Làm cáp treo Sơn Đoòng: Chưa phải dự án cụ thể!

Google News

Tập đoàn Sun Group mới chỉ trình UBND tỉnh Quảng Bình ý tưởng, kỹ thuật xây dựng cáp treo vào Phong Nha – Kẻ Bàng, chưa phải dự án cụ thể.

Ngày 14/11, trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức tọa đàm “Thách thức bảo tồn từ các dự án phát triển” với mục đích nhằm trao đổi, thảo luận về những thách thức trong công tác bảo tồn từ một số dự án kinh doanh, phát triển du lịch. Trong đó dự án cáp treo vào hang Sơn Đoòng thuộc vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là vấn đề được các đại biểu, nhiều người có mặt tại buổi tọa đàm quan tâm và đưa ra những ý kiến khác nhau về mức độ ảnh hưởng, tác động tiềm ẩn có thể gây ra đối với cảnh quan, hệ sinh thái tại hang Sơn Đoòng nói riêng và Di sản vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nói chung.
Cùng với đó, tại buổi tọa đàm có đại biểu cũng chỉ ra rằng, việc làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng, chưa phải là dự án cụ thể để có thể bàn chi tiết hay đưa ra ý kiến có hay không…
Làm cáp treo vào cửa sau hang Sơn Đoòng sẽ không có hiệu quả
Tham gia buổi tọa đàm, PGS.TS Tạ Hòa Phương – Chủ nhiệm Bộ môn Địa chất lịch sử, khoa Địa Chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội đưa ra ý kiến: “Tôi không phản đối việc xây dựng cáp treo vào vườn Phong Nha – Kẻ Bàng vì đây là phương tiện để khai thác du lịch rất tốt trong thời hiện đại. Tuy nhiên, nếu đưa cáp treo vào vùng cốt lõi được bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia mà cụ thể là hang Sơn Đoòng thì tôi lại không tán thành.
 PGS.TS Tạ Hòa Phương - Chủ nhiệm Bộ môn Địa chất lịch sử, khoa Địa Chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội.
Vì qua những lần nghiên cứu về địa chất tại đây tôi nhận thấy ở đây có rất nhiều điều mà chúng ta cần phải bảo vệ do chúng rất mỏng manh và dễ bị phá hủy bởi cả thiên nhiên hay con người như: Cánh rừng nhiệt đới nằm dưới đáy của hố sụt thứ hai, sinh vật nhỏ li ti ở trong hang, các động vật sống hoàn toàn trong bóng tối, hệ thống thạch nhũ, ngọc động… Nên, nếu chúng ta làm cáp treo để đưa nhiều người vào hang Sơn Đoòng và khai thác du lịch đại chà thì chắc chắn những điều đó sẽ bị phá hủy”.
PGS.TS Tạ Hòa Phương cũng chỉ ra rằng, còn chúng ta làm cáp treo theo phương án như UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra trong buổi họp báo ngày 4/11 – cáp treo sẽ đưa khách ra cửa sau của hang Sơn Đoòng thì “tôi tin nó sẽ không mang lại hiệu quả”.
“Nếu đi vào cửa sau của hang Sơn Đoòng thì du khách sẽ thất vọng về cảnh quan nơi đây, vì từ nhà ga mọi người sẽ chỉ đi vào được khoảng 200m và ở thì không có gì đáng xem, thăm quan, ngoài hóa thạch của một con thú. Còn các hình ảnh đẹp và đáng khám phá lại nằm ở phía cửa trước và sâu trong hang. Và điều này sẽ dẫn đến việc đầu tư tốn kém lại không mang lại hiệu quả mong muốn do khách du lịch sẽ chỉ đến một lần mà không quay trở lại hoặc thậm chí họ sẽ lan truyền và chẳng ai còn muốn đi nữa” - PGS.TS Tạ Hòa Phương cho biết.
 Vẻ đẹp bên trong của hang Sơn Đoòng.
PGS.TS Tạ Hòa Phương cũng chia sẻ thêm, trong buổi gặp gỡ với đại diện Tập đoàn Sun Group (Đơn vị đầu tư) ông đã đưa ra những phương án và lời khuyên về việc mở các tuyến khác hiệu quả hơn, đồng thời lại không vi phạm vào vùng lõi của Phong Nha- Kẻ Bàng.
Đồng ý kiến với PGS.TS Tạ Hòa Phương, GS.TSKH Vũ Quang Côn – nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cũng đưa ra những cảnh báo, rủi ro tiềm ẩn nếu dự án cáp treo tại hang Sơn Đoòng được xây dựng như: ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, môi trường ô nhiễm…
Theo GS.TSKH Vũ Quang Côn: “Phong Nha – Kẻ Bàng là 1 trong 200 vùng sinh thái cảnh quan quan trọng của toàn cầu. Đồng thời ở đây cũng có số loài thực vật rất lớn – 2.744 loài, động vật trên 1000 loài trong đó có nhiều loài quý… chính vì vậy nếu làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng thì việc ảnh hưởng đến hệ động thực vật sẽ rất rõ. Vì để làm cáp treo chúng ta phải mở đường để vận chuyển nguyên vật liệu, ánh sáng đèn điện, tiếng ồn máy móc… những điều đó sẽ phá vỡ tính toàn vẹn của quần thể sinh học, động vật ở đây.
 GS.TSKH Vũ Quang Côn – nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
Khi hoàn thành, lượng người đổ về đây sẽ rất lớn và vấn đề ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh dù ta có quản lý tốt. Chính vì vậy, tôi cho rằng, hang Sơn Đoòng chỉ nên dành cho các nhà nghiên cứu, nhà thiên nhiên, thám hiểm… còn nếu để khai thác du lịch một cách ồ ạt ai cũng có thể đến thì mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn”.
Đồng thời GS.TSKH Vũ Quang Côn cũng nhấn mạnh, dù dự án có tốt, hay thì cũng cần phải tuân thủ Luật môi trường, Luật bảo vệ rừng, Luật Di sản văn hóa quốc gia, công ước quốc tế… và ý kiến của nhà quản lý (Bộ VH, TT&DL), ý kiến nhà khoa học, UNESCO…
Ngoài ý kiến, cảnh báo của các nhà nghiên cứu, bà Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên gia về phát triển bền vững và quản lý môi trường lại cho rằng, đối với các di sản ta vừa phải bảo tồn nhưng cũng nên phát triển. Tuy nhiên việc phát triển đó thì chỉ ở một ngưỡng cho phép, đối với hang Sơn Đoòng cũng vậy, ta có thể đầu tư nhưng đứng về mặt sinh thái, bảo tồn thì đến một ngưỡng nào đấy chúng ta không cho phát triển hơn nữa.
Cáp treo vào hang Sơn Đoòng mới chỉ là ý tưởng chưa phải dự án cụ thể
Cùng với những ý kiến, cảnh báo khác nhau của các nhà nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng, tác động tiềm ẩn có thể gây ra đối với cảnh quan, hệ sinh thái tại hang Sơn Đoòng nếu triển khai làm cáp treo thì Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dựng, Phó trưởng phòng Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ - Viện Điều tra Quy hoạch rừng lại đưa ra ý kiến, việc thực hiện cáp treo vào hang Sơn Đoòng mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng, chưa phải dự án cụ thể để bàn chi tiết hay đưa ra ý kiến có hay không.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dựng cho biết: “Ý tưởng làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng đã có từ lâu và nằm trong Dự án Quy hoạch xây dựng chung cho Phong Nha – Kẻ Bàng, tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được phê duyệt. Và Tập đoàn SunGroup là người tiếp thu và tiếp tục đưa ra ý tưởng thực hiện cáp treo vào hang Sơn Đoòng”.
 
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dựng, Phó trưởng phòng Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ - Viện Điều tra Quy hoạch rừng 
và tài liệu về dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dựng cho biết thêm: “Hiện tại, Tập đoàn SunGroup mới trình UBND tỉnh Quảng Bình ý tưởng, kỹ thuật xây dựng cáp treo vào Phong Nha – Kẻ Bàng và đưa chuyên gia nước ngoài tới để khảo sát. Vì vậy, đây hoàn toàn chưa phải là một dự án. UBND tỉnh Quảng Bình cũng mới chỉ phê duyệt về chủ trương xây dựng chứ không phải phê duyệt dự án”.
Ngoài ra, đây là công trình nằm trong một Di sản được UNESCO công nhận, vì vậy, việc để dự án được triển khai phải trải qua rất nhiều bước: Khi ý tưởng được phê duyệt thì nhà đầu tư mới xây dựng thành dự án và tiếp tục trình các cấp phê duyệt. Sau đó phải có đánh giá tác động môi trường, xin ý kiến của Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH, TT&DL), ý kiến đại diện Ủy ban UNESCO Hà Nội, UNESCO Paris. Từ đó phía UNESCO sẽ cử người sang đánh giá mức độ tác động môi trường của dự án tới đâu, như thế nào và khả năng phục hồi, chống chịu của tự nhiên thế nào nếu đạt chuẩn thì dự án mới được thực hiện.
Do vậy, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dựng cho rằng, UBND tỉnh Quảng Bình đã hơi vội vàng khi tổ chức họp báo về vấn đề cáp treo này vì đây chưa thực sự là một dự án. Ngoài ra, ông cũng góp ý với Tập đoàn Sun Group, họ làm nhưng chưa nghĩ tới vấn đề về dư luận, ý kiến nhà khoa học nên muốn xây dựng được dự án cáp treo Phong Nha – Kẻ Bàng thì hãy làm một cách minh bạch, tổ chức hội thảo khoa học, thông tin cụ thể cho báo chí… sẽ tốt hơn rất nhiều.
Theo GS.TSKH Vũ Quang Côn, hang Sơn Đoòng mới chỉ được phát hiện trong thời gian gần đây và chưa có nghiên cứu, con số cụ thể… nhưng đã muốn tác động vào đây dù là ý tưởng thì cũng còn quá sớm và thiếu tính toán. Và đây là ý tưởng của các nhà kinh doanh chứ không phải người làm khoa học.
Theo Huy Phương/VOV

Bình luận(0)