Lùm xùm thu phí tham quan Yên Tử: Thu chi như thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Đề xuất thu phí tham quan Yên Tử nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong đó, nhiều người băn khoăn thu phí để làm gì, quá trình thu chi thế nào?

Vì sao thu phí tham quan di tích, rừng quốc gia Yên Tử?
Liên quan đến vụ việc UBND TP Uông Bí đã tổ chức lấy ý kiến và đề xuất lên HĐND tỉnh Quảng Ninh về việc thu phí tham quan Khu di tích danh thắng Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), người dân cả nước quan tâm lý do vì sao phải thu phí tham quan Di tích, Rừng quốc gia Yên Tử?
Để làm rõ những câu hỏi trên, PV Kiến Thức đã trao đổi với lãnh đạo UBND TP Uông Bí cũng như tiếp cận những văn bản, tờ trình liên quan.
Trong tờ trình số 341/TTr-UBND của UBND thành phố Uông Bí do ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND TP Uông Bí gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc xin phê duyệt tái thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử đã nêu rõ mục đích và mức phí dự kiến, cũng như công tác thu chi khi triển khai thu phí.
 Việc đề xuất thu phí tham quan Yên Tử đang gây nhiều ý kiến tranh cãi từ dư luận. Ảnh Hải Ninh.
Đề cập về lý do thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử, tờ trình nêu rõ: “Trước năm 2007, khi tỉnh Quảng Ninh cho phép thu phí tham quan Yên Tử, địa phương đã chủ động cân đối nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Duy trì tổ chức nâng cao chất lượng bộ máy quản lý, tăng cường quản lý di tích, quản lý rừng đặc dụng quốc gia Yên Tử, chất lượng phục vụ, đảm bảo các dịch vụ bảo hiểm đối với du khách tham quan.
Từ năm 2007 đến nay, thực hiện việc tạm dừng thu phí tham quan Yên Tử, Ban QLDT và Rừng QG Yên Tử không thực hiện được nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp có thu. Hàng năm, mọi hoạt động của đơn vị đều do ngân sách tỉnh và thành phố chi (từ 5 đến 7 tỷ) chủ yếu cho bộ máy tổ chức và một phần nhiệm vụ chi thường xuyên. Việc chủ động lập kế hoạch, tham mưu đề xuất, tăng cường quản lý nhà nước về di tích và lễ hội do đó cũng bị hạn chế.
Việc thu phí để tạo nguồn vốn đối ứng dự án đầu tư xây dựng Rừng quốc gia Yên Tử, dự án phát triển tổng thể Khu Di tích và danh thắng Yên Tử và các dự án khác. Vì vậy, việc tái thu phí di tích danh thắng Yên Tử là cần thiết".
Tờ trình cũng nêu rõ đối tượng chịu phí là các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu vào tham quan khu di tích Yên Tử, tham quan thắng cảnh Rừng quốc gia Yên Tử, nghiên cứu, học tập về lịch sử, văn hóa Yên Tử. Trong đó, đối tượng được miễn, giảm phí là các sư tăng, sư ni, đại biểu Phật giáo, người khuyết tật, người già trên 60 tuổi và trẻ em cao dưới 1,2 mét. Cơ quan được ủy quyền thu phí là Ban quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Phó chủ tịch UBND TP Uông Bí Đặng Đình Sách cho biết: “Hiện nay, trong Yên tử, nhà nước quản lý nhưng công đức và tiền giọt dầu nhà chùa thu, bến xe, dịch vụ, cáp treo doanh nghiệp thu, du khách đến hàng triệu nhưng nhà nước không thu được cái gì. Trong khi mình nuôi một bộ máy quản lý trông coi rừng đặc dụng lẫn quân ban quản lý của TP Uông Bí lên đến 60, 70 người. Hàng năm, việc tu bổ, sửa chữa đường và các công trình di tích xuống cấp, vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng đặc dụng Yên tử, ngân sách tỉnh với ngân sách thành phố phải bỏ ra gần chục tỷ. Chủ trương của tỉnh đưa ra thu phí để có chi phí bảo vệ cảnh quan môi trường Yên Tử, hỗ trợ một phần kinh phí cho lực lượng quản lý ở đó, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, nhà nước không thể bao mãi được. Hiện nay, gần như nhà nước không có thu gì ở đó cả. Mang tiếng khách đến đông nhưng thành phố chỉ có đi xử lý rác thải với đảm bảo vệ sinh môi trường".
Đề xuất thu chi có hợp lý hay không?
Dư luận cũng quan tâm, việc thu chi từ tiền bán vé tham quan vãng cảnh Khu danh thắng Di tích Yên Tử sẽ ra sao? Để minh bạch vấn đề thu chi nếu triển khai thu phí tham quan Yên Tử, tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: “Giá vé đề xuất áp dụng thống nhất một mức là 20.000 đồng/người/lượt và không áp dụng giá vé trên cho trẻ em”.
Theo dự kiến, lượng khách chịu thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử trong năm 2017 là 1,5 triệu lượt người (đã giảm trừ các đối tượng được miễn thu phí tham quan). Với mức thu 20.000đ/người/lượt, dự kiến nguồn thu từ bán vé tham quan là 30 tỷ đồng. Tổng dự toán chi là hơn 9,9 tỷ đồng. Tỉ lệ để lại khoảng 9 tỷ đồng.
Trong tờ trình nêu rõ việc quản lý và sử dụng số tiền thu được gồm mức chi thường xuyên (mức trích 30%) sẽ được chi cho các khoản tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương hoặc tiền công theo chế độ hiện hành. Chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức, lao động Ban quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử. Chi phí trực tiếp cho việc thu phí, chi mua sắm tài sản, sửa chữa trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ, bảo quản công trình di tích, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Chi kinh phí hoạt động ban tổ chức lễ hội xuân...
 Tờ trình của UBND TP Uông Bí về việc tái thu phí tham quan Yên Tử.
“Phần nộp ngân sách 70% sẽ được chi cho nhiệm vụ quản lý, tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ, cứu nạn, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, tuyên truyền quảng bá Yên Tử, chi tu bổ, bảo dưỡng sửa chữa nhỏ các di tích, công trình hạ tầng, chi phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo nâng cao trình độ, tổ chức bộ máy. Chi cho công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, chi cho khen thưởng...”, tờ trình nêu rõ.
Theo tờ trình này, dự kiến thời gian thực hiện thu phí bắt đầu từ 1/1/2017.
“Đây mới là đề xuất của UBND TP Uông Bí báo cáo tỉnh, sau này tỉnh còn có hội thảo, họp báo thông báo tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi người dân. Theo quan điểm của TP, việc thu phí sẽ không ảnh hưởng đến lượng khách về Yên tử bởi mức thu dự kiến khoảng 20 nghìn đồng cũng chỉ bằng chai nước lọc. Mức cụ thể chưa đưa ra nhưng sẽ không cao. Trước đây, thu phí tham quan vẫn miễn cho các cụ già, em nhỏ, thương bệnh binh, lần này tỉnh mà có thông qua thì cũng miễn phí cho các đối tượng này như trước đây”, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Đặng Đình Sách cho hay.
Dù tờ trình nêu rõ việc thu chi khi thu phí tham quan Yên Tử nhưng nhiều ý kiến trong dư luận, đặc biệt là đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã lên tiếng phản đối việc thu phí khi cho rằng “việc bán vé là lợi bất cập hại”.
Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận: “Trong nhiều năm qua, đã nhiều lần tỉnh Quảng Ninh nêu việc bán vé tham quan vãng cảnh Khu di tích Danh thắng Yên Tử nhưng không được sự đồng thuận của nhân dân. Vừa qua, chúng tôi được biết tỉnh lại có chủ trương bán vé vào Khu di tích Danh thắng chùa Yên Tử. Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh có ý kiến như sau: Hiến pháp và pháp luật nhà nước quy định mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, đặc biệt là luật tín ngưỡng tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua nghiêm cấm việc gây cản trở mọi người đến cơ sở tôn giáo bày tỏ đức tin, thực hiện nghi lễ tôn giáo. Việc bán vé vào chùa Yên Tử là hành vi cản trở mọi người thực hiện nghi lễ tôn giáo. 90% mọi người về Yên Tử là để lễ chùa, lễ Phật chứ không phải du lịch tham quan vãng cảnh. Hiện nay, tại Yên Tử đang thực hiện thu phí dịch vụ như: phí bến bãi, phí trông coi phương tiện, phí cáp treo, Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm đang đầu tư khu dịch vụ có thu phí, nay thêm phí tham quan nữa thì phí chồng thêm phí, gây nên sự bức xúc không đáng có - điều mà trong môi trường văn hóa, xã hội văn minh càng nên tránh”.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)