Nỗi đau người đàn bà 53 năm mang “thân hình quỷ“

Google News

Trong căn nhà vẻn vẹn 20m2, một người đàn bà vẫn đang sống "lê lết" với căn bệnh xưa nay hiếm

Trong căn nhà vẻn vẹn 20m2, một người đàn bà vẫn đang sống “lê lết” với căn bệnh xưa nay hiếm, căn bệnh mà người dân khu 8, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ đặt cho cái tên nghiệt ngã: ‘thân hình quỷ’.

Một con người trong một hình hài lại ‘không giống người’ có lẽ là nỗi đau khôn tả đối với bà Nguyễn Thị Hải.

Những cục mụn sần sùi to nhỏ, những khối u thịt mọc như ‘nấm’ tràn lan khắp cơ thể đã khiến cuộc đời bà ‘phải đau đớn’ bước sang một trang mới. Ngoài nỗi đau về thể xác khi phải vật lộn với bạo bệnh cả ngày lẫn đêm, bà còn phải tủi hờn với bao nhiêu con mắt chỉ trỏ, ngó nghiêng rồi bàn tán vào ra của người đời.

Nếm trái đắng hơn năm mươi ba năm…

Sinh ra trong một gia đình đông anh em (4 gái, 3 trai), bà Hải là con út trong gia đình mà bố mẹ đều là thuần nông. Trên mảnh đất tàn khốc nhất miền trung du bởi chiến tranh bom đạn giờ chỉ cón bà Hải, người chị gái thứ tư và anh trai thứ sáu may mắn sống sót trước bao nhiêu họng súng, mảnh bom.

Ngôi nhà mà bà Hải đang sống không cao to, không vững chãi, cũng không khang trang như ngôi nhà hai tầng của hàng xóm kề bên mà xiêu vẹo, nhỏ bé, khép nép dựa bên một góc vườn như chính thân hình bà bây giờ.

Bà Hải với gian phòng nửa sáng nửa tối
Bà Hải với gian phòng nửa sáng nửa tối

Đang nhoài người “đánh vật” với cái bậc thềm cao chừng 30 phân để vào trong nhà sau khi rửa xong mấy chiếc bát ăn, nhìn thấy có khách bà dừng lại trên thềm, đưa ánh mắt đã bị che khuất quá nửa bởi những bọc mụn li ti mới mọc, bà Hải e dè mời tôi ngồi trên chiếc ghế gỗ vừa bằng hai bàn tay: “Có sợ không, chắc cũng sợ hả?” là câu hỏi mà bà Hải hỏi khi tôi tiếp xúc với bà.

Quả thực lần đầu nhìn thấy những khối u thịt cứ to như quả táo, quả cam đang làm khổ người đàn bà đã sống hết quá nửa đời người không ai là không rùng mình, ghê sợ. Nhưng kèm theo đó cũng là cảm giác chua xót, thương cảm cho cảnh đời éo le đáng thương đó.

Nước mắt bà cứ rỉ ra theo lời nói nghẹn ngào: “Năm mươi ba năm rồi đó, chúng cứ sinh ra ngày một nhiều và lớn dần lên như bây giờ…Thôi thì trời cho sống ngày nào hay ngày nấy”.

Được biết lúc mới sinh ra, bà cũng là một đứa trẻ kháu khỉnh, dễ thương. Những năm đầu đi học, cơ thể bà xuất hiện những nốt sần nhỏ nhưng không ai để ý.

Sang cấp hai, những nốt sần lan ra khắp người cả đầu, trên mặt, rồi chân tay, lúc này gia đình cuống cuồng đưa bà đi hết bệnh viện trong và ngoài tỉnh đến cả lang y gần xa nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu bó tay.

Tủi cực vì căn bệnh nan y phải mang trên người, thêm phần xấu hổ với bạn bè và mọi người xung quanh vì căn bệnh chẳng giống ai, bà nghỉ luôn học khi vừa tuổi mười lăm.

“Nhìn thấy tôi như vậy, bạn bè chẳng ai dám tới gần. Trong giờ học cũng không ai quan tâm ngoài lời động viên “dè dặt” của bạn ngồi cùng bàn. Hoàn cảnh như vậy tôi sẽ phải làm như thế nào ngoài việc nghỉ học?”- câu hỏi bất chợt của bà khiến tôi chỉ biết cười trừ mà trong lòng cảm thấy xót xa.

"Khi tuổi vừa trăng tròn, căn bệnh của bà ngày càng nặng lên, những mụn nhỏ li ti ngày nào bằng hạt gạo thì lúc này chúng đã lớn như quả sung, trông vào thì ai cũng sợ từ người lớn cho đến trẻ nhỏ. Ai ai cũng tránh xa tôi như “tránh tà”".

Bà Hải chua xót: “Người lớn trong làng bảo tôi rằng bị quỷ ám, bọn trẻ nhỏ cũng tránh biệt không dám lại gần, cứ nhìn thấy tôi là chúng chạy, có khi chúng còn la thét vì trông tôi giống…quỷ”.

Từ đó đến nay, bà phải chấp nhận sống chung với căn bệnh như một điều tất yếu mà bà Hải gọi đó là cái “số trời” đã định.

Cảm thương người đàn bà mang thân hình quỷ
Cảm thương người đàn bà mang thân hình quỷ

Căn bệnh này cứ hành hạ mãi bà bởi những cơn đau nhức, rồi ngứa ngáy khắp người. Càng gãi bà càng thấy nóng ran, mẩn đỏ rồi thành mụn nước nhỏ. Chẳng thể gọi tên cho căn bệnh này nên lúc đầu người dân trong làng gọi đó là bệnh nổi da cóc, sau thì gọi là bà Hải “thân hình quỷ” cho đến nay.

Anh Nguyễn Văn Ngọc, cháu gọi bà Hải bằng cô cho hay: “Trong một lần bị ngã cách đây mấy năm trước, cô Hải đã bị liệt đôi chân, giờ chỉ có thể di chuyển bằng cách chống hai tay rồi lê đi, chẳng làm gì được nữa”.

Trong căn nhà che được nắng mà chẳng thể che được mưa đó, có lúc một mình đau đớn cho số phận nghiệt ngã, bà tự tay cào cấu vào những u cục như đang “ký sinh vô thời hạn” trên cơ thể mình với suy nghĩ thà đau nhức về thể xác còn hơn cứ sống trong cảm giác bị người đời xa lánh, dè bỉu.

Thấy niềm vui qua… chiếc chõng đu

Khi còn sức làm việc bà cũng đi gặt mướn, cấy thuê bòn nhặt những đồng tiền công ít ỏi kiếm được để trang trải cuộc sống qua ngày. Nhưng rồi cũng đến một ngày đôi chân của bà không thể bước đi bình thường nữa. Bà chỉ có thể dùng hai tay để thay đôi chân đã vẹo vọ vì xương ống đã trật khỏi bàn chân đầy u thịt.

Cuộc sống của bà Hải cứ thế trôi đi “lùi lũi” trong chuỗi những ngày đen tối bên mái tranh xơ xác, cứ nửa tối nửa sáng.

Không chồng không con, người thân cũng không giúp được gì nhiều. Bà lầm lũi hết lê ra rồi lại lê vào trong căn nhà chật hẹp. Cuộc sống của bà Hải chỉ dựa vào số tiền trợ cấp ít ỏi cho người nghèo và tàn tật 180 ngàn đồng hàng tháng. Số tiền này có lẽ chỉ đủ mua vài thang thuốc bổ đang đặt trên chiếc bàn phía trong nhà. Bà không có gì, cũng chẳng còn gì.

Lúc bố mẹ bà lần lượt qua đời cũng là lúc bà đã qua cái thì con gái. Bao nhiêu ước mơ đều tan theo những bọc nước trên cơ thể. Đối với bà, bà không biết thế nào là tình yêu và hạnh phúc gia đình cũng đã quá xa vời và cái suy nghĩ nửa vời: “Thà chết đi có lẽ sẽ bớt đau đớn hơn” luôn chập chờn trong đầu.

“Bọn trẻ nhà anh Ngọc! Nếu không có nhỏ Thu, nhỏ Hiền, đặc biệt là thằng nhỏ Long ngày nào cũng ghé chiếc chõng đu mà bố tụi nhỏ làm đó để thi thoảng xuống chơi với bà thì không biết giờ này tôi sẽ thế nào”.

Chiếc chõng đu không ngày nào vắng bóng mấy đứa trẻ con anh Ngọc chạy sang chơi, nó như cầu nối giữa bà và bọn trẻ. Bà tâm sự chỉ biết thầm cảm ơn bọn trẻ đã giúp bà quên đi những đau đớn, cho bà vui trở lại dù niềm vui ấy chẳng thể nào kéo dài bởi những nốt lặng khi đêm về.

Không còn khả năng đi lại, làm việc thì niềm vui nho nhỏ khi có tiếng cười đùa của trẻ nhỏ khiến bà Hải vơi đi nỗi cô đơn phần nào. Nhiều người trong làng cũng hiểu được hoàn cảnh của bà, họ không còn xa lánh, kỳ thị bà như trước mà cái tình làng nghĩa xóm lại tìm về với bà những năm tháng cuối đời.

“Bây giờ người trong làng họ cũng quen mắt với hình hài này và cũng hiểu cho hoàn cảnh thân già này rồi, nhiều người thương cảm còn mang cho tôi gạo, cả đường, sữa nữa. Tôi cũng không còn cảm giác lạc lõng, cô đơn như trước đây nữa”.

Bà chia sẻ: “Tôi vui, tôi thèm được nghe lời chào hỏi. Ngày nào tôi cũng lê ra thềm, mọi người hay hỏi thăm tôi. Bọn trẻ không những không sợ tôi mà thi thoảng chúng còn đến giúp tôi quét nhà, nhóm lửa nấu cơm”.

Niềm vui, sự lạc quan sẽ vẫn còn lẫn lộn trong từng cơn đau đớn bởi hàng ngàn cái mụn lạ đang treo lơ lửng trên cánh tay, trên bắp chân, trên hai gò má và… khắp nơi của người phụ nữ 53 tuổi mà như 63 tuổi này.

Người đàn bà ấy vẫn mang một hy vọng rằng bệnh có thể không khỏi nhưng bà khao khát đôi chân của mình có thể đứng được, đi được như trước để bà có thể gặp mọi người, nói chuyện với mọi người cho bớt nỗi sầu tủi của những năm tháng còn lại cuối đời.

(Nguồn: Infonet)

Bình luận(0)