Mưa lũ miền Trung vẫn phức tạp, tiếp tục các biện pháp ứng phó

Google News

(Kiến Thức) -Tình hình mưa lũ tại miền Trung vẫn diễn biến phức tạp, Trung Ương và các địa phương đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp ứng phó...

Mưa, lũ miền Trung vẫn diễn biến phức tạp
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, lũ trên các sông thuộc các tỉnh miền Trung vẫn đang ở mức cao. Cụ thể, lũ trên thượng lưu các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế lên rất nhanh, cường suất lũ từ 0,3 – 0,5m/h và hầu hết đã đạt đỉnh vào sáng ngày 15/10/2016, trong đó trên sông Gianh tại Mai Hóa thấp hơn lũ lịch sử 0,27cm, các sông khác ở mức BĐ3 và trên BĐ3.
Cụ thể, Sông Gianh (Quảng Bình): tại Mai Hóa đạt đỉnh 9,20m (lúc 4h/15, trên BĐ3: 2,7m, thấp hơn lũ lịch sử 0,27m ), lúc 4h/16 là 3,9m trên BĐ1: 0,9m; tại Đồng Tâm đạt đỉnh 17,86m (lúc 22h/14, trên BĐ3: 1,86m), lúc 4h/16 là 7,84 trên BĐ1: 0,84m. Sông Kiến Giang (Quảng Bình) tại Lệ Thủy đạt đỉnh 3,53m (lúc 3h/15, trên BĐ3: 0,83m, thấp hơn lũ lịch sử 0,38m), lúc 4h/16 là 3,02m trên BĐ3: 0,32 m. Sông Thạch Hãn (Quảng Trị) tại Thạch Hãn đạt đỉnh 5,29m (lúc 17h/14, dưới BĐ3: 0,21m), lúc 01h/16 là 1,36m, dưới BĐ1: 1,14m. Sông Bồ (Thừa Thiên Huế) tại Phú Ốc đạt đỉnh 1,92m (lúc 19h/14, trên BĐ1 0,42m).
Mua lu mien Trung van phuc tap, tiep tuc cac bien phap ung pho
 Mưa, lũ miền Trung vẫn diễn biến phức tạp. 
Lũ trên các sông ở Hà Tĩnh: sáng ngày 15/10 lũ trên các sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ đạt đỉnh là 15,64m, trên BĐ2 là 2,14m; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm đạt đỉnh là 11,29m, dưới BĐ2 là 0,21m, sau đó xuống. Từ đêm ngày 15/10 đến nay, lũ trên sông Ngàn Phố lên trở lại, mực nước lúc 4h/16 tại Sơn Diệm: 11,04m (dưới BĐ2: 0,46m); sông Cả (Nghệ An) tại Nam Đàn: 4,78m (dưới báo động BĐ 1: 0,62m);
Lũ trên sông Ngàn Phố, hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La tiếp tục lên, đến trưa, chiều ngày 16/10, mực nước sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm lên mức 12,8m, dưới BĐ3 0,2m; hạ lưu sông Cả và sông La Sông La ở dưới mức BĐ2.
Về tình hình mưa, lượng mưa từ 19h ngày 12/10 đến 19h ngày 15/10 do ảnh hưởng của ATNĐ và gió mùa Đông Bắc trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to. Trong đó mưa lớn ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị tập trung vào các ngày 13,14/10, tổng lượng mưa trung bình từ 100 – 200 mm, sau đó mở rộng ra các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh tập trung vào các ngày 14,15/10, tổng lượng mưa trung bình từ 200 – 500 mm; tỉnh Nghệ An mưa tập trung vào ngày 15/10, tổng lượng mưa trung bình từ 100 – 250 mm
Lượng mưa đêm từ 19h ngày 15/10 đến 01h ngày 16/10 các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, lượng mưa phổ biến từ 20 – 30mm, tỉnh Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 70 – 100mm, tỉnh Nghệ An có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa phổ biến từ 40-70mm.
Nhiều biện pháp ứng phó được triển khai
Nhiều biện pháp đối phó với mưa lũ miền Trung đã được Trung ương và các địa phương triển khai.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có các công điện số 1826/CĐ-TTg ngày 15/10 yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng và các Bộ, ngành tập trung ứng phó, khắc phục sự cố ách tắc giao thông, số 1827/CĐ-TTg ngày 15/10 đề nghị các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và các Bộ, ngành chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với tình hình mưa lũ.
Chiều ngày 15/10 đoàn công tác do của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn đã đi chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình.
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Uỷ ban QGTKCN đã ban hành công điện số 27, 29/CĐ-TW đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và các Bộ, ngành tổ chức triển khai ứng phó với mưa lũ.
Mua lu mien Trung van phuc tap, tiep tuc cac bien phap ung pho-Hinh-2
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra lũ lụt tại Quảng Bình (Ảnh Quangbinh.gov.vn).
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, huy động lực lượng Quân khu 4,5; Quân đoàn 3,4 ứng trực, sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, gồm: 215.992 chiến sĩ và 1.932 phương tiện (947 ô tô, 50 xe lội nước, 80 tàu, 855 xuồng các loại). Bộ Giao thông Vận tải đã có các Công điện số: 46/CĐ-BGTVT ngày 12/10/2016 và số 47/CĐ-BGTVT ngày 13/10/2016 để chỉ đạo công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ tại các tỉnh Miền Trung. Bộ Thông tin Truyền thông đã có công điện số 05/CĐ-BTTTT ngày 15/10/2006 đề nghị Sở TTTT các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các doanh nghiệp bưu chính viễn thông chủ động triển khai ứng phó với mưa, lũ, bão Sarika. Bộ Công An đã có công điện số 11/CĐ-BCA-BCD ngày 15/10/2016 đề nghị Công an, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cảnh sát giao thông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các Tổng cục chủ động triển khai ứng phó với mưa, lũ, bão Sarika. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, gửi thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, tàu thuyền biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương theo dõi sát diễn biến của ATNĐ, tình hình mưa, lũ khu vực miền Trung, thường xuyên ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo về ATNĐ, mưa lũ.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và bão, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo tới các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố; cử đoàn công tác phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình, kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình.
Tỉnh Quảng Bình: UBND tỉnh đã có các công điện số 21/CĐ-UBND ngày 12/10, số 22/CĐ-UBND ngày 13/10, số 24/CĐ-UBND ngày 15/10 đề nghị các địa phương, các sở ban, ngành tập trung ứng phó với mưa, lũ, đồng thời tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương trực tiếp chỉ đạo phòng, chống mưa, lũ trong đó đã huy động lực lượng bộ đội di dời 1.856 hộ dân đến nơi an toàn (Quảng Trạch: 78 hộ; Bố Trạch: 1.500 hộ; Tuyên Hóa: 278 hộ). Tiếp cận và hỗ trợ cung cấp nhiên liệu, thức ăn, nước uống cho cán bộ và hành khách trên tàu bị ách rắc.
Tỉnh Hà Tĩnh: UBND tỉnh đã có các công điện số 18/CĐ-PCTT ngày 12/10, số 20/CĐ-PCTT ngày 13/10, số 21/CĐ-PCTT ngày 14/10 đề nghị các địa phương, các sở ban, ngành tập trung ứng phó với mưa, lũ tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương, bán sát cơ sở đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ.
Tỉnh Thừa Thiên Huế: Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có công văn số 4285/CĐ-BCH ngày 12/10/2016 đề nghị các địa phương, các sở ban, ngành nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ và phân công cán bộ trực tiếp xuống địa phương đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ.
Tỉnh Quảng Trị: Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có công điện số 161/PCTT ngày 11/10/2016 đề nghị các địa phương, các sở ban, ngành chủ động ứng phó với mưa, lũ và phân công cán bộ trực tiếp xuống địa phương đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ, bão.
Tỉnh Nghệ An: UBND tỉnh đã ban hành công điện số 31/CD-UBND ngày 13/10/2016 đề nghị các địa phương, các sở ban, ngành chủ động ứng phó với mưa, lũ và tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ.
Các tỉnh, thành phố ven biển khác từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã có công điện thông báo, chỉ huy các địa phương, các sở, ban ngành tổ chức ứng phó với bão Sarika.
Hiện các cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ nhất là đối với các khu vực đã xảy ra mưa rất to thời gian qua; Tập trung cứu chữa người bị thương; huy động lực lượng tìm kiếm người bị mất tích, bố trí chỗ ở tạm cho những hộ gia đình có nhà bị sập, đổ, ngập. Giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường (nước rút đến đâu vệ sinh đến đó); Huy động lực lượng, phương tiện san gạt đất, sửa chữa đường sớm khôi phục giao thông; bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc; Kiểm tra, rà soát kiên quyết di dời dân đang sinh sống tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; Tổ chức kiển tra các hồ chứa nước nhất là các hồ chứa đã đầy (đang xả tràn) để đảm bảo an toàn công trình và dân cư, cơ sở hạ tầng khu vực hạ du; chủ động xả nước các hồ chứa; Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Sarika, kịp thời thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh; Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)