Từ vụ Đồng Tâm: CB phải làm cho dân hiểu, tin và nghe dân

Google News

“Qua sự việc ở Đồng Tâm đã cảnh báo một vấn đề, nếu không hiểu được dân, nắm bắt được tâm tư của dân sẽ dẫn đến sự thiếu thiện cảm của người dân vào chính quyền địa phương. Do vậy người cán bộ phải nói cho dân hiểu, làm cho dân tin và phải biết lắng nghe dân”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội đã lắng dịu sau cuộc đối thoại công khai giữa Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện người dân, được phát trên loa truyền thanh của xã vào ngày 22.4.
Tu vu Dong Tam: CB phai lam cho dan hieu, tin va nghe dan
 Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Q.H)
Là thành viên của Đoàn giám sát của Quốc hội có mặt trực tiếp tại buổi đối thoại trên ở UBND xã Đồng Tâm, trao đổi với báo chí, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Tại buổi đối thoại, bà con ý thức rất tuân thủ chứ không nhốn nháo. Họ phát biểu rất trách nhiệm, thẳng thắn. Và điều làm tôi cảm động là trong kiến nghị, điều đầu tiên họ không đòi gì mà là nói về cái sai của mình xuất phát từ sự bức xúc rồi xin được tha thứ.
Theo ông Nhưỡng, ông cũng ủng hộ việc Chủ tịch Nguyễn Đức Chung không truy cứu trách nhiệm hình sự toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm. Trước ý kiến cho rằng, như vậy sẽ tạo tiền lệ, ông Nhưỡng cho hay, không lo rằng sẽ tạo tiền lệ, bởi “Đồng Tâm là Đồng Tâm, còn cái khác vẫn là cái khác. Người dân có lỗi, nhưng xem xét tất cả yếu tố thì lỗi đó xuất phát từ bức xúc chưa được giải quyết thấu đáo dẫn đến việc có động thái tiêu cực. Đây không phải chính quyền “đồng loã” với dân để xí xoá câu chuyện phạm tội”.
Đề cập tại sao vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm, ông Nhưỡng thừa nhận, tranh chấp đất đai là vấn đề “nóng”, chiếm tỷ lệ lớn trong các báo cáo, trong đó có tranh chấp giữa cá nhân, gia đình, tổ chức.
Ông Nhưỡng nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu chỉ là một vấn đề, cái quan trọng nhất là lợi ích. Nếu không giải quyết được vấn đề lợi ích thì tất cả tuyên truyền đều không có giá trị, thậm chí càng tuyên truyền lại càng tạo thêm xung đột. Tránh được xung đột về lợi ích thì tránh được xung đột về mặt tư tưởng.
Nhấn mạnh rào ngăn cách nguy hiểm nhất không phải là các chướng ngại vật mà là “rào tấm lòng, rào vô hình”, ông Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề: “Người dân không tin vì sao? Khi cả hàng nghìn người dân đồng lòng không tin anh thì tức là họ hiểu câu chuyện hoặc anh không đủ uy tín và đủ sức thuyết phục. Họ nói không được tuyên truyền đến nơi đến chốn thì đó là lỗi của ai?”
Do đó, để giải quyết thấu đáo vấn đề chỉ có thể xuất phát từ đối thoại. Đối thoại là nhu cầu mang tính nội tại chứ không phải do người khác áp đặt. Đó vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở để đi tiếp, nếu không sẽ là điểm nghẽn. Cuộc đối thoại ở Đồng Tâm chỉ là bước đầu nhưng thành công rất lớn. Sau đó mới có các cuộc thanh tra, giải quyết các bước tiếp theo.
Ông Nhưỡng thẳng thắn nói: Tại sao người dân hồ hởi khi đón lãnh đạo TP.Hà Nội xuống xã? Vì họ được đối thoại. Đây là bài học rất lớn để khi có điểm nghẽn phải đánh giá ngay có đối thoại hay không, đối thoại ở tầm nào, tất cả phải được xem xét một cách nghiêm túc. Tính công khai minh bạch phải thể hiện rõ, nhưng phải là sự minh bạch đó phải đúng bản chất sự thật thì mới tạo được niềm tin. Niềm tin rất quan trọng và phải được xây dựng bằng những thực tế và phải có thời gian.
Mâu thuẫn ở Đồng Tâm là vấn đề rất nhẹ nhàng giữa người dân và chính quyền. Tuy nhiên, chính quyền chưa giải thích được cho người dân, cũng như người dân chưa hiểu cách giải thích của đại diện chính quyền dẫn đến sự “khó hiểu” giữa người dân và chính quyền.
Ông Nhưỡng nhấn mạnh: "Từ sự việc Đồng Tâm, tôi muốn nhấn mạnh để giải quyết khúc mắc, bức xúc của người dân thì chính quyền phải biết lắng nghe dân và giải quyết nhanh nhạy những thắc mắc của người dân. Có như vậy, người dân mới có niềm tin, sự tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. Qua sự việc tại Đồng Tâm cảnh báo một vấn đề, nếu không hiểu được dân, nắm bắt được tâm tư của dân sẽ dẫn đến sự thiếu thiện cảm của người dân vào chính quyền địa phương. Do vậy, người cán bộ, đảng viên phải nói cho dân hiểu, làm cho dân tin và phải biết lắng nghe dân.
Theo XUÂN HẢI/LĐO

>> xem thêm

Bình luận(0)