Những vụ thất thoát tiền tỷ của cựu TGĐ PVC Vũ Đức Thuận

Google News

Cả ông Vũ Đức Thuận và ông Thanh đều rời khỏi PVC khi TCty đang lâm vào tình cảnh kinh doanh thua lỗ nặng nề gần 3.300 tỷ đồng.

Trong lần dự tổng kết Tập đoàn năm 2013, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng yêu cầu PVN làm rõ các sai phạm tại PVC, đồng thời xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Sau đó, Ban cán sự đảng, HĐTV PVN đã họp thống nhất kỷ luật ban lãnh đạo PVC bằng hình thức cho thôi chức vụ với Chủ tịch và Tổng giám đốc PVC là ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đức Thuận.
Như đã đưa tin, trước khi trở thành TGĐ TCty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Vũ Đức Thuận từng giữ các chức vụ như: TGĐ Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Khu đô thị Sông Đà (SUDICO) thuộc Tập đoàn Sông Đà.
Nhung vu that thoat tien ty cua cuu TGD PVC Vu Duc Thuan
 Ông Vũ Đức Thuận thời còn đương nhiệm (Nguồn: Internet)
Dưới thời ông Thuận (2006-2008), Sudico trải qua nhiều thăng trầm. Nếu năm 2007, ông Thuận giúp lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt lên 359 tỷ đồng thì chỉ 1 năm sau đó, ông Thuận lại khiến lãi ròng của Sudico giảm xuống chỉ còn 119 tỷ đồng.
Dù khiến lợi nhuận Sudico "lao dốc" trong năm 2008 nhưng ông Thuận vẫn được chuyển sang vị trí TGĐ PVC từ năm 2009.
Đáng chú ý, thời điểm ông Vũ Đức Thuận giữ chức vụ TGĐ PVC thì ông Trịnh Xuân Thanh đang ngồi ghế Chủ tịch HĐQT TCty này. Cả ông Thuận và ông Thanh đều rời khỏi PVC khi TCty đang lâm vào tình cảnh kinh doanh thua lỗ nặng nề gần 3.300 tỷ đồng.
Điển hình trong số này là Cty cổ phần Thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME) đã bị cơ quan chức năng khởi tố hình sự vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước” và một số lãnh đạo của PVC-ME phải thụ án tù.
Trước đó, vào năm 2009, ông Trịnh Xuân Thanh chủ trương thành lập PVC-ME với số vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó PVC giữ vị trí cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn 40% và giao ông Trịnh Văn Thảo làm giám đốc.
PVC-ME với hoạt động chính là xây dựng hạ tầng, làm nền móng, gia công cơ khí. Tuy nhiên, do năng lực yếu kém, PVC-ME một mặt nhận công trình, rồi cho nhà thầu phụ thầu lại, ở giữa ăn hoa hồng nên công trình thi công không đến nơi đến chốn, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.
Ngày 11/8/2015, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC-ME. Trong số bị can bị truy tố về các hành vi trên thì có tới 13/15 bị can thuộc PVC-ME.
Cơ quan tố tụng xác định PVC-ME đã lập quỹ trái phép hơn 85 tỷ đồng để sử dụng cho hoạt động đối ngoại, tiếp khách. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVC-ME gần 47 tỷ đồng, gây thiệt hại ngân sách hơn 1,1 tỷ đồng và gây thiệt hại tới một doanh nghiệp khác 4 tỷ đồng.
Theo kết luận của các cơ quan chức năng, đến năm 2012, tại PVC-ME đã để xảy ra thua lỗ với khoản tiền hơn 576 tỷ đồng, dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chưa kể những khoản nợ khổng lồ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Thua lỗ thất thoát tại PVC-ME đã góp không nhỏ vào việc thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC.
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện, trong năm 2011, để tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành triển khai các dự án, công trình lớn có số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng (theo Luật đấu thầu thì các công trình này đều phải đấu thầu chọn nhà thầu công khai), thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có chủ trương giao cho các đơn vị trong ngành thực hiện, với điều kiện giá phải giảm hơn 5% so với dự toán được duyệt. Thể theo chủ trương này, PVC là đơn vị xây lắp duy nhất trong ngành được giao phần lớn các công trình, dự án với tư cách tổng thầu hoặc nhà thầu đứng đầu tổ hợp. Sau khi được chỉ định thầu, PVC lập tức chỉ định cho các công ty con hoặc chia nhỏ gói thầu để bán thầu cho các doanh nghiệp ngoài ngành thi công.
Liên quan đến khoản thua lỗ lên tới gần 3.300 tỷ đồng được xác định xảy ra trong giai đoạn 2011- 2013 tại PVC, một quan chức ngành dầu khí trao đổi với phóng viên báo Lao Động đã xác nhận chính trong giai đoạn này, PVC được giao làm tổng thầu EPC nhiều công trình với giá trị các gói thầu lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong đó, riêng gói thầu Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (ở huyện Thái Thuỵ, Thái Bình) do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư, và PVC làm tổng thầu EPC, tổng mức đầu tư dự án trên 34.000 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD). Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nhưng đến nay vẫn đang dang dở. Tiếp đến là Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (ở huyện Châu Thành, Hậu Giang) được khởi công ngày 16/5/2015, do PVN làm chủ đầu tư, TCty Lắp máy VN (Lilama) làm tổng thầu EPC, PVC cũng nhận được 2 gói thầu trị giá hơn 3.000 tỷ đồng theo cơ chế “chỉ định thầu”.
Tuy nhiên, sau khi nhận được các gói thầu khủng mà không phải “thi thố” tài năng, PVC lập tức chia nhỏ các gói thầu này cho các Công ty con thực hiện bằng các hợp đồng ký với các đơn vị thành viên. Cụ thể, với dự án nhiệt điện Sông Hậu, PVC đã ký hợp đồng với các nhà thầu phụ để triển khai các gói thầu như Cty CP Xây dựng công nghiệp và dân dụng dầu khí (PVC-IC); Cty CP Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà (PVSD), bao gồm gói thầu thi công xây dựng các hạng mục thuộc nhà máy chính, bãi thải xỉ…, tổng giá trị gần 1.400 tỷ đồng. Trước đó, ngày 5/6/2015, PVC ký hợp đồng các gói thầu thuộc dự án nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 với Cty CP Đầu tư và Xây dựng dầu khí Phú Đạt (PVC Phú Đạt), Cty TNHH Băng Dương (BDC), Cty CP Địa Kỹ thuật Việt Nam (GEOVIETNAM).
Tại dự án này, theo điều tra của phóng viên Lao Động, PVC còn liên danh với GEOVIETNAM triển khai thực hiện hạng mục thiết kế bản vẽ thi công và thi công xử lý nền có giá trị trên 519 tỷ đồng. Gói thầu Cung cấp và thi công bấc thấm, tường sét của dự án được giao cho GEOVIETNAM thực hiện với giá trị gói thầu gần 139 tỷ đồng. Ngày 1/6/2016, PVC và các nhà thầu phụ là Cty CP Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PVC-MS); Cty CP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí (PVC-PT) đã ký hợp đồng thi công 2 hạng mục Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, với tổng giá trị gần 470 tỷ đồng…
Đó là chưa kể loạt 3 dự án nhiên liệu sinh học tại Dung Quất (Quảng Ngãi), Phú Thọ và Bình Phước, mỗi nhà máy có công suất thiết kế 100 triệu tấn ethanol/năm, do quyết định đầu tư sai cũng đang nằm đắp chiếu. Trong đó, riêng dự án nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ do Liên doanh PVC-Alfa Laval (Ấn Độ) làm tổng thầu EPC khởi công năm 2009, nhưng đến năm 2011 thì “đắp chiếu”, trong khi tổng mức đầu tư tăng gấp đôi từ 1.300 tỷ lên 2.400 tỷ đồng, gây không ít bức xúc cho người dân địa phương.
Trong lần dự tổng kết tập đoàn năm 2013, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu PVN phải làm rõ các sai phạm tại TCty PVC, đồng thời xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Thực hiện kết luận của Thủ tướng, Ban cán sự đảng, HĐTV Tập đoàn Dầu khí VN đã họp thống nhất kỷ luật ban lãnh đạo PVC bằng hình thức cho thôi chức vụ với Chủ tịch và Tổng giám đốc PVC khi đó là ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đức Thuận.
Ông Phùng Đình Thực, nguyên Chủ tịch PVN cũng xác nhận với phóng viên Lao Động rằng, chính ông là người ký văn bản gửi các cơ quan cấp trên khẳng định: “Ông Trịnh Xuân Thanh có phần trách nhiệm về khoản thua lỗ (được xác định gần 3.300 tỷ) tại PVC, yêu cầu ông Thanh và ông Thuận chuyển công việc khác”./.
Theo Tổ quốc

>> xem thêm

Bình luận(0)