Bí ẩn hầm vũ khí của quân Lê Lợi

Google News

(Kiến Thức) - Đến nay, quanh thác Ma Hao vẫn còn tồn tại nhiều dấu tích bí ẩn liên quan đến vua Lê Lợi.

Nhiều người biết đến dòng thác Ma Hao ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa là địa điểm du lịch hấp dẫn. Thế nhưng, không phải ai cũng biết Ma Hao theo tiếng Thái có nghĩa là Chó Ngáp và Lê Lợi đã từng thoát chết tại dòng thác này trước sự truy kích của giặc Minh những năm 1418 - 1423. 

Bị chó truy sát

Thác Ma Hao nằm cách trung tâm huyện Lang Chánh khoảng 20km, nằm trong dãy núi Ma Hao huyền thoại - nơi vua Lê Lợi từng lẩn tránh các cuộc truy kích của giặc Minh hàng trăm năm trước.

Anh Vi Văn Đạt, ở thôn Năng Cát, xã Trí Nang dẫn chúng tôi đến bên dòng thác Ma Hao rồi giải thích cặn kẽ về gốc tích của thác: "Theo tiếng Thái thì Ma Hao có nghĩa là Chó Ngáp, người dân chúng tôi gọi song song hai cái tên này cùng một lúc để chỉ về dòng thác cao nhất trên dãy núi Ma Hao. Cái tên Ma Hao được người địa phương đặt cho từ năm 1418 - 1423 để tưởng nhớ sự kiện vua Lê Lợi thoát chết khỏi sự truy kích của bầy chó chiến của giặc Minh".

Nói rồi anh chỉ tay lên phía thượng nguồn, nơi dòng nước đang tung bọt trắng xóa như bộ râu ông bụt và kể về sự kiện mà anh vừa nêu ra: "Đó là một trận truy kích tổng lực của giặc Minh lùng sục khắp dãy núi để truy sát vua Lê Lợi. Chúng dùng hàng ngàn quân cùng với một đội quân khác là chó chiến đi ngửi mùi, chó đi đến đâu thì sủa ầm ĩ đến đó. Sau nhiều ngày lần trốn trong rừng, Lê Lợi bị giặc phát hiện và huy động binh lính cùng với một bầy chó truy sát.

Lê Lợi từng thoát chết trong gang tấc ở thác Ma Hao. 


Khi đến thác Ma Hao thì thấy ngọn thác gầm rú dữ dội, nước từ thượng nguồn không hiểu vì sao dâng cao đến ngang lưng người và tung bọt trắng. Lê Lợi dùng hết sức mình tung người bay qua ngọn thác, bầy chó đuổi theo phía sau đến ngọn thác thì ngồi trơ trơ vì không thể nhảy qua thác nước dữ dội, chúng ngồi ngửa mặt lên trời sủa ầm vang một cánh rừng. Khi giặc Minh đuổi kịp đến nơi thì nghĩa quân Lê Lợi đã kịp xuôi xuống chân núi thoát hiểm. Quân Minh lại phải rút lui".

Ở làng Năng Cát, không chỉ có anh Đạt mà rất nhiều người khác nhớ và kể vanh vách sự kiện nghĩa quân Lê Lợi bị bao vây ở dãy núi Ma Hao cùng với nỗ lực chống trả giặc quyết liệt của nghĩa quân như thể sự việc vừa mới xảy ra cách đây vài ngày.

Bà Ngân Thị Chăm, 57 tuổi ở thôn Năng Cát tiếp nối câu chuyện còn dang dở của anh Đạt: "Nghe bảo năm đó, Lê Lợi xuống làng tôi dựng lán nấu cơm, khi nghĩa quân đang nấu cơm thì bất chợt một cơn gió to ập tới kéo theo mịt mù cát bụi. Cát bay táp vào những niêu cơm mà nghĩa quân đang nấu dở khiến họ phải vứt những niêu cơm đi và thịt ngựa để ăn. Sau sự kiện đó Lê Lợi đã đặt tên cho làng tôi là Năng Cát - có nghĩa là cát bay vào niêu cơm và sau khi Lê Lợi chạy thoát sự truy sát của giặc Minh, ông đã lấy tên Ma Hao (theo tiếng Thái có nghĩa là chó ngáp) để đặt cho ngọn thác giữa rừng già và cho đến nay người dân chúng tôi vẫn sử dụng cái tên đó".

Ông Thân giữ thanh kiếm cổ của nghĩa quân Lê Lợi như vật báu trong nhà.

Tìm hang kiếm

Theo lời kể của nhiều người dân địa phương thì sau khi chạy thoát khỏi sự truy sát của giặc Minh, nghĩa quân Lê Lợi đã đào những căn hầm bí mật chôn giấu vũ khí nhằm đối phó lâu dài với giặc Minh ở vùng rừng núi Thanh Hóa.

Ông Hà Văn Thân, ở thôn Năng Cát dẫn chúng tôi đến bên một gò đất bằng phẳng nằm giữa cánh đồng - đó là kho vũ khí bí mật được nghĩa quân Lê Lợi chôn từ cách đây mấy trăm năm bao gồm dao, kiếm, súng thần công... Cách đây hơn 10 năm, một số người dân trong làng ra mô đất này trồng khoai bỗng cuốc lên được rất nhiều kiếm, những thanh kiếm dài khoảng 80 - 120cm đã gỉ sét, sau đó họ chia nhau về bán sắt vụn.

Ông Thân cho biết: "Xung quanh dãy núi Ma Hao chúng tôi đã phát hiện được rất nhiều kho vũ khí được chôn vùi dưới đất hoặc trên các hang đá treo leo lưng chừng vách núi... Các cụ ngày xưa kể lại rằng, nơi này được chọn làm đại bản doanh và là nơi chôn giấu vũ khí lớn là vì Lê Lợi cho rằng có thần linh phù trợ từ sau lần thoát chết trong gang tấc trước sự truy đuổi của giặc Minh cùng bầy chó dữ ở thác Ma Hao".

Theo ông Thân thì ở thác Ma Hao còn một báu vật nữa mà nhiều người đang cất công tìm kiếm từ nhiều năm nay nhưng không thành, đó là một tảng đá hình chữ nhật nằm trên một bãi bằng nhỏ gần thác Ma Hao. Tảng đá này chính là bản đồ hành quân cùng với những vị trí chôn giấu vũ khí, của cải của nghĩa quân Lê Lợi quanh dãy núi Ma Hao. 

"Trước đây khi đi săn đã có lần tôi đụng phải bản đồ đá này, bản đồ đá dài khoảng 2m, rộng 1,8m, rêu phong phủ đầy. Lúc đó tôi nghỉ trưa rồi dùng gậy bới lớp rêu ra và thấy chi chít những vết khắc trên bề mặt. Những lần sau đó tôi có ý lên tìm lại bản đồ đá nhưng vì đường đi khó khăn tôi không nhớ đường vào nên không tìm thấy. Sau này, cũng có vài người trong làng nói là đã tình cờ gặp tảng đá đó khi đi săn, nhưng họ không thể giải mã được bản đồ đá. Chúng tôi cũng không sao chép bản đồ đá ra giấy, mà có sao chép ra thì cũng chẳng hiểu gì về nó cho nên mặc kệ", ông Thân cho biết.

"Chúng tôi đã tổ chức một một cuộc truy lùng bản đồ đá trên dãy núi Ma Hao nhưng bất thành. Hiện nay những người đã từng trông thấy bản đồ đá thì đã già, tuổi cao nên không thể leo núi. Chúng tôi lần mò theo lời kể của nhân chứng, thế nhưng do rừng rậm, đường đi lối lại rất khó khăn nên chưa thể tìm ra bản đồ đá. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố tư liệu và truy tìm bản đồ quý trên dãy núi Ma Hao, nếu tìm ra bản đồ này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trọng việc giải mã chiến lược quân sự của Lê Lợi và tìm các di chỉ khảo cổ được dễ dàng hơn".

Ông Hà Văn Liên (Trưởng phòng Văn hóa huyện Lang Chánh)

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Dương Hòa

Bình luận(0)