Vợ đòi đứng tên toàn bộ tài sản gia đình

Google News

(Kiến Thức) - Mới đây, bố mẹ tôi đã chia toàn bộ tài sản thành các phần cho mấy anh em tôi. Nhà cửa mua ngày xưa cũng được ông bà sang tên cho từng cặp vợ chồng.

Thấy vậy, bố mẹ vợ tôi cũng gọi về, cho một khoản tiền tương đối lớn, với lý do chúng tôi đã đủ trưởng thành, ổn định, ông bà cũng muốn theo gương nhà nội, di chúc nốt phần tài sản cho con cái để thanh thản khi trời gọi về.

Nhưng chính chuyện chia chác của hai nhà đang khiến gia đình nhỏ của tôi loạn lên. Vợ tôi sau khi thống kê toàn bộ tài sản của hai vợ chồng thì đòi sang tên cho cô ấy hết. Cô ấy lấy lý do đàn ông thường bồ bịch, làm ăn liều lĩnh có khi mất mát; đàn bà thì ai cũng vì chồng vì con; để đứng tên cô ấy nhỡ rủi ro tôi có thay lòng hay thất bại khi làm ăn, thì cuộc sống của hai đứa con cũng không bị xáo trộn. Cô ấy nhất mực khăng khăng rằng tài sản ông bà nội ngoại cho, làm bố mẹ phải có trách nhiệm giữ gìn cho con, mà mẹ giữ cho con thì là tốt nhất, bao giờ chúng 18 tuổi cô ấy sẽ chuyển sang tên chúng.

Tôi bực mình vô cùng. Xưa nay tôi là người đàn ông có trách nhiệm, chưa từng làm gì có lỗi với vợ con, lúc nào cũng yêu thương gia đình hết mực. Hơn nữa, nói thẳng băng ra, nhà cửa, tiền nong bố mẹ cô ấy cho, cô ấy đòi để tên mình đã đành, đằng này phần ông bà nội cho tôi cô ấy cũng đòi. Cô ấy bảo nhỡ tôi thay lòng, thế nhỡ cô ấy thay lòng thì bố con tôi tay trắng ra đường à? Tôi đã nói như vậy với cô ấy, và nhà tôi duy trì tình trạng chiến tranh lạnh vì chuyện này đã nửa tháng rồi.

Tôi thực sự chẳng tiếc gì vợ con cả. Tôi đã từng nghĩ nếu 1 ngày tôi có khốn nạn chán vợ thèm phở thì tôi cũng không bao giờ mang tiền của con cái đi cho gái. Thế mà vợ tôi lại đề phòng chồng như vậy.

Tôi đang chán quá. Tôi có nên mặc kệ vợ không? Hay tôi chia đôi, của cô ấy thì để cô ấy giữ, của tôi thì tôi giữ? Hay tôi cứ thuận theo lời vợ cho êm ấm cửa nhà?

Xin một lời tư vấn từ chuyên gia!
 
Nguyễn Nam Anh (Vũ Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội)
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáp: Tôi rất thông cảm với tâm trạng của anh lúc này. Khi kết hôn, cơm lành canh ngọt, ít cặp vợ chồng nào nghĩ đến cảnh ly tán, để phân minh rạch ròi chuyện tài sản. Từ góc nhìn của một số người, làm như vậy là không tin tưởng, hết lòng hết dạ với nhau.

Tuy vậy, nỗi lo lắng của vợ anh cũng có nguyên nhân của nó. Thực tế, có rất nhiều người vợ đắng lòng ra đi trắng tay sau khi ly hôn vì mọi tài sản đều đứng tên chồng, trong khi tài sản đó có mồ hôi nước mắt của người vợ. Về mặt tình cảm, chúng ta mong muốn và hết sức mình để xây dựng hôn nhân bền vững, nhưng sự rõ ràng về pháp luật cũng là điều cần thiết, đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.

Như vậy, một khi hai vợ chồng đã muốn rõ ràng về mặt pháp luật, tài sản thì hãy phân chia một cách hợp lý. Theo luật hôn nhân gia đình, vợ chồng có quyền sỡ hữu tài sản riêng, đó là những tài sản có trước khi kết hôn, hoặc được thừa kế riêng, tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân, có quyền nhập hoặc không nhập vào tài sản chung.  Nếu anh phó mặc cho vợ, nghe lời cô ấy thì anh sẽ đứng trước nguy cơ mất quyền lợi với phần thừa kế riêng của mình nếu hai vợ chồng ly hôn.

Anh có thể thuyết phục vợ anh cùng trao đổi với luật sư để có sự phân chia rõ ràng, hợp tình hợp lý. Ngoài ra, hãy thể hiện sự chân thành, trách nhiệm và mong muốn hôn nhân lâu dài với vợ, xoa dịu chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng.

Bình luận(0)