Tết sinh viên: Em chưa bao giờ thích về nhà!

Google News

(Kiến Thức) - Những ngày nghỉ là cơ hội để nhiều người trở về sum họp gia đình. Thế nhưng có những trường hợp rất đặc biệt, họ sợ ngày nghỉ hơn cả những ngày thường...

Đọc loạt bài viết “Tết sinh viên” trên Kienthuc.net.vn, nhiều người sẽ ngạc nhiên vì những “chiêu trò” của sinh viên trong dịp nghỉ lễ Tết dương lịch. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một góc cạnh của đời sống sinh viên, còn có những hoàn cảnh rất đặc biệt khiến họ không muốn về nhà.

Trong mấy ngày nghỉ lễ, các xóm trọ sinh viên tại Đình Thôn (Mỹ Đình, Hà Nội) rất vắng vẻ, tĩnh mịch. Phải đi mấy khu trọ chúng tôi mới nhìn thấy hình ảnh của một sinh viên dáng người mảnh khảnh nhỏ bé đang nấu vội bữa cơm chiều.

 Thùy Anh lủi thủi nấu bữa cơm chiều.

Khác với nhiều người tất bật về quê, Thùy Anh sinh viên năm cuối trường ĐH GTVT, quê Thái Bình lại ngồi thu lu một mình bên chiếc máy vi tính. Dường như em không hề để ý đến sự háo hức về quê ngày nghỉ của mọi người.

Gia đình Thùy Anh có hai chị em gái, vì mẹ không sinh được em trai nên bố suốt ngày rượu chè. Mỗi lần bố đi uống rượu về là lôi mấy mẹ con ra đánh. Cuộc sống của em lớn lên với những trận đòn vô cớ…

Hà Nội đêm xuống, không gian càng giãn rộng hơn ra, cái rét thấm dần vào da thịt. Thùy Anh chia sẻ: “Ngày nhỏ, mỗi lần bị bố đánh, em chỉ có một mơ ước duy nhất là cố gắng học thật giỏi để đi khỏi cái nhà ấy. Đỗ đại học em rất vui, được đi, được thoát cảnh bố túm tóc đánh đập và chửi bới xỉa xói. Vì thế chưa bao giờ em muốn về nhà, chưa bao giờ em thấy nhớ bố cả. Dù em vẫn rất thương mẹ, nhưng không hiểu sao ký ức trong em về gia đình chỉ là những trận đòn mê tơi”.

Thùy Anh nhớ về năm học lớp 12, cũng cái mùa đông giá lạnh như thế này. “Nhà em ở quê chuẩn bị vào mùa cấy. Em và mẹ đi làm đất mạ về thì thấy bố em đã đi uống rượu ở đâu về rồi. Nhìn thấy em, bố rút đòn gành đánh tới tấp. Em không hiểu điều gì đang xảy ra cả…”. 

 Những ngày nghỉ càng làm nỗi ám ảnh của Thùy Anh về gia đình không hạnh phúc tăng lên.

Nói rồi em chỉ lên vết sẹo hãy còn trên đầu. Nước mắt em chảy chan chứa: “Hôm đó, em mê man bất tỉnh. Vì thương em mà lần đầu tiên mẹ em phản kháng. Một sự dày vò đau đớn đến khó tả…

Với nhiều người, bữa cơm gia đình là điều gì đó thiêng liêng hạnh phúc. Nhưng với em thì nó là địa ngục. Bữa nào bố không say thì cả nhà còn được ăn yên ổn. Còn không thì canh đổ, cơm đổ và... đứng dậy chạy.

Có nhiều lúc, các bạn em hay tự hào kể về bố mình. Em thấy vô cùng ghen tị, xót xa cho mình. Tuổi thơ của em thiếu đi vòng tay che chở của bố, thiếu đi những lời động viên. Người ta bảo, bố thường yêu con gái nhưng sao điều này với em nó xa vời”.

Những ngày lễ tết, hội hè, mọi người háo hức vì được về nhà chơi. Còn với Thùy Anh thì đó lại là những ngày buồn nhất. Vì em sợ về nhà, em sợ lại bị đánh, bị mắng vô cớ, hằn sâu trong tâm trí em là nỗi ám ảnh sợ hãi.

Xóm trọ vắng tanh, những tiếng khóc nấc cùng với những ám ảnh về gia đình khiến cho cái lạnh thấm buốt hơn trong một tâm hồn khao khát được yêu thương.

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU


Ngọc Liên

Bình luận(0)