Tiết lộ về nam tình báo TQ trong chiến tranh Xô – Đức

Google News

Người Nga đã tuyên dương công trạng của một nhà tình báo Trung Quốc trong Thế chiến II, dù tin tức của người này khi ấy đã không được lưu tâm.

Nhà tình báo nghiệp dư xuất sắc

Cuối năm 1940, đầu năm 1941, một kế hoạch mang tên Barbarossa đã được quân Đức hoàn thành nhằm tấn công chớp nhoáng vào Liên Xô. Mặc dù đã được giữ bí mật rất cẩn thận, kế hoạch này vẫn sớm đến tay đối phương. 
Một trong những nguồn tin đến sớm được gửi từ một người Trung Quốc. 

 Chiến dịch Barbarossa. Ảnh: Genk.

Người đó là Diêm Bảo Hàng – một cán bộ trong hàng ngũ Quốc dân Đảng Trung Quốc. Diêm Bảo Hàng sinh sống ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Từ năm 1931, khi Nhật bắt đầu xâm chiếm nước này, Diêm Bảo Hàng đã cùng một số trí thức như Lư Quảng Tích, Cao Sùng Dân, Vương Hoa đứng ra thành lập Hội cứu quốc kháng Nhật của nhân dân vùng Đông Bắc Trung Quốc. Ba năm sau, nhận lời mời của Tống Khánh Linh, Diêm Bảo Hàng nhận chức Bí thư kiêm cán sự Tổng hội xúc tiến phong trào đời sống mới – một tổ chức do Tưởng Giới Thạch và Tống Khánh Linh thành lập. Ở cương vị này, Diêm Bảo Hàng thường xuyên được tiếp xúc bàn bạc công việc với Tưởng Giới Thạch. 

Mặc dù ở gần lãnh tụ Quốc dân Đảng nhưng chứng kiến sự hỗn loạn của đất nước, thói hủ bại của Quốc dân Đảng nên Diêm dần dần muốn từ bỏ con đường cứu nước giả hiệu của Tưởng Giới Thạch. Sau vụ Trương Học Lương và Dương Hổ Thành làm binh gián bắt cóc Tưởng Giới Thạch, Diêm đã chủ động tới gặp Chu Ân Lai đề nghị được đứng trong hàng ngũ Cộng sản Trung Quốc. Đề nghị được đích thân Chu Ân Lai phê chuẩn nhưng ông cũng đề nghị Diêm giữ bí mật thân phận mình đồng thời tiếp tục tham gia mặt trận dân tộc thống nhất kháng Nhật và phải leo cao vào hàng ngũ Quốc dân Đảng. 

Chính nhờ sự sắp xếp đó của Chu Ân Lai đã đưa Diêm Bảo Hàng vào hoạt động tình báo với những đóng góp to lớn trong Thế chiến II. Hai thành tích nổi bật nhất của Bảo Hàng là thu được kế hoạch Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô năm 1941 và lấy được bản kế hoạch bố trí quân sự của đạo quân Quan Đông Nhật Bản ở Đông Bắc Trung Quốc.

Theo tài liệu Lật lại những trang hồ sơ mật: Sự thật kinh hoàng của Nxb Thông Tấn: Vào đầu tháng 6/1941, khi tham gia một hoạt động lễ tân ngoại giao, Diêm Bảo Hàng gặp gỡ hai vị nguyên lão của Quốc dân Đảng là Tôn Khoa và Vu Hữu Nhiệm. Họ cho Diêm biết là tùy viên quân sự của Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức – Quế Vĩnh Thanh vừa cấp báo về trung tâm rằng nội nhật trong ngày 22//6/1941, quân Đức sẽ mở màn chiến dịch Barbarossa tấn công Liên Xô. Hai người này nói cho Diêm biết vì họ rất coi trọng tài năng của Diêm nên muốn nghe ý kiến của ông về vấn đề trên.

Nhận thức được tầm quan trọng của tin tức này, Diêm đã nhanh chóng báo lại cho Chu Ân Lai kèm theo những đánh giá của ông về thông tin. Nhất trí với những đánh giá của Diêm nên ngày 14/6, Chu điện khẩn cho Mao Trạch Đông, đề nghị Mao trực tiếp thông báo tin quân Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô cho Stalin. Ngày16/6, qua hệ thống liên lạc vô tuyến điện đã được thiết lập giữa khu Diên An với Moscow, Mao Trạch Đông báo cho Stalin biết việc quân Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô cùng ngày giờ cụ thể của kế hoạch Barbarossa. 

Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản TQ cũng báo tin cho tùy viên quân sự Liên Xô tại Trung Quốc – Nicolai Roshchin rằng ngày 22/6 Đức sẽ tấn công. Viên này đã báo cáo về Moscow. Sau khi nhận được tin qua các nguồn từ Trung Quốc, Stalin gửi điện bày tỏ sự cảm kích trước “nghĩa cử” của ĐCS Trung Quốc nhưng ông không lưu tâm lắm đến tin tức này. Stalin cùng các nhà lãnh đạo Liên Xô tin rằng với Hiệp ước Molotov – Ribbentrop không xâm phạm lẫn nhau được Liên Xô và Đức ký ngày 23/8/1939, Đức sẽ không tấn công Liên Xô. Không lâu sau, quân Đức tấn công thật. Bị bất ngờ, Hồng quân đã để mất khá nhiều lãnh thổ và bị thiệt hại nặng nề trong một thời gian.

Kết cục bi thảm 

Ngoài tin tức về kế hoạch Barbarossa, Diêm Bảo Hàng còn có những đóng góp to lớn khác cho ngành tình báo Trung Quốc. Hè năm 1944, Diêm thu thập được một tài liệu vô cùng quý giá. Đó là toàn bộ kế hoạch tỉ mỉ về việc bố trí lực lượng (không quân, lục quân), vũ khí, đồn bốt cũng như phiên hiệu, sĩ quan chỉ huy từng đơn vị được bố trí của quân Quan Đông (Nhật Bản) ở vùng Đông Bắc Trung Quốc và một số nơi khác. Tài liệu này đã nhanh chóng được chuyển về Diên An. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nó, Chu Ân Lai đã cho tổng hợp và thông báo cho phía Liên Xô. Nhờ tập tài liệu này, khi phát động tấn công, Hồng quân đã nhanh chóng đè bẹp đạo quân Quan Đông hùng hậu hơn một triệu người, giải phóng Trung Quốc khỏi ách thống trị của Nhật Bản. 

Diêm Bảo Hàng cũng tiếp tục hoạt động tình báo cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trong vai trò cán bộ của Quốc dân Đảng. Cho đến năm 1949, phe Tưởng Giới Thạch thua chạy ra Đài Loan, Diêm Bảo Hàng đảm nhận những chức vụ quan trọng trong Chính hiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới được thành lập. 

Mặc dù vậy, một thời gian dài, người ta không biết đến thân phận của ông. Mọi người đều cho rằng Diêm Bảo Hàng là một nhân sĩ yêu nước ngoài Đảng. Năm 1962, lần đầu tiên, Diêm tiết lộ về quá trình hoạt động tình báo bí mật trước đây của mình trong một bản báo cáo. Ngày 6/3/1962, đích thân Chu Ân Lai đã xác nhận một cách đầy đủ và tường tận về những gì mà Diêm Bảo Hàng nêu ra trong báo cáo của mình. 

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, sự nghiệp của Diêm không trọn vẹn. Trong Cách mạng Văn hóa, ông trở thành đối tượng đấu tranh của những tiểu tướng Hồng vệ binh dưới sự lãnh đạo của “Bè lũ bố tên” (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên). Đêm 6/1/1967, ông bị bắt, nửa năm sau thì chết một cách oan uổng trong ngục. Vài năm sau, “Bè lũ bốn tên” bị lật đổ, Diêm Bảo Hàng mới được phục hồi danh dự. Ngày 5/1/1978, tro cốt của Diêm Bảo Hàng được đưa về an táng tại Nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn ở Bắc Kinh. 

Từ một trí thức yêu nước, Diêm Bảo Hàng chưa qua một ngày nào học trong các trường lớp tình báo. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Chu Ân Lai, Diêm Bảo Hàng đã thu thập được những tin tức cực kỳ quý giá. Ông quả thật là một nhà tình báo nghiệp dư xuất sắc của Trung Quốc.
Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)