Bí ẩn mai táng trinh nữ trông coi mộ Hán (1)

Google News

Đến bây giờ, vẫn tồn tại truyền thuyết, trong mộ Hán có táng trinh nữ để trông coi mộ phần và phục vụ chủ nhân.

Một đời "đào mộ rồi lại chôn mộ" như Giáo sư khảo cổ Đỗ Văn Ninh cho đến ngày về với các cụ cũng không lý giải hết những bí mật liên quan đến mộ Hán.

Chuyện bông đùa thành ma lực cho kẻ trộm mồ

Tôi xin vái vọng tới vị Giáo sư khảo cổ hàng đầu của Việt Nam về mộ táng và xin kể lại câu chuyện tôi từng được nghe ông kể. Hồi ấy, tôi gặp Giáo sư Đỗ Văn Ninh sau một cơn tai biến, cộng với bệnh gút khiến ông yếu hơn so với tuổi. Trí nhớ cũng giảm nhiều, nhưng chuyện về những lần khai quật mộ Hán vẫn còn tươi mới. Ông kể lại: "Ngày ấy, chúng tôi khai quật ngôi mộ một Quận công thời nhà Lê, mộ táng tại Nam Hà (nay là Nam Định). Trong khi nghỉ ngơi, ngồi quán nước chúng tôi bông đùa với nhau rằng, trong khu mộ có người đàn bà đẹp và có nhiều đồ vàng, bạc, ngọc ngà được chôn làm đồ tuỳ táng. Đó là ngôi mộ của những quan tướng, những nhà giàu". Câu nói đùa, vô tình trở thành ma lực hút những kẻ hám tiền lao vào cuộc đào bới, tìm kiếm kho báu chôn cùng mộ Hán.

Chuyện đùa tưởng cho vui, ai ngờ bà quán nước mắt chẳng dám hé ra khi nhìn quan tài người chết sau nhiều năm vẫn còn nguyên nhưng sẵn sàng thêu dệt đủ chuyện: Ngôi mộ của một ông quan to, lúc ông chết đã được chôn cùng biết bao đồ vàng bạc, châu báu và cả hai bà vợ cũng được chôn theo chồng. Vậy là, người ta tin chuyện chủ nhân của mộ Hán thường ngậm ngọc quý để giữ xác nguyên vẹn, đồ tuỳ táng có giá trị là chuyện có thật. Từ đó, hễ thấy đâu có mộ cổ là có những tay đào trộm săn lùng, tìm kiếm cổ vật.

 Khai quật mộ Hán.

Không phải tự nhiên mà người ta tin tưởng vậy đâu. Theo các nhà khảo cổ thì mộ Hán được bắt chước cách táng thức của người Trung Quốc cổ đại. Đó là những bí mật về kho báu từ các mộ của các bậc đế vương như Tần Thuỷ Hoàng, Đường Minh Hoàng, Tào Tháo... Và cả chuyện những cung tần mỹ nữ được chôn cùng với chủ nhân. Cứ  lan truyền như vậy, nên những khu mộ Hán ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên... luôn là địa điểm săn lùng của các tay đào trộm mộ.

Theo Giáo sư Ninh, cách đây nửa thế kỷ, nếu chúng ta đi trên các cánh đồng ở các huyện, nhất là vùng Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều, Kinh Môn, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang... có thể thấy hàng nghìn gò đống lớn nhỏ.  Những đống ấy đều do con người tạo nên trong lịch sử, trong đó phần lớn là mộ xây theo kiểu Hán, có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ IX. Nhiều ngôi mộ rất lớn, có diện tích mộ phần hàng nghìn mét vuông. Gần hai nghìn năm dãi dầu mưa nắng mà vẫn còn cao tới 5-6m. Hầm mộ có khi tới hàng trăm mét vuông, đồ tùy táng bằng gốm thô và đồ đồng có thể tới vài trăm cá thể, trọng lượng hàng tấn. Tiền đồng, nhất là tiền Ngũ thù thời Đông Hán có mộ chứa tới hàng chục cân. Để xây đắp những ngôi mộ này, phải có hàng chục khối gạch lớn, đào đắp hàng vạn khối đất cho một ngôi mộ. Bởi thế gần những mộ lớn, thường có những hồ, đó là dấu tích của việc xây dựng mộ kiểu Hán cách đây khoảng một nghìn năm.

Chính vì thế những cuộc truy tìm, đào bới tìm cổ vật tại những khu mộ Hán ngày càng nhiều. Những tay trộm mộ quên cả chuyện có trinh nữ trông mộ, những huyền bí, lời nguyền, yểm bùa không làm chùn bước những kẻ khao khát tìm kiếm kho báu và cổ vật.

Cơn khát "hàng độc"

Theo chuyện kể của Giáo sư Ninh, những năm 70 của thế kỷ trước ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, từng lan truyền chuyện đồn đại như huyền thoại rằng người Hoa đã trấn yểm vàng chôn trong các ngôi mộ cổ ở linh địa này. Những đêm tối trời và người có duyên sẽ nhìn thấy những con vịt vàng, lợn vàng ngoi lên mặt đất như muốn tìm đường về cố quốc. Cái chuyện khó tin với các nhà khảo cổ nhưng lại rất hấp dẫn kẻ trộm mộ.  Bằng chứng là suốt một thời gian dài nhiều ngôi mộ cổ ở đây đã bị lùng sục, đào bới. 

Thậm chí một thời gian dài trước nó còn rộ lên thành phong trào. Những kẻ trộm mộ ở cùng địa phương tập trung đi thành nhóm và trang bị cả máy rà bom mìn để phát hiện đồ kim loại quý cùng người xưa về thế giới bên kia. Nhiều khi họ đào phải xác ướp, không biết có lấy được gì đáng giá nhưng thi hài người đã mất bị bỏ vất vưởng mưa nắng trên đồng. Đến khi, các nhà khảo cổ tìm đến nghiên cứu thấy chạnh lòng, xót xa cho các bậc tiền nhân.

Có thời gian trong giới đồ cổ có truyền tai nhau rằng có tay trộm mồ tìm được một thanh kiếm cổ chôn theo thi hài viên thái thú Nam Hán. Thanh kiếm này, được "chủ nhân" dương trần rao bán 100.000 USD và phi vụ làm ăn thành công với một khoản tiền lớn giành cho kẻ đạo chích. Trong vòng quay ma lực của đồng tiền, đồ tùy táng được kẻ trộm bán sang tay cho người thích sưu tầm đồ cổ.  Theo Giáo sư Đỗ Văn Ninh thì mấy người sở hữu sau biết chúng từng an nghỉ hàng trăm, hàng ngàn năm dưới lòng đất với bao nỗi niềm của người chết. Họ chỉ biết rằng, những thứ đồ mà họ bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu là "hàng độc". Chính sự sính "hàng độc" này mà những cuộc truy quét đồ cổ trong các mộ Hán càng trở nên quyết liệt khiến người chết phải mủi lòng.

Cũng theo Giáo sư Đỗ Văn Ninh, mộ táng của người Việt theo nghi thức Hán, thậm chí là của người Hán sống trên đất Việt xưa, thường chỉ chôn theo những đồ tuỳ táng bình thường như chính cuộc sống của họ. Mộ Hán mà từ trước đến giờ ông khai quật và chôn lại không có ngọc quý, vàng bạc như người ta đồn thổi.

 Giáo sư Ninh.

Trấn yểm âm binh

Chẳng biết có phải để hù doạ nhau hay không mà chính trong những tên đạo chích chuyên đào bới mộ cổ cũng đã dựng lên những câu chuyện hết sức bi ai. Trong khi đi tìm hiểu về mộ Hán, tôi được một ông trùm đồ cổ chuyên sưu tầm những đồ tuỳ táng của tiền nhân kể lại cái chết bất ngờ của một gia đình đào trộm mộ cổ ở Nam Định. Một lần tìm được rất nhiều cổ vật, vàng bạc có giá trị ở khu mộ Hán, hai bố con đạo chích gói ghém lại và mang đi bán. Trên đường lên Hà Nội để bán món đồ đặc biệt này thì gã bất ngờ bị tai nạn chết. Người con tiếc của thay cha đem đi bán lại chết trẻ. Em trai theo bước anh cũng không kịp sống để phá tiếp ngôi mộ nào nữa. Gia đình hoảng sợ tìm thầy giải. Thầy bảo phải dẫn đến ngôi mộ đã trộm rồi phán: "Mộ này đã bị chính người chết tự trấn yểm trước khi qua đời. Gia chủ lỡ xâm phạm lấy gì thì trả lại hết. Không tin cứ đào gần ngôi mộ này sẽ thấy bộ xương một đứa trẻ đã bị trấn yểm âm binh bảo vệ mộ Hán”...

Không chỉ tai hoạ ập đến khi con người xâm phạm mộ cổ, mà tại khu mộ Hán đình Quán La người dân còn truyền nhau câu chuyện khá ly kỳ. Tại khu địa đạo này vốn đã có nhiều giả thuyết khác nhau. Cuối cùng các nhà khảo cổ kết luận đó là mộ Hán. Khi đến đây, tôi được nghe kể lại truyền thuyết, thời Pháp thuộc, có hai vợ chồng người Pháp cưỡi ngựa đi dạo quanh khu vực này. Thấy có địa đạo rộng, người ngựa liền phi vào đó. Và các cụ ngày ấy cứ truyền cho thế hệ sau rằng, chỉ thấy họ đi vào mà không thấy đi ra. Chính vì thế, câu chuyện về đường địa đạo này càng trở nên huyền bí, và có thời nó làm rợn gáy những người yếu bóng vía.

Ở nhiều điểm có mộ Hán, người ta cứ thêu dệt những câu chuyện hết sức thần bí. Những gò đống ở Hải Dương, Quảng Ninh thường có dấu tích của mộ Hán. Khi chưa biết đó là khu mộ mọi việc không có gì to lớn cả, người ta vẫn ngồi tán chuyện, nghỉ ngơi sau mỗi buổi đi làm đồng. Nhưng mọi chuyện đồn thổi xuất hiện khi người dân biết đó là khu mộ cổ. Có lần tôi đến một khu mộ giữa cánh đồng tại Kinh Môn (Hải Dương) ngồi quán nước, hỏi về mộ cổ liền được nghe câu chuyện ma quái đầy mê hoặc. Chỉ về khu gò đất, bà chủ quán bảo, đó là khu mộ của một nhà giàu, người Hán. Ở đó, người ta chôn theo tất cả những gì thuộc về cuộc sống của họ. Nghe nói, khi chủ nhân chết đi người hầu cũng bị chôn theo để hầu hạ. Người ta táng cả gái đồng trinh để yểm bùa giữ mộ phần. Những trưa nắng, vắng vẻ thi thoảng người dân vẫn thấy người con gái mặc đồ trắng đi về phía đó rồi mất hút trong lùm cây...

Những câu chuyện như thế cứ được kể ở những khu có mộ cổ. Nó càng xoáy sâu vào sự tưởng tượng ly kỳ của con người. Nhiều người bán tín bán nghi chuyện yểm trinh nữ xuống mộ Hán để canh giữ mộ phần chống lại sự xâm phạm của dương gian.
Khai quật mộ Hán.
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)