Nghề lạ: bỏ làm thì ốm - được làm thì vui khỏe

Google News

(Kiến Thức) - "Nhiều đại gia mua kim cương về, sau đó mượn thợ mài giũa cho giống mắt hạc. Giá cả của 4 viên kim cương có giá vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ là điều bình thường".

Căn duyên "bắt" làm hạc

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Đình Long tại một xưởng điêu khắc hạc thờ tại TP Thái Bình, anh Long là đời thứ 3 của dòng họ Nguyễn Đình ở tỉnh Nam Hà cũ làm nghề hạc thờ.

Anh Long dáng người nhỏ thó, nhưng đôi mắt sáng và rất nhanh nhẹn. Khi hỏi về nghề làm hạc thờ, anh tỏ vẻ ái ngại bảo: "Tôi chẳng hiểu hết ý nghĩa quan niệm của cha ông để lại, nhưng cái nghề này cấm kỵ lắm. Nói với người ngoài sợ mất thiêng hoặc bị mất lộc".

Cái lý sợ "mất thiêng" mà anh Long đưa ra là cha ông của anh đã "ăn lộc thánh", tức có căn duyên phục vụ "cõi âm" nên cứ cha truyền con nối, cha làm hạc, con cũng phải làm hạc, nếu bỏ nghề sẽ bị ốm đau liên miên hoặc bị một điều gì đó chẳng lành.

Anh Long bảo: "Tính đến tôi là đời thứ 3 làm hạc thờ rồi, tôi đang phải truyền cho các con giữ nghề này. Nghề này làm khó, không giản đơn như điêu khắc thông thường mà còn có những bí mật nghề nghiệp cho đôi hạc thờ thực sự có hồn cốt".

Hạc thờ phải được làm từ gỗ mít. 

Theo anh Long, một khi gia tộc nào đã có căn duyên phục vụ "cõi âm" thì việc làm hạc thờ rất đơn giản, học làm cũng rất nhanh. Từ đời ông nội anh Long, nghề làm hạc đã được sản xuất khá thịnh hành, anh Long học nghề cũng nhanh, chỉ hơn chục ngày mày mò là đã thạo nghề. Đến bây giờ, đứa con hơn chục tuổi của anh cũng đã biết tay đục tay bào chế tác hạc thờ một cách độc lập.

Xưởng sản xuất hạc thờ của anh Long nằm sâu trong một con ngõ nhỏ, chúng tôi bước vào, mùi khói hương lan tỏa. Anh Long giải thích: "Mấy cái ông thợ này cũng đều có căn duyên đấy, họ cũng "dị" như tôi. Người thì là thủ từ của đền, người lại bị câm điếc, nhưng cứ được làm hạc thờ là họ vui và khoẻ ra".

Anh Long khẳng định, những người có căn duyên thì làm hạc bao giờ cũng đẹp và hút khách hơn những người khác. Điều này được anh chứng minh qua 4 đời làm hạc gia truyền của dòng tộc mình.

Làm hạc thờ phải có căn duyên. 

Nhịn ăn để làm hạc

"Các cụ có câu nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, làm nghề gì cũng cần phải giỏi thì mới mong đem lại vinh quang. Nghề làm hạc không giản đơn như mộc mỹ nghệ đâu. Người làm hạc không chỉ phải giỏi mà còn phải có cái tâm thật trong sáng và niềm đam mê bất tận", anh Nguyễn Đình Long chia sẻ.

Ông nội của anh Long từng là một nghệ nhân lừng danh nhất nhì tỉnh Nam Hà cũ, hầu hết hạc thờ ở các đình đền chùa chiền đều do ông làm. Rồi bố anh Long, nghệ nhân Nguyễn Đình Trùy cũng nổi tiếng khắp Bắc Nam với nghề làm hạc. Đến nay, hầu hết những đôi hạc thờ nổi tiếng ở các đền chùa ở Thái Bình là do tay ông làm.

Anh Long là con nhà nòi, nghề làm hạc đã ngấm vào máu và trở thành niềm đam mê lớn. 10 tuổi, Long đã hoàn thiện được một đôi hạc cao hàng mét, người trong nghề nhìn vào cũng phải kính nể. Từ đó đến nay, không chỉ tự tay làm ra những đôi hạc đẹp, anh Long còn truyền nghề cho hàng trăm người từ khắp các nơi đổ về học hỏi.

Anh Long bảo: "Nhiều khi tôi phải nhịn ăn để hoàn thiện nốt tác phẩm, đang nguồn cảm hứng mà mình dừng lại thì khó mà có tác phẩm tốt". Việc làm hạc thờ cũng khá phức tạp. Đầu tiên, người nghệ nhân phải học cách chọn gỗ và ngửi gỗ, đó là loại gỗ mít không bị nứt nẻ hay có mùi hắc, mà phải thơm.

Sau đó, gỗ được phơi khô tự nhiên, tạo kích thước để vạc gỗ cho giống hình hạc. Sau các công đoạn thô là khâu tỉa vây, tạo vảy và trạm trổ sao cho mỗi đường nét phải thật tinh xảo. "Làm hạc thờ không giống như hạc cảnh, đồ thờ bao giờ cũng phải chỉn chu, mình lừa được người thường chứ đâu lừa được thần thánh", anh Long cho hay.

Đôi hạc thờ cao 2m có giá tới 18 triệu đồng. 

Mắt hạc đắt bằng ô tô

Để hoàn thiện được một đôi hạc bằng gỗ mít có chiều cao 2m, một nghệ nhân lành nghề như anh Long cũng phải mất tới 3 tuần liên tục mới có thể hoàn thành. Anh Long cho biết, giá bán của một đôi hạc như vậy sẽ từ 12 - 18 triệu đồng.

Có những đôi hạc cao 3m thì phải "nối gỗ", bệ hạc là hình con rùa lớn cũng phải công phu hơn thì giá cả có thể dao động tới trên 30 triệu đồng. Mỗi tháng, anh Long có thể bán ra thị trường hàng chục đôi hạc như vậy.

Anh Long cho hay: "Bây giờ những đại gia đặt hàng làm hạc rất công phu và đẹp mắt. Giá một đôi hạc thì ít thôi, chỉ 30 triệu đồng nhưng riêng phần mắt hạc thì bằng cả cái ô tô đấy".

Nhiều đại gia lấy kim cương làm mắt cho hạc thờ. 

Theo anh Long, nhiều đại gia mua kim cương về, sau đó mượn thợ mài giũa cho giống mắt hạc. Giá cả của 4 viên kim cương có giá vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ là điều bình thường.

Còn những đại gia tầm trung thì không dùng kim cương, mà đi "săn" các hòn bi ve mà trước đây các sập gụ cổ thường hay gắn vào mắt rồng. Họ mua trọn bộ sập gụ nhưng chỉ gắp lấy những viên bi và cho lại gia chủ bộ sập. Giá 4 viên bi này có thể lên tới cả trăm triệu đồng. "Họ dùng kim cương hoặc bi cổ quý giá lắp vào mắt hạc theo quan niệm phong thủy, vì hạc là hình tượng thần thánh, tinh hoa của trời đất".

Chính tay anh Long đã từng làm hạc theo đơn đặt hàng và được một đại gia ở Ninh Bình đánh xe ô tô rước anh về tận nơi để thực hiện công đoạn lắp kim cương vào mắt hạc.

"Giá gỗ mít để làm hạc thờ bây giờ còn đắt hơn lim, một khối gỗ mít xịn lên tới 60 triệu đồng. Thậm chí có thời điểm không có gỗ mít để mua. Nghề làm hạc cần phải có lộc, có duyên thì mới thành công được, không có duyên thì chỉ có lụn bại. Nhưng cơ bản vẫn là cái tâm trong sản xuất, đó cũng là chữ tình, chữ hiếu qua đôi hạc trước ban thờ tổ tiên".

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Trần Hòa

Bình luận(0)