc gì hái ra tiền là tướng Tư đều lao thân, hăng hái tham gia. Cuối cùng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày đó đã đành lòng đem Lê Văn Tư ra làm vật tế thần. Tháng 11/1973, Lê Văn Tư bị cách chức và giáng cấp, ngậm đắng nuốt cay nhìn vũ nữ Ánh Hoa ca bài từ biệt để ra đi không hẹn ngày trở lại.
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)