Sập hầm thủy điện: chỉ 1 mét nữa sẽ khoan thông đường

Google News

(Kiến Thức) - Vào lúc hơn 6h sáng 19/12, mũi khoan thông đường từ khu vực của xả đã chỉ còn cách hầm nơi 12 nạn nhân đang mắc kẹt 1 mét.

Bấm F5 để cập nhật liên tục

5h30 ngày 19/12: Máy khoan ở khu vực cửa xả tiếp tục hoạt động sau khi bùn và nước đã bị múc dọn để tránh ảnh hưởng đến các thiết bị điện.

3g00. Ngừng khoan ở khu vực cửa xả để tìm phương án di dời các thiết bị điện, tránh bị nước làm ngập. Theo Tuổi Trẻ, nguyên nhân là khi khoan được khoảng 54m, nước và bùn từ phía trong chảy ra rất mạnh. Trước khi tiếp tục khoan, cần cho xe múc xúc bớt bùn đất, gỡ dây điện trên thành hầm ra vị trí an toàn.

Sau hơn 9 tiếng đồng hồ, hầm cứu nạn bên trái đã đào sâu được 5m, nhưng việc đào hầm này vẫn có nguy cơ gặp đá, phải đào đường vòng hình chữ U. Hầm bên phải cũng chỉ đào được hơn 10 mét.

0h30: Mũi khoan từ cửa xả đã khoan được gần 55m, chỉ cách vị trí các nạn nhân hơn 10m.

22h ngày 18/12. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên gửi lá thư mà ông viết ngay cửa hầm ( cho 12 nạn nhân cùng với giấy bút để họ có thể viết thư ra.

Nội dung thư của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng:

Thân gửi 12 anh chị em trong hầm!

 Ban chỉ đạo phòng chống  cứu nạn đang tập trung toàn lực để giải cứu các anh chị, với lực lượng máy móc để giải cứu các anh chị; với lực lượng máy móc thiết bị hiện đại nhất và hang trăm nhân lực của Bộ Quốc phòng,  Bộ Công an, Bộ y tế, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Lâm Đồng.

Anh chị em yên tâm, bằng mọi cách bảo vệ sức khỏe và thông tin kịp thời ra ngoài những yêu cầu của mình để được đáp ứng

Ở ngoài này mọi người làm việc 24/24 giờ với tinh thần nhanh nhất để cứu các anh chị.

21h30: Theo thông tin mới nhất, mũi khoan từ đỉnh đồi xuống vị trí hầm sụp đã gặp phải tảng đá khi khoan được 40m và bị gãy. Theo kế hoạch, mũi khoan đường kính 10cm này sẽ giúp tạo lỗ thông rộng hơn để chuyển quần áo và thực phẩm xuống khu vực 12 công nhân đang bị mắc kẹt. Đây thực sự là điều rất đáng tiếc.
Trước tình hình này, lực lượng cứu hộ sẽ thực hiện một mũi theo hướng như vậy ở một vị trí khác.
Về tình hình đào hầm cứu nạn, theo báo Tuổi Trẻ, hầm cứu nạn đầu tiên đã đào được hơn 8m. Hầm thứ hai này được đào lúc 17 giờ chiều và đã đào được hơn 2m.
Theo các kỹ sư đang có mặt tại hiện trường của Công ty Sông Đà 505, hy vọng hiện tập trung phần lớn vào hầm thứ hai. Lý do là hầm thứ hai được các chiến sĩ công binh – Lữ đoàn công binh 293, Binh chủng công binh thực hiện sẽ được đào thẳng, với độ dài dự kiến khoảng 30m sẽ đến được vị trí các nạn nhân.
Trong khi đó hầm thứ nhất dù đã đào được hơn 8m nhưng ngay khi đào được 2m đã gặp phải đá và phải bẻ sang phải. Do đó, dự kiến hầm này sẽ được đào theo hình chữ U và phải đào khoảng 40m.
Trao đổi với PV, thượng tá Lê Đình Hùng – Lữ Đoàn phó, Lữ đoàn Công binh 293 đang trực tiếp chỉ huy tại hiện trường cho biết: “Không thể dự báo được chính xác thời điểm hoàn thành đường hầm thứ hai vì địa chất rất phức tạp”.
Theo quan sát của phóng viên, tiến độ đào của hai hầm là khá chậm, khoảng 5 – 7 phút mới đào được một xe cút kít đất đá.
Các chiến sĩ công binh và đội cứu hộ của Tập đoàn Than khoáng sản phải khom người rất thấp, dùng xẻng nạy từng xẻng đất chuyển ra ngoài rất khó khăn.
Các vách hầm vừa được đào xung ngay lập tức được gia cố bằng gỗ thông và thép.
Gần 18h, ánh điện sáng rực cả một góc đồi khu vực thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Lực lượng công binh, cơ động, công an, điện lực, y tế…thay phiên nhau tranh thủ lót dạ nhanh trước để tiếp tục việc cứu hộ các nạn nhân trắng đêm nay.
Tối nay, một loại dung dịch đặc biệt được chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến sẽ dùng thay cho sữa bơm vào bên trong để giúp các nạn nhân tăng cường sức khỏe, tăng khả năng cầm cự trong thời gian chờ được giải cứu.
 Hiện trường bên ngoài khu vực hầm khi màn đêm buông xuống.
 Đèn sáng rực trong đường hầm phục vụ công việc đào, khoan vào hầm suốt ngày đêm.
Theo thông tin từ lực lượng chỉ huy cứu hộ, dự kiến trong đêm nay mũi khoan từ trên đỉnh đồi xuống khu vực hầm nơi các nạn nhân đang mắc kẹt sẽ hoàn thành và sẽ nhanh chóng chuyển quần áo ấm và nhiều vật cần thiết khác cho nạn nhân.
Đêm nay, mặc cho cái lạnh cắt da thịt, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, công nhân thuộc các lực lượng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công binh, Công an TP HCM, công an tỉnh Lâm Đồng, Đội cứu hộ cứu nạn thuộc Tập Đoàn Than khoáng sản Việt Nam, nhân viên y tế của các bệnh viện…sẽ thức trắng để cứu hộ.
15h20: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nói chuyện trực tiếp với các nạn nhân. Những người bị mắc kẹt trong hầm nhận được lời động viên tinh thần từ Phó Thủ tướng và cho biết cũng đã nhận đầy đủ sữa, thức ăn, nước gừng, thuốc men... bên ngoài tiếp tế vào. Tuy nhiên các nạn nhân cho hay, bên trong đang rất lạnh.
 Phó TT Hoàng Trung Hải tiến sâu vào hầm thủy điện vừa gặp sự cố.
13h30: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn. Sau khi nghe báo cáo quá trình hơn 2 ngày cứu hộ và vào sâu trong khu vực hầm để khảo sát quá trình đào, khoan cứu hộ, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo lực lượng chỉ huy phải bằng mọi cách, nỗ lực đưa các nạn nhân nhanh chóng ra ngoài. Đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, không để xảy ra bất cứ sự cố đáng tiếc nào.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo công tác cứu hộ. 
11h15: Ban chỉ huy lực lượng cứu hộ đã họp nhanh tại hiện trường để triển khai các phương án cứu hộ phù hợp với điều kiện hiện tại.
Lực lượng chỉ huy cho biết: “Đến thời điểm này tất cả các mũi khoan từ 3 hướng cửa hầm chính, phía sau và trên nốc hầm đều đang được các lực lượng tích cực triển khai không ngơi nghỉ và đạt hiệu quả”.
Lực lượng công binh, công nhân Tập đoàn Than khoán sản Việt Nam (TKV)…đã đào, khoan cửa hầm chính sâu hơn 5m; mũi khoan trên đỉnh đồi hầm xuống sâu 30m và mũi khoan từ phía sau hầm vào khoảng 40m.
Ở mũi khoan từ trên đỉnh hầm (đỉnh đồi), nếu khoan đạt độ sâu từ 70 đến 80m sẽ tiếp thêm không khí tự nhiên cũng như tiếp tế được quần áo ấm, thuốc men, lương thực cho các nạn nhân bị mắc kẹt; riêng 2 mũi khoan còn lại sẽ thực hiện song song để bảo đảm nhiều phương án sớm tiếp cận giải cứu các nạn nhân ra ngoài.
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng (phụ trách chỉ huy công tác cứu hộ-cứu nạn tại hiện trường) cho biết: “Trong quá trình khoan, đào nếu gặp đá sẽ sử dụng lượng thuốc nổ (0,06kg) để kích nổ phá đá nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các nạn nhân.
Người phụ trách chỉ huy công tác cứu hộ-cứu nạn tại hiện trường cũng cho biết thêm hiện mỗi giờ hút ra được khoảng 3m khối nước, lực lượng cứu hộ đã khống chế được mực nước trong hầm. Đồng thời qua liên lạc, sức khỏe của các nạn nhân vẫn ổn định.
11h: Mũi khoan thông hơi trên đỉnh đồi đã khoan sâu được hơn 30m. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức có thể để khẩn trương từ lỗ khoan này giúp các công nhân mắc kẹt có được không khí tự nhiên từ bên ngoài, đồng thời chuyển quần áo ấm, thuốc men, thực phẩm cho các nạn nhân…
10h50: 
Nước trong hầm đã ngừng dâng, hút giảm đáng kể…
Lúc 10h50, Giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng, thiếu tướng Bùi Văn Sơn, cho biết thông tin vô cùng khả quan: “Mức nước trong hầm đã được hút ra ngoài đáng kể, hiện chỉ còn độ khoảng chưa đến 40 cm và đã ngừng dâng”.
Bên cạnh đó, các nạn nhân đã nhận được sữa giàu chất dinh dưỡng và thuốc tăng canxi nên sức khỏe của tất cả ổn định, tinh thần cũng được trấn an.
10h: Theo thông tin từ PV Kiến Thức tại hiện trường, có hơn 100 chiến sĩ được Bộ Tư lệnh Công binh điều động từ một Lữ đoàn ở tỉnh Khánh Hòa đã đến hiện trường với hàng chục máy khoan cùng tham gia cứu hộ.
7h ngày 18/12, công tác bơm thoát nước ngập trong đường hầm bị sập tại công trình thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tiến triển tốt. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy lượng nước được bơm hút ra ngoài càng lúc càng lớn hơn.
Suốt đêm 17/12, cùng với việc bơm hút nước dâng ngập khoảng 1,2m trong đoạn hầm nơi có 12 công nhân đang bị mắc kẹt, lực lượng cứu hộ tiếp tục khoan theo hướng từ phía trước cửa hầm thêm một mũi khoan xuyên qua lớp đất đá bị sụp đổ hơn 30m để làm đường thoát nước. Đến hơn 6h sáng 18/12, mũi khoan thứ ba từ hướng tiếp cận này đã thành công.
Lực lượng cứu hộ đang tập kết các thiết bị vào hầm để cứu các nạn nhân. 
Trước đó, vào tối 16/12 lực lượng cứu hộ đã khoan thành công mũi khoan đầu tiên để đặt đường ống cung cấp dưỡng khí và dinh dưỡng, tối 17/12 đã khoan thêm một lỗ để thoát nước ra ngoài. Các lỗ thông vừa được tạo ra cũng giúp cho việc liên lạc và tiếp điện, ánh sáng cho các nạn nhân mắc kẹt bên trong hầm.
Ngoài ba mũi khoan từ phía trước hầm, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết thêm, mũi khoan đang thực hiện ở phía sau hầm cũng đang tiến triển, dự kiến đến khoảng gần 10h ngày 18/12 sẽ xuyên qua 60m đất đá để có thể tiếp cận được với đoạn hầm phía trong.
Có mặt tại hiện trường chỉ đạo trong đêm, ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện sức khỏe của các nạn nhân vẫn ổn nhưng họ cho biết rất lạnh.
"Tối nay, khi các máy khoan từ TP HCM được chuyển lên, lực lượng cứu hộ sẽ khoan một mũi từ trên đỉnh đồi xuống. Lỗ khoan sẽ sâu 70 m, rộng hơn một mét. Khi khoan xong sẽ nhồi nhét quần áo cho các nạn nhân chống lại cái lạnh, sau đó mới tính phương án đưa ra ngoài", ông Yên nói.
Trong lần liên lạc với bên ngoài trước đó, các nạn nhân cho biết sức khỏe tốt nhưng mực nước lên khoảng 1,4 m khiến họ lo lắng. Hiện mọi người vẫn đang ngồi trên các thiết bị công trình bên trong hầm.
Bước ra từ hầm thuỷ điện, anh Nguyễn Văn Quân (quê Hà Tĩnh) đi vội về phía lán trại. Anh Quân có một người em trai đang bị mắc kẹt trong hầm. Được anh trai thông báo đã khoan thông được đường ống nữa, và sẽ hút nước ra ngoài, người em trai giọng rất phấn khởi nói với anh Quân: "Cứ bơm nước ra và đưa thức ăn vào trong này là tụi em OK, anh đừng lo".
"Tôi mừng lắm, đã điện báo gia đình, mọi người đang chuẩn bị vô đây", anh Quân cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Theo tính toán của lực lượng cứu hộ, nếu nước tiếp tục dâng thì phải mất 24 tiếng nữa mới ảnh hưởng đến tính mạng mọi người. Tuy nhiên, sau khi lỗ khoan thứ hai xuyên thủng và nước được bơm ra ngoài, tôi cho rằng, khoảng một giờ sau, nước sẽ không còn dâng cao".
Việc tiếp tế cho 12 công nhân thực hiện bằng cách: sữa được đổ vào một thùng lớn bên ngoài, đưa một ống nhỏ vào ống tiếp tế, để đầu ống nhỏ bên trong từng người đến hút. Còn xúc xích thì được cột dây kẽm dài, kéo vào trong từng cây.
Nhóm PV

Bình luận(2)

Minh Hiền

nguyen van sinh

Nhieu den pin da duoc chuyen vao trong ham?

Minh Hiền

Manhdung

Thi công yếu kém, dụng cụ thi công và cứu hộ sơ sài. Công tác an toàn nhìn sơ đã thấy không đảm bảo. Yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát phải giải trình và chịu trách nhiệm. Khi sự cố xảy ra khổ biết bao nhiêu ban nghành