Khám phá “ẩn ý lạ” của người Việt khi giao duyên...

Google News

(Kiến Thức) - Các trò chơi luyến ái, giao duyên điển hình trong các lễ hội ở Việt Nam phải kể đến hát giao duyên (hát xoan, hát ghẹo, hát đúm), ném còn, chơi đu...


Trong xã hội cũ, do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo-“nam nữ thụ thụ bất thân”, trai gái trưởng thành ít có cơ hội để trò chuyện, giao lưu. Do vậy, những trò chơi trong hội làng được tổ chức nhằm mục đích tạo điều kiện cho nam nữ được công khai gặp gỡ và tìm hiểu nhau. Không ít đôi đã nên vợ nên chồng từ những cuộc chơi như thế.

Ném còn

Ném còn là trò chơi yêu thích của nam nữ thanh niên trong dịp hội xuân. Đây không chỉ là trò giải trí mà còn là hình thức giao duyên mang màu sắc nghi lễ, cộng đồng để cầu chúc một năm mới no đủ, trai gái thành đôi.

 Cuộc chơi ném còn thu hút đông đảo người xem.

Vào dịp lễ hội, người ta dựng ngoài sân một cây tre cao khoảng 15-20m, trên đỉnh cột có một đường uốn vòng tròn đường kính 30-50cm dán giấy đỏ hồng tâm. Cột thường được dựng theo hướng Đông-Tây với ý nghĩa âm-dương hòa hợp. Cách chơi còn gợi ý nghĩa phồn thực khi quả còn bay trúng vòng tròn, xé thủng miếng giấy đỏ hồng tâm bịt kín vòng tròn.

Người xưa quan niệm đây là trò chơi phong tục, cầu lộc, cầu duyên. Nếu ai ném quả còn làm thủng tâm sẽ thắng cuộc, đồng thời dân làng cũng sung sướng, vì như vậy là điểm báo năm nay làng sẽ được mùa và may mắn. Nếu năm nào còn không lọt thì phải thi ném lại vì sợ mất mùa. Quả còn nào trúng đích sẽ được đem về thờ tại đình hay được cắt nhỏ chia cho dân làng để lên bàn thờ hoặc đem rắc ngoài ruộng với hy vọng cầu một mùa vụ bội thu.

 Ném còn là trò chơi yêu thích của nam nữ thanh niên trong dịp hội xuân.

Ở nhiều nơi, cuộc chơi còn mang đậm màu sắc giao duyên nam nữ, khi quả cầu trở thành vật trao chuyển tình cảm của nam và nữ. Khi đó, người con gái được phép bày tỏ với bàn dân thiên hạ biết người trong lòng mình bằng cách ném quả cầu vào tay người con trai ấy. Việc đỡ còn, nhận còn cũng chính là cách mà người con trai đáp lại tình cảm của người con gái.

Trò ném còn hiện nay có thể tìm thấy trong các lễ hội mùa xuân ở Măng Sơn (tỉnh Hà Tây trước đây), ở hội Đền Cả, hội Đền Hùng (Phú Thọ)...

Chơi đu

Chơi đu cũng là một cổ tục bộc lộ luyến ái tính giúp cho trai gái có dịp gần gũi nhau trong các dịp hội xuân tại các làng quê Bắc Bộ. Trong các lễ hội xuân ở Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh... không thể vắng bóng một vài cây đu trồng ở giữa bãi đất trống nơi gần đình chùa mở hội.

Sau khi chơi đu, nhiều đôi nam nữ phát sinh tình yêu.

Trước năm 1945, đánh đu là trò chơi phổ biến ở hầu khắp các hội làng trong cả nước. Chơi đu có nhiều hình thức như đu tiền, đu ngóc... nhưng đu nhún là trò chơi khỏe đẹp, thể hiện sự dũng cảm và được ưa chuộng. Các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún, người đẩy cho cần đu vút lên cao ngang ngọn đu hay thậm chí quay thành một vòng tròn.

Nhiều nơi người ta treo giải thưởng ở ngang ngọn đu để khuyến khích các chàng trai, cô gái trổ tài. Nhưng phần thưởng chỉ là cái cớ để trai gái được đu cùng nhau. Quan trọng hơn cả là tài năng, vẻ đẹp và lòng dũng cảm của các chàng trai, cô gái có dịp phô bày. Được lên đu cùng với người mình ưng ý, được nhún đẩy, được nhìn nhau, trai gái dường như quên đi sự e dè trước sự đông đúc của không gian hội, từ đó tình yêu cũng được phát sinh, biểu lộ.

Hát giao duyên

Hát giao duyên là tục hát đối đáp trong lễ hội mùa xuân nhưng tế nhị hơn các trò chơi kể trên và được thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa, có tính tượng trưng. Hát giao duyên trong các lễ hội của người Việt dường như là một cách giao lưu “thi vị” nhất. Đây là một trò diễn ở trạng thái thuần khiết nhất và khá phổ biến, song vẫn là một biểu hiện gợi tả tín ngưỡng phồn thực của người Việt.

Hát quan họ, một thể loại của hát giao duyên.

Hát giao duyên giữa trai gái có nhiều thể loại như hát quan họ, hát ghẹo, hát xoan, hát đúm, ví dặm, hát trống quân... nhưng đều có điểm chung là hát trao tình cảm nam nữ trong ngày hội. Trong cuộc chơi, người ta đứng làm hai bên, một bên nam và một bên nữ thi trổ tài hát đối đáp, ví von mời chào, trao đổi tâm tình hay bày tỏ tình cảm với nhau. Cứ như vậy, một bên hỏi một bên đáp, họ bày tỏ những yêu thương tình tứ trong câu hát. Có khi là cả hai bên cùng đối đáp, có khi lại chỉ đối đáp từng đôi một. Người hát đi, kẻ đối lại, cứ như vậy mà cuộc chơi kéo dài đến hết ngày này sang ngày khác và nhiều khi sau những đêm hát này lại có thêm những lứa đôi.

Đặc biệt, ở làng Viêm Xá (Diềm) huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có tục gái làng tổ chức hát đối đáp với trai thiên hạ trong kỳ hội làng. Cũng như các cuộc đối đáp khác, ở Viêm Xá trong lúc hát cũng chia ra gái ngồi một bên, trai ngồi một bên. Trước hết có tục mời trầu, sau đó cuộc hát bắt đầu. Đầu tiên là những cuộc hát chúc mừng quê hương, chúc tụng thần linh, chúc tụng làng xóm. Sau đó là những câu thổ lộ tâm tình, gửi gắm duyên nghĩa cùng nhau.


Hát với nhau chừng quá nửa đêm, gái làng mời trai làng khác tham dự cuộc hát về nhà người đứng đầu cả bọn-nhà chị cả để thết đãi. Ăn uống xong cuộc hát lại tiếp tục. Hát ngồi chán, họ chuyển sang nằm hát, đến lúc 2-3h sáng, đèn nến tắt hết, trai gái cùng nằm với nhau mà hát, từng đôi một. Hát với nhau đến khi đã tỏ lòng, những cặp nào ưng nhau cứ việc dắt tay nhau ra khỏi nhà, đưa nhau tới nơi vắng vẻ chỉ còn hai người.

Ở xã Quảng Lãm, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cũng có tục trai gái hát tỏ tình với nhau trong ngày hội xuân rất độc đáo. Đã thành lệ, trai gái Quảng Lãm như đã ngầm hò hẹn từ trước, từ ngày 5-12/3 hàng năm, khi làng mở hội là về gặp nhau, hát và trao tình cùng nhau. Mỗi buổi chiều sau cuộc tế lễ, dân làng mời ca nhi tới hát thờ thần. Trong khi dân làng nghe hát tại đình, thì gái trai tụ họp ở cổng xóm thành từng nhóm khoảng 10 người. Sau ngày đình đám, những cặp trai gái đã hát với nhau có thể lấy nhau nếu thấy ưng ý.

Kéo co

Kéo co là một nghi lễ phổ biến trong các lễ hội truyền thống xưa kia. Tuy nhiên, gần đây, bản chất và vai trò của nghi lễ kéo co đã bị mờ nhạt dần và tính luyến ái giao duyên trở nên nổi trội hơn với mục đích chính là thi sức khỏe, tài trí và tinh thần tập thể, giao lưu kết bạn giữ các làng và giữa trai gái trong làng với nhau.

 Bản chất của trò chơi kéo co là một trò chơi giao duyên nam nữ.

Tùy theo từng vùng mà trò kéo co có cách tổ chức và quy cách khác nhau, kể cả vật liệu dùng làm dây kéo. Người tham gia chơi chia làm hai phe, có số lượng người bằng nhau, dùng sức mạnh kéo phe kia về phía mình là thắng cuộc. Trong những cuộc kéo co này, mục đích thắng thua chỉ mang tính chất tượng trưng, còn bản chất là một trò chơi giao duyên nam nữ.

Như thế, tín ngưỡng phồn thực vẫn nằm dưới bề sâu, và được bộc lộ trong lễ hội dân gian như một tập quán, một nếp sống truyền thống. Những trò chơi tưởng như đơn giản, dễ gây nhàm chán nhưng lại có ý nghĩa thực sự lớn lao đối với người dân.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Phạm Thủy (tổng hợp)

Bình luận(0)