10 kho báu bí ẩn gây xôn xao ở VN (3)

Google News

(Kiến Thức) - Bất chấp những nỗ lực chinh phục không ngừng nghỉ của con người, những kho báu khổng lồ vẫn chỉ là những ẩn số chưa bao giờ được khai mở.

Kho báu 4.000 tấn vàng ở Bình Thuận
Sau khi thất bại với kho báu Ioshida ở Vũng Tàu, ông Trần Văn Tiệp vẫn không nản chí. Ông tiếp tục dồn tâm sức vào việc chinh phục một kho báu khác, đó là kho báu ở Núi Tàu (thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), nơi được cho là đang chôn giấu một kho báu lên đến 4000 tấn vàng.
Số vàng này là tài sản mà tướng Nhật Tomoyuki Yamashita đã vận chuyển từ các nước châu Á mà Nhật chiếm đóng đem về Núi Tàu chôn giấu trước khi đầu hàng quân đội Đồng minh trong Thế chiến thứ hai. Ông Tiệp đã có những thông tin đầu tiên về kho báu này vào năm 1963, thông qua tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy là Lê Văn Bường, người giữ tấm bản đồ chỉ nơi chôn kho báu.
Cuộc khai quật kho báu ở Núi Tàu được dư luận quan tâm đặc biệt.
Năm 1987, ông Tiệp được ông Lê Văn Hiền, lúc đó là bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải (tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay), cung cấp thêm thông tin về kho báu. Đến năm 1992, ông Tiệp cùng ông Hiền xin UBND tỉnh Bình Thuận thăm dò kho báu và được chấp thuận. Từ đó đến năm 2003, họ tiếp tục dồn tiền của, thăm dò nhiều đợt, tìm được một số cổ vật và dấu vết kho báu.
Tháng 10/2011, UBND tỉnh Bình Thuận tái cấp phép thăm dò kho báu. Tháng 6/2012, tiếp tục gia hạn thời gian thăm dò thêm 3 tháng; thời hạn chấm dứt thăm dò là ngày 10/10/2012. Sau đó, ông Tiệp tiếp tục có đơn xin gia hạn và được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận thời gian thăm dò đến ngày 30/6/2013.
Sau ngày 30/6/2013, kho báu vẫn chưa phát lộ, ông Trần Văn Tiệp tiếp tục gửi đơn đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận gia hạn thêm việc khai đào kho báu vì có nhiều phát hiện mới về dấu vết các kho báu này. Vào thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ bao giờ việc khai quật kho báu ở Núi Tàu được nối lại.
Hầm vàng bí ẩn ở Hà Nam
Người dân ở Thanh Liêm, Hà Nam vẫn kể cho nhau nghe một truyền thuyết rằng, vào những đêm trăng sáng có nhiều người đã chứng kiến đàn lợn vàng hàng chục con đùa giỡn trên đường làng. Có tin đồn rằng đàn lợn này là lộc trời cho và có liên hệ tới “hầm thần của”.
Các bậc trưởng lão của làng cho rằng, "hầm thần của" này là nơi chôn giấu vàng của người Tàu. Chủ của kho báu đã yểm bùa rất kỹ để không ai có thể xâm nhập được.
Theo lời kể, hầm vàng rất thiêng. Nhiều người đã lên đây đào bới, thử tìm kiếm cơ may của mình. Song, chỉ cần đào vào đến độ sâu chừng 3m, họ chợt cảm thấy ớn lạnh và khó thở. Càng vào sâu bên trong thì cảm giác này càng gia tăng, vì thế mà chưa một ai dám đào đến tận cùng hầm ngầm.
Sau những đổi thay của xã hội và thiên nhiên, những dấu vết của hầm thần của ngày xưa đã bị xóa nhòa, và có lẽ kho báu này mãi mãi sẽ là một ẩn số lịch sử.
Kho báu khổng lồ của vua Mèo Bắc Hà
Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã phong cho Thổ ty Hoàng Yến TChao chức quan Châu của Bắc Hà (Lào Cai), thông qua đó gián tiếp cai trị cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực hẻo lánh này.
Được thực dân Pháp hậu thuẫn, Hoàng Yến TChao và con trai là Hoàng A Tưởng đã bóc lột đồng bào không thương tiếc, chiếm đoạt cho mình không biết bao nhiêu tài sản của nhân dân. Ước tính, một mình Hoàng Yến TChao đã chiếm giữ 1/2 số đất đai cả vùng miền núi Bắc Hà. Để thể hiện sự giàu có và uy quyền của mình, cha con Hoàng Yến TChao cũng đã cho xây dựng một dinh thự uy nghi và bề thế giữa lòng cao nguyên.
Sự giàu có tột bậc của Hoàng Yến TChao đã để lại nhiều lời xầm xì bàn tán về kho vàng bạc, châu báu chất đầy trong một căn hầm của ông nằm sâu dưới lòng đất.
Dinh Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà.
Chuỗi ngày sống trên xương máu người của Hoàng Yến TChao chỉ kết thúc khi tỉnh Lào Cai được giải phóng vào năm 1950. Chạy theo thực dân Pháp, toàn bộ gia quyến Hoàng Yến TChao đã tháo chạy vào Đà Lạt, bỏ lại dinh thự nguy nga cùng vô vàn đất đai, tài sản tại Bắc Hà.
Các bậc cao niên tại đây kể lại, trước khi đi, Hoàng Yến TChao còn ép mỗi người con mang theo một gùi vàng, bạc. Nhưng mãi đến tận sau này, người ta vẫn thắc mắc, không hiểu với cả kho của cải cướp được qua nhiều năm, Hoàng Yến TChao đã giấu đi đâu. Bởi những người con của Hoàng Yến TChao, với mỗi người một gùi vàng bạc cũng chỉ tẩu tán được một phần rất nhỏ.
Cho đến ngày nay, vẫn có lời đồn đại rằng đâu đó trong lòng đất phía dưới dinh thự của nhà họ Hoàng còn một kho của cải khổng lồ. Nhiều người đã thử vận may bằng cách đào bới những khu vực quanh đó, nhưng kết quả cho đến giờ vẫn chỉ là con số không…
Kho báu của nghĩa quân chống Pháp ở Hà Giang
Thập niên 1860, hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình nhà Nguyễn, các ông Nguyễn Đình Thái, ông Hoàng Đình Cắm và ông Tăng Văn Dần, thường được gọi là Dần Phụng đã tham gia quân đội, đi trấn áp giặc phỉ, quân phiến loạn ở các tỉnh biên giới phía Bắc và lập được nhiều chiến công lớn.
Khi thực dân Pháp kéo vào xâm lược nước ta, bởi triều đình nhu nhược, ba ông đã tự đứng lên để đánh đuổi quân thù. Sự dũng mãnh, xuất quỷ nhập thần của nghĩa quân do ba ông lãnh đạo đã khiến thực dân Pháp đã nhiều phen khốn đốn, bạt vía kinh hồn khi đưa quân lên Bảo Lạc.
Sau một thời gian đánh Pháp kiên cường, căn cứ ở Bảo Lạc của ba ông đã bị lộ. Thấy không thể cầm cự lâu được ở đây, ba ông đã quyết định kéo quân về Hà Giang để lập căn cứ mới. Nơi ba ông dừng chân là thôn Chùng, xã Phúc Tuy, tổng Yên Long cũ, nay là thôn Vĩnh Chà, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang.
Vào những năm 1885 đến 1888, phong trào đấu tranh của ba ông Cắm, Thái, Dần lớn mạnh không ngừng. Quân Pháp kiên quyết tiêu diệt căn cứ, nên tổ chức quân đội, tay sai đánh rầm rộ từ nhiều phía nhưng mạnh nhất là từ mạn Lục Yên (Yên Bái).
Vào năm 1888, trong suốt hơn chục ngày liên tiếp, nghĩa quân Quảng Mã đã kiên cường chống trả cuộc bao vây của thực dân Pháp, khiến chúng thương vong không biết đâu mà kể. Đến khi kiệt quệ, biết không thể cầm cự thêm, ba ông đã quyết định nghị hòa, giải tán nghĩa quân theo yêu cầu của quân giặc để tránh những thương vong, mất mát không cần thiết.
Khi nghĩa quân giải tán, một phần kim ngân, tiền bạc của phong trào đã được phát cho binh lính để họ về quê ổn định cuộc sống. Phần lớn còn lại, do sợ cướp bóc không thể mang đi nơi khác, nghĩa quân đã quyết định chôn giấu ở ngay căn cứ. Nơi cất giấu kho báu, theo lời kể là khoảnh đất dưới chân một ngọn núi thấp ở thôn Vĩnh Chà, bây giờ người ta quen gọi là núi Bạc.
Từ câu chuyện lịch sử này mà từ nhiều thập niên qua, nhiều người dân địa phương đã tiến hành tìm kiếm kho báu. Có người đã đầu tư cả cơ nghiệp cho cuộc tìm kiếm, khai quật quy mô lớn, nhưng kho báu vẫn chưa một lần lộ diện.
H.P (tổng hợp)

Bình luận(0)