Nhiều cơ chế xử phạt tin đồn nhảm vẫn “rợp” mạng xã hội

Google News

Tình trạng tung tin đồn nhảm, "tin vịt" ngày càng gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ phức tạp…gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, làm ảnh hưởng đến ANTT.

“Tin vịt”… gây "sốt" cộng đồng mạng
Mới đây, ngày 20/7, trên MXH Facebook lan truyền hình ảnh một chiếc máy bay mô hình nằm ngang qua mương nước cùng với xe chữa cháy và hoạt động cứu nạn, thực tế đây chỉ là một cuộc diễn tập khẩn nguy nhưng lại được đăng tải kèm nội dung “Mưa to quá máy bay rơi luôn… Thật là kinh khủng… Nội Bài này”. Ngay lập tức, thông tin này được chia sẻ, bình luận “chóng mặt”, nhiều người đã hiểu lầm rằng “do trời mưa to nên tại sân bay Nội Bài đã xảy ra một vụ rơi máy bay”.
Sau khi nhận được thông tin trên, ông Nguyễn Đình Dương - Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - khẳng định: “Thông tin máy bay rơi ở sân bay Nội Bài là bịa đặt”. Ông Dương nhận định: “Việc thông tin sai sự thật và bịa đặt về máy bay rơi ở sân bay Nội Bài không chỉ gây hoang mang cho người dân mà còn gây mất uy tín trong hoạt động khai thác và phục vụ của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài”.
Theo đó, phía Sân bay quốc tế Nội Bài lập tức có văn bản báo cáo Ủy ban An ninh hàng không quốc gia cũng như có văn bản đề nghị Cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ nguồn gốc của tin đồn nhảm. Qua đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an TP.Hà Nội) đã triệu tập “đối tượng” tung tin đồn trên lên lấy lời khai, người này thừa nhận hành vi vi phạm của mình.
Nhieu co che xu phat tin don nham van “rop” mang xa hoi
 Thời gian gần đây xuất hiện nhiều "tin vịt" trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, tổ chức.
Theo tìm hiểu của PV, những "tin vịt" như vậy không phải chuyện hiếm gặp trên các trang MXH. Cụ thể, ngày 14/7/2017, trên các trang MXH cũng xuất hiện thông tin chiếc máy bay Beech 300 Super King Air 350 bị mất tích khi cố gắng hạ cánh xuống sân bay ở Đà Nẵng và được chia sẻ gây hoang mang cho người dân.
Trước đó, trên MXH lan truyền hình ảnh đồng chí Vũ Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bị một số đối tượng xấu ghép hình với những phát ngôn bịa đặt về tình hình biển Đông và mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Hay như cuối năm 2016, tin đồn đổi tiền xuất hiện đã khiến thị trường ngoại tệ, vàng trong nước biến động, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân.
Khoảng đầu tháng 3/2016, trên MXH xuất hiện tin bịa đặt về cá bè xước có nguy cơ bị nhiễm độc tại tỉnh Quảng Bình. Đến giữa tháng 3.2016, cũng tại tỉnh này một “tin vịt” đã được tung lên MXH nói về việc có một thanh niên đi xe ô tô 5 chỗ qua địa bàn xã Quang Phú (Đồng Hới) va chạm với một ô tô tải. Sau va chạm, lái xe 5 chỗ đã rút súng ngắn bắn chết 2 người đi trên xe tải rồi lên xe trốn chạy.
Tất nhiên, đây chỉ là những tin đồn thất thiệt và nhanh chóng được các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền lên tiếng bác bỏ, nhiều trường hợp bị xử lý. Tuy nhiên, những hệ lụy kéo theo không chấm dứt nhanh chóng như vậy. Thông tin bác bỏ thường không được lan truyền nhanh chóng và rộng rãi như những tin đồn. Dẫn đến, một bộ phận dư luận vẫn cho rằng tin đồn là sự thật.
Xóa vấn nạn sống “ảo”, “câu like”
Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định: “Hiện nay các thông tin bịa đặt, "tin vịt", tin đồn thất thiệt xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ ngày càng nghiêm trọng trên các trang MXH. Tình trạng này bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết pháp luật cộng với lối sống “ảo”, nhu cầu “câu like” của một số bộ phận cá nhân hiện nay đã được báo chí phản ánh không ít lần.
Ngoài ra, một số trường hợp, các đối tượng tung tin đồn, “tin vịt” còn nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, bất ổn định trật tự xã hội, gây rối loạn chính trị, nhân cơ hội để tuyên truyền, nói xấu, kêu gọi chống phá Đảng và Nhà nước”.
Nhieu co che xu phat tin don nham van “rop” mang xa hoi-Hinh-2
 Cần phải truy đến cùng, xử lý thật nghiêm những "tin vịt" trên mạng xã hội nếu không sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Ảnh IT
Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp cho biết, với những hệ lụy nghiêm trọng như vậy, các đối tượng có hành vi tung "tin vịt", tin đồn thất thiệt sẽ bị xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật, tùy theo mức độ, tính chất và mục đích của hành vi.
Nhận định về việc chế tài xử phạt đã có, từ xử phạt hành chính đến xử phạt hình sự, trong đó mức độ xử phạt nhỏ nhất cũng vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí phải đi tù đến 7 năm nhưng “tin vịt” vẫn “bay” rợp MXH, luật sư Đăng Văn Cường cho rằng: “Các chế tài xử phạt đều đã có và tương đối nghiêm khắc, tuy nhiên, trên thực tế, thực trạng tung tin đồn, bịa đặt vẫn diễn ra ngày càng phổ biến và mức độ ngày càng nguy hiểm. Điều này một phần là do các đối tượng tung tin đồn đã không hình dung ra được những hệ lụy kéo theo cũng như những hậu quả pháp lý nặng nề mà họ có thể phải gánh chịu. Bên cạnh đó, một phần cũng là do tính chất “ảo” của mạng xã hội nên việc phát hiện, xử lý các đối tượng tung tin đồn là không dễ dàng, gây tâm lý coi thường của các đối tượng”.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, để khắc phục tình trạng tung "tin vịt" tin đồn lên MXH, cần gia tăng hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, để mọi cá nhân hiểu được những hậu quả nghiêm trọng mà những tin đồn thất thiệt có thể gây ra.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng cố tình tung tin đồn nhảm, gây hoang mang dư luận, để tạo tính răn đe đối với toàn xã hội.
Ngoài ra, chính những người sử dụng MXH, tiếp nhận thông tin từ MXH cũng cần cảnh giác với những tin đồn thiếu cơ sở, tiếp nhận thông tin có chắt lọc; mỗi cá nhân cần tích cực cộng tác, phối hợp với các cơ quan chức năng, phản ánh và lên án những hành vi, đối tượng cố ý cung cấp thông tin sai sự thật, gây hoang mang, lo lắng dẫn đến bất ổn định trật tự xã hội.
Phạt thế nào với người tung tin... vịt 'câu like' trên mạng xã hội?
Trao đổi với PV Dân Việt, một số luật sư cho rằng: Các “đối tượng” có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, với mức phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống.
Còn nếu trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì người đưa tin lên mạng có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”.
Đặc biệt, nếu lợi dụng mạng xã hội thông tin bịa đặt có mục đích chống đối chính quyền, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tuyên truyền chống Nhà nước được quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự, với mức phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng.
Ngoài ra, tại Điều 37 Bộ luật dân sự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Theo Thành An/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)