Tết qua mới biết con hư!

Google News

(Kiến Thức) - Tết ốm nằm bẹp trên giường, bị các con không thèm đoái hoài, tôi mới nhận ra rằng mình đã chiều con quá hóa hư.

Hỏi: Một cái Tết thật dài đã qua đi. Với nhiều gia đình, đây là một dịp sum họp đầm ấm, cha mẹ con cái gần gũi nhau hơn. Còn với tôi, những dư âm đọng lại thật buồn, khi tôi chợt nhận ra, con cái mình, được nuông chiều chăm bẵm quá đã trở nên ích kỷ, sinh hư.

Tôi có ba đứa con. Hai đứa lớn đang học đại học, đứa út cũng đang học lớp 12. Bao nhiêu năm nay, thương con học hành vất vả, Tết nhất là dịp nghỉ tôi đều cố gắng để con nghỉ ngơi thoải mái, ăn ngủ vô tư, thích gì làm nấy. Tôi chẳng bắt ép con điều gì, dù là làm việc nhà đỡ đần mẹ hay đi chúc Tết đây đó, trừ khi các cháu thích.

Nhưng năm nay, tôi ốm quá. Bởi vậy ngày Tết, tôi phân công các con một số công việc. Đứa lo mua sắm bày biện ban thờ, đứa hỗ trợ bố làm giò, gói bánh; đứa kê lại bàn ghế, sắp xếp lại nhà cửa... Các con tôi vẫn làm, nhưng phụng phịu ra mặt.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cũng vì ốm, Tết tôi không thể dậy sớm mỗi ngày làm cơm cúng, nên tôi nhắc nhở các con dậy. Đến việc này thì không chỉ phụng phịu, chúng nó càu nhàu, vùng vằng, kêu ca nhức cả đầu. Chúng nó bảo có mấy ngày Tết muốn nghỉ ngơi cũng không yên, tôi ốm yếu nằm một chỗ mà cứ bày vẽ mệt người.

Rồi khi tôi nhắc các con sang bác này cô nọ chúc Tết giúp mẹ thì chúng thực sự nổi xung lên. Ngày Tết, tôi chẳng muốn làm ầm nhà, nhưng tôi vẫn cương quyết bắt các con phải đi. Thế là cả Tết vừa qua chúng hợp đồng với nhau chiến tranh lạnh với mẹ. Tôi buồn quá!

Nếu không có lần ốm này, tôi sẽ không nhận ra được những điều đó. Mọi năm, Tết được mẹ chiều chuộng cung phụng, chúng toe toét suốt ngày, cái gì cũng mẹ ơi mẹ à; năm nay có bữa chúng đi chơi, quên cả về chuẩn bị đồ ăn cho mẹ ốm nằm một chỗ. Tôi mò dậy nấu bát miến nuốt vội mà hối hận vì bao năm qua đã quá chiều con, không day cho con biết quan tâm, chia sẻ.

Tôi nghĩ giờ cũng đã muộn rồi, nhưng muộn còn hơn không, tôi phải làm gì đó để thay đổi các con mình. Sau này chúng lập gia thất, nếu chúng vẫn sống kiểu này thì dâu rể sẽ chẳng coi chúng tôi ra gì. 

Nhưng tôi không biết liệu mình có thể làm được không. Tôi đang thực sự rất cần một lời khuyên để bắt đầu công cuộc cải tạo con cái của mình!

(Trần Kiều Thanh, Ba Đình, Hà Nội)

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đáp: Chị đã đi qua một cái Tết buồn và không dễ chịu gì, nhưng đó lại là trải nghiệm quý giá cho phép chị nhận ra điều bất ổn trong cách nuôi dạy con của mình. Nếu chị vẫn khỏe mạnh vui vẻ cưng chiều con, chị sẽ không bao giờ nhận ra sự thật, nhận ra hậu quả và những sai lầm khi không dạy con tự lập, tự phục vụ bản thân, biết chia sẻ và giúp đỡ người khác.

Thay đổi không bao giờ là quá muộn và một năm mới là khởi đầu tuyệt vời để bắt đầu “cuộc cải cách” trong gia đình chị. Hãy chia sẻ với con về trải nghiệm của chính chị khi ngày Tết bị ốm mà không một ai để ý, chăm sóc, về việc các con lớn rồi nhưng chưa hề biết cách lo lắng cho bản thân mình và người khác. Hãy nói với con trên tinh thần không trách cứ, phán xét các con lười biếng kém cỏi, thay vào đó thừa nhận những sai sót của chính chị, xin lỗi các con và mong các con cùng nhau cố gắng để xử lý vấn đề.

Một sự ra lệnh và bắt ép sẽ khiến các con chị có phản ứng tự vệ, chống đối và bất hợp tác. Thay vào đó, hãy thành thật hỏi ý kiến con, theo con, mẹ nên làm thế nào, ai muốn làm công việc gì, những lúc mẹ bận ai sẽ nấu cơm, ai sẽ dọn nhà, ai giặt quần áo… Một danh sách công việc cụ thể dán trên tủ lạnh có thể là cách hay để thể hiện sự đồng thuận, đồng thời nhắc nhở các con hoàn thành công việc của mình. 

Sự thay đổi nên tiến hành từ từ, từng bước một, như thế khiến các con cảm thấy dễ dàng thực hiện, hứng khởi khi có thể hoàn thành chúng. Chẳng hạn, thay vì đòi hỏi các con phải nấu một bữa cơm ngay, chị có thể đề nghị con lớn cắm cơm, con hai lo rửa bát, ngày nào cũng như vậy sẽ hình thành cho con thói quen tốt về lâu dài.


Bình luận(0)