Mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực

Google News

Hình thức đầu tư BT (xây dựng-chuyển giao) đổi đất lấy hạ tầng không còn là mới ở Việt Nam.

Hình thức đầu tư BT (xây dựng-chuyển giao) đổi đất lấy hạ tầng không còn là mới ở Việt Nam. Tuy nhiên hơn chục năm qua, thể chế và những quy định pháp lý cho hình thức đầu tư này vẫn đang tồn tại nhiều lỗ hổng, thậm chí khá tù mù.
Một trong những kẽ hở lớn nhất trong thực hiện chính sách này là thiếu quy định về điều kiện thanh toán dự án BT, bao gồm từ cách thức xác định chất lượng, giá trị dự án, tới phương pháp xác định giá đất và đặc biệt là thời điểm để được giao đất đối ứng…
Manh dat mau mo cho tham nhung, tieu cuc
Dự án BT đường trục phát triển phía Nam chưa bàn giao nhiều đoạn đã hỏng. 
Tại thời điểm hình thức đầu tư BT nở rộ những năm 2009-2011, do không có quy định cụ thể, nên hầu hết dự án được giao đất đối ứng song song, nghĩa là nhà đầu tư được “thanh toán” bằng đất ngay khi bắt đầu triển khai hạ tầng. Trong khi đó, phần lớn các dự án đầu tư BT đổi đất lấy hạ tầng được nhà đầu tư chọn làm hạ tầng phục vụ dự án của mình như dự án khu đô thị Dương Nội, khu đô thị Thanh Hà A, B và Mỹ Hưng... Vì thế, chênh lệch địa tô gấp nhiều lần định giá sau đầu tư Nhà nước gần như không được hưởng mà vào túi nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cơ chế định giá tù mù cả với dự án hạ tầng lẫn dự án đất đối ứng, trong đó phần thiệt thòi thường rơi vào phía Nhà nước, thể hiện qua giá trị hạ tầng nhận lại đa phần thấp hơn nhiều so với giá trị đất giao cho nhà đầu tư.
Đáng lưu ý, các dự án đầu tư BT đổi đất lấy hạ tầng của các tỉnh, thành phố lâu nay phần lớn được chỉ định thầu. Và hiện tình trạng này đang tiếp tục diễn ra khá phổ biến.
Cơ chế tù mù đồng thời là môi trường dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Người dân có quyền nghi ngờ rằng, giá trị đổi chác trên thực tế có thể khác với đổi trên giấy tờ, nghĩa là ngoài những thoả thuận trong hợp đồng rất có thể còn có những thoả thuận “dưới gầm bàn”. Từ đó, một nguồn lực lớn thuộc sở hữu toàn dân là đất đai bị thất thoát vào tay doanh nghiệp và một số ít người được giao nhiệm vụ quản lý, phát triển chính nguồn lực đó.
Và hàng loạt sai phạm trong tổ chức triển khai, quản lý các dự án BT bị các cơ quan có trách nhiệm phát hiện vừa qua cho thấy nghi ngờ của người dân không phải thiếu cơ sở.
Để bịt những lỗ hổng trong hình thức đầu tư này, Chính phủ, Quốc hội cần sớm xây dựng luật về lĩnh vực đầu tư BT đổi đất lấy hạ tầng. Và trong khi chưa có luật, cần áp dụng ngay cơ chế đấu thầu thực hiện các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng. Chỉ có như vậy mới ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.
Theo Xuân Thu/Báo Giao Thông

>> xem thêm

Bình luận(0)